Làm sao để nâng cao giá trị ngành tôm Việt Nam?

21:43' - 30/08/2019
BNEWS Xuất khẩu tôm của Việt Nam đã có những giai đoạn đạt mức tăng trưởng rất cao, nhưng trong 5 năm trở lại đây đã chững lại với mức tăng trưởng không ổn định.
Các chuyên gia tham gia phiên thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN

Tìm kiếm giải pháp nâng cao giá trị ngành tôm để đảm bảo sự phát triển bền vững cho cả chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động là nội dung được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo "Ngành tôm và thủy sản Việt Nam: làm thế nào để cải thiện và nâng cao giá trị" do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 30/8.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Vasep Pro cho biết, tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng góp đáng kể vào việc gia tăng giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản Việt Nam trong nhiều năm qua. Xuất khẩu tôm đã có những giai đoạn đạt mức tăng trưởng rất cao, nhưng trong 5 năm trở lại đây đã chững lại với mức tăng trưởng không ổn định.

Nguyên nhân xuất phát một phần từ sự suy giảm tăng trưởng kinh tế ở một số khu vực thị trường lớn và phần còn lại do những hạn chế trong nội tại chuỗi sản xuất nuôi trồng – chế biến – xuất khẩu tôm.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta phân tích, ngành tôm Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển như khả năng mở rộng diện tích nuôi trồng lớn, tác động của biến đổi khí hậu có chiều hướng thuận lợi cho nuôi tôm, trình độ chế biến tôm đạt đến mức độ cao của thế giới. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập với những FTA có mức cam kết mở cửa sâu cho mặt hàng nông lâm thủy sản như CPTPP, EVFTA, VJFTA… giúp sản phẩm tôm Việt Nam có lợi thế canh tranh về giá cả tốt hơn.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế là việc nuôi tôm đa phần vẫn chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, con giống bố mẹ hầu hết phải nhập khẩu khiến chi phí nuôi tôm cao, giá tôm sau chế biến cao, khó cạnh tranh với tôm giá rẻ của Ấn Độ, Ecuador… Hạ tầng cơ sở phục vụ nuôi tôm còn thiếu và chưa đồng bộ, diện tích ao nuôi đạt các tiêu chuẩn cao như ASC, BAP còn rất ít khiến nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh cao, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên sản lượng và chất lượng tôm chưa ổn định.

Chính vì vậy nên dù xuất khẩu tôm thuộc top 5 thế giới nhưng tôm Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu xứng tầm. Mặt khác, các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường ngày càng nghiêm ngặt, đi cùng với các ưu đãi về thuế quan cũng là những hàng rào kỹ thuật dày đặc, nhiều khi trở thành công cụ bảo hộ sản xuất trong nước ở một số thị trường.

 Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, nguyên Chủ tịch Vasep tham luận tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN

Về góc độ thị trường, ông Hồ Quốc Lực cho biết: Mỹ, Nhật Bản, EU là ba thị trường xuất khẩu truyền thống lớn của sản phẩm tôm Việt Nam, ngoài Nhật Bản có giá trị xuất khẩu tương đối ổn định, thị trường Mỹ, EU đang có nhiều biến động. Trong đó, Mỹ từng là thị trường xuất khẩu lớn, tuy nhiên sau khi bị kiện chống bán phá giá, thị phần tôm Việt Nam tại thị trường này có xu hướng giảm, hiện nay chỉ đạt khoảng 10%. 

Mỹ là thị trường có khả năng dung nạp lớn với mẫu mã sản phẩm phù hợp với sở trường số đông doanh nghiệp tôm của Việt Nam. Quy định của FDA cũng khá thông thoáng, chỉ có 3 -5% lô hàng bị kiểm tra, mức thuế cuối cùng của POR13 bằng 0% và được áp dụng luôn cho POR14 là nền tảng thuận lợi cho xuất khẩu tôm về sau.

Mặc dù vậy, tôm Việt Nam đang phải chịu cạnh tranh trực tiếp từ tôm Ấn Độ giá rẻ và tôm Indonesia không phải chịu thuế chống bán phá giá. Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP) của Mỹ cũng gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vì việc nuôi tôm biến động thường xuyên. Mặc dù thị trường Mỹ còn nhiều dư địa nhưng doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc việc đẩy mạnh xuất khẩu ồ ạt để hạn chế rủi ro về chuyển tải, lẩn tránh thuế chống bán phá giá.

Ngược lại với Mỹ, từ năm 2016 đến nay, xuất khẩu tôm Việt Nam vào EU có cơ hội tăng trưởng mạnh do có lợi thế về thuế ưu đãi đặc biệt (GSP) so với đối thủ trực tiếp là tôm Thái Lan. Hiện nay, tôm Việt Nam đang chiếm khoảng 24% thị phầm tôm EU, với việc EVFTA sắp đi vào thực thi, lợi thế về thuế nhập khẩu của tôm Việt Nam càng được củng cố.

Thêm vào đó, EU có nhu cầu cao về tôm đông lạnh rời và đó chính là thế mạnh của các doanh nghiệp tôm Việt Nam. Với trình độ chế biến thuộc hàng đứng đầu thế giới, tôm Việt Nam sẽ thuận lợi trong việc thâm nhập các hệ thống phân phối lớn của EU.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, EU là thị trường thường kiểm tra sau thông quan, đòi hỏi truy xuất nguồn gốc chặt chẽ và tôm nuôi phải đạt chuẩn của EU (ASC). Các hệ thống phân phối còn đòi hỏi hết sức gắt gao như quy định mật độ nuôi, cách thu hoạch, thời gian từ thu hoạch tới bảo quản và chế biến. Tóm lại EU là thị trường rộng nhưng chưa mở, doanh nghiệp Việt muốn tận dụng cơ hội thị trường phải thay đổi và đáp ứng được các chuẩn mực trên.

 Doanh nghiệp chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thông, giảng viên Trường Đại học Nam Đan Mạch cho rằng, để thúc đẩy ngành tôm Việt Nam tăng trưởng ở mức 2 con số phải tập trung vào việc tạo ra nguồn tôm sạch có chứng nhận với mức giá cạnh tranh và xây dựng được thương hiệu cho tôm Việt Nam.

Cụ thể, phải kiểm soát chặt chẽ chế phẩm nuôi tôm, ngăn chặn từ gốc việc nhiễm dư lượng hóa chất, kiểm soát lại vùng nuôi tạo nên các trang trại, hợp tác xã nuôi có quy mô lớn theo chuẩn nuôi quốc tế có chứng nhận. Song song đó, phải đầu tư thỏa đáng cho cơ sở hạ tầng vùng nuôi gồm điện, đường, thủy lợi.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thông, để có sản phẩm tôm chế biến chất lượng cao, vai trò của người nuôi trồng vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, doanh nghiệp chế biến, thương mại tôm cần chia sẻ lợi ích công bằng hơn với người nuôi. Việc này sẽ thúc đẩy người nuôi ứng dụng các quy trình nuôi đạt chuẩn để tăng nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ trở lại cho hoạt động chế biến xuất khẩu.

Trong khi đó, ông Carson Roper, chuyên gia tư vấn chuỗi thủy sản tại Pháp khuyến nghị, ngành tôm nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung cần lưu ý đến việc sử dụng kháng sinh và hóa chất trong nuôi trồng, chế biến bởi người tiêu dùng ở các thị trường phát triển phản ứng rất mạnh với vấn đề dư lượng kháng sinh, hóa chất trong thực phẩm.

Bên cạnh đó, nắm bắt xu hướng ưu tiên tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường, có giá trị bền vững cũng là chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả những lợi thế sẵn có để nâng cao kim ngạch và giá trị xuất khẩu trong thời gian tới./.

>> Dự báo tình hình xuất khẩu tôm những tháng cuối năm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục