Làm sao để tăng hiệu quả truyền tải điện khu vực Nam miền Trung – Duyên Hải và Tây Nguyên?

16:32' - 27/12/2021
BNEWS Để ngăn ngừa sự cố trong quản lý vận hành, PTC3 đã đã ứng dụng các thiết bị bay UAV có trang bị camera nhiệt có khả năng soi phát nhiệt, bước đầu đã mang lợi một số hiệu quả.

Công ty Truyền tải Điện 3 (PTC3) quản lý vận hành lưới điện truyền tải 9 tỉnh khu vực Nam miền Trung – Duyên Hải và Tây Nguyên. Để nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện truyền tải, đơn vị này đã có nhiều bước tiến trong chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ hiện đại. Ông Nguyễn Công Thắng, Giám đốc Công ty Truyền tải Điện 3 đã có buổi trao đổi với phóng viên xoay quanh chủ đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật mà đơn vị đã đạt được về thực hiện chủ đề năm 2021 về chuyển đổi số?

Giám đốc Nguyễn Công Thắng: Ngay từ đầu năm 2021, PTC3 đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của PTC3. Trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia (EVNNPT), PTC3 đã xây dựng kế hoạch triển khai chuyển đổi số cụ thể cho năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Bám sát các chỉ đạo của EVN, EVNNPT, công ty thường xuyên tổ chức các phiên họp Ban chỉ đạo chuyển đổi số để kịp thời chấn chỉnh, chỉ đạo thực hiện các hạng mục đảm bảo tiến độ đã được cấp trên giao; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các lĩnh vực, như: Quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, kỹ thuật sản xuất...

Ngoài nhiệm vụ do EVN, EVNNPT giao, PTC3 đã chủ động triển khai các nhiệm vụ tự thực hiện gắn liền với nhu cầu điều hành sản xuất và quản lý vận hành đặc thù của công ty. Năm 2021, PTC3 đã cơ bản thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ, tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong giai đoạn 2022 -2025.

Phóng viên:  Trong lĩnh vực quản lý vận hành, thời gian qua, PTC3 đã ứng dụng các thiết bị bay UAV có trang bị camera nhiệt có khả năng soi phát nhiệt các đường dây thường xuyên vận hành đầy tải, quá tải, xin ông cho biết tính ưu việt của ứng dụng này?

Giám đốc Nguyễn Công Thắng: Do các nhà máy điện năng lượng tái tạo (gồm điện mặt trời và điện gió) khu vực Nam miền Trung – Duyên Hải và Tây Nguyên, các nhà máy thủy điện phát cao lên lưới, dẫn đến lưới điện truyền tải PTC3 quản lý vận hành thường xuyên đầy tải và quá tải, nguy cơ sự cố do phát nhiệt cao.

Để ngăn ngừa sự cố trong quản lý vận hành, PTC3 đã đã ứng dụng các thiết bị bay UAV có trang bị camera nhiệt có khả năng soi phát nhiệt, bước đầu đã mang lợi một số hiệu quả như: giúp người nhân viên vận hành kiểm tra nhanh các vị trí khó tiếp cận như mối nối dây dẫn nằm ở giữa khoảng cột vượt núi, hồ nước...; kiểm tra được tổng thể các điểm có nguy cơ phát nhiệt trong trạm biến áp (các điểm tiếp xúc), phát hiện các điểm phát nhiệt ở nhiều góc độ, thời gian kiểm tra ngắn, bao quát, rút ngắn thời gian đo soi phát nhiệt so với máy đo soi phát nhiệt cầm tay… Đây là thiết bị nhỏ gọn, thuận lợi trong quá trình di chuyển.

Phóng viên: PTC3 đã lắp ráp và thử nghiệm thành công thiết bị chạy trên dây dẫn để vệ sinh lớp mỡ bám lẫn bùn đất bên ngoài bề mặt dây dẫn. Xin ông cho biết vì sao đơn vị triển khai giải pháp này?

Giám đốc Nguyễn Công Thắng: Xuất phát từ yêu cầu thực tế phải xử lý trường hợp dây dẫn đường dây 220 kV Tuy Hòa - Nha Trang (mạch 2) có tổn thất điện năng tăng cao bất thường. Nguyên nhân do địa bàn thường xuyên có bụi bẩn và đặc tính dây dẫn có nhiều mỡ, trong quá trình vận hành đã bám nhiều bụi, đất làm cho bề mặt dây dẫn gồ ghề, phát sinh vầng quang. Đối với việc vệ sinh dây dẫn bằng thủ công không khả thi về thời gian cắt điện, nhân lực thực hiện, nguy cơ mất an toàn cho con người. Ngoài ra, phương án hạ dây dẫn xuống để vệ sinh rất phức tạp do có nhiều cung đoạn giao chéo với đường bộ và các công trình điện khác. Do đó, PTC3 đã lắp ráp và thử nghiệm thành công thiết bị chạy trên dây dẫn để vệ sinh lớp mỡ bám lẫn bùn đất bên ngoài bề mặt dây dẫn.

Khi triển khai ứng dụng này, dây dẫn được đánh sạch lớp mỡ bám lẫn bùn đất bên ngoài, giúp giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động so với phương án thủ công, ngoài ra hạn chế nguy cơ mất an toàn khi công nhân PTC3 thực hiện ra dây dẫn để vệ sinh.

Phóng viên: Xin ông phân tích những kết quả ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công nghệ xử lý và nhận diện hình ảnh được PTC3 triển khai trong thời gian qua?

Giám đốc Nguyễn Công Thắng: Với đặc điểm lưới điện truyền tải của PTC3 trải dài, địa hình phức tạp, hành lang tuyến nhiều khoảng cột đường dây đi qua là khu vực cỏ dại, rừng keo nguyên liệu, rừng phòng hộ, vùng nguyên liệu mía, khu vực rừng rẫy trồng... Nguy cơ cháy gây sự cố đường dây trong mùa khô, năng nóng cao.

Trong quản lý vận hành, PTC3 đã đề ra nhiều giải pháp để ngăn ngừa cháy, phòng cháy dưới hành lang như: tuyên truyền vận động người dân, cử công nhân canh gác những vị trí có nguy cơ cháy cao… Để nâng cao năng lực của lực lượng quản lý vận hành đường dây, kịp thời xác định các yếu tố tiềm ẩn có khả năng gây ra sự cố lưới điện, PTC3 áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quản lý vận hàng bằng sử dụng các camera trí tuệ nhân tạo báo khói, cháy.

Việc sử dụng camera giúp báo khói, cháy giúp giám sát một phạm vi rộng, hoạt động liên tục 24/7, tự động cảnh báo tín hiệu về điện thoại di động thông minh để người vận hành biết, thay thế cho các camera giám sát thông thường đòi hỏi phải thường xuyên theo dõi màn hình 24/7 để phát hiện bất thường. Giải pháp công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo, có những tính năng vượt trội giúp việc quản lý vận hành lưới điện truyền tải chủ động trong việc phòng chống cháy.

Ngoài ra ứng dụng trí tuệ nhân tạo còn được PTC3 đưa vào sử dụng trong giám sát nhiệt độ thiết bị không người trực tại Trạm biến áp 220kV Quy Nhơn; nhận diện khuôn mặt giám sát người ra vào trạm không người trực tại Trạm biến áp 220kV Vân Phong; nhận diện khuôn mặt tích hợp cảm biến nhiệt độ tại Trụ sở PTC3 mang lại hiệu quả trong phòng chống dịch COVID–19, nhằm phát hiện, sàng lọc ban đầu trong nội bộ PTC3 cũng như theo dõi, truy vết đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.

Phóng viên: Với những kết quả đã đạt được, PTC3 có tự tin về đích trước kế hoạch chuyển đổi số so với kế hoạch EVNNPT giao không thưa ông?

Giám đốc Nguyễn Công Thắng: PTC3 luôn xác định việc ứng dụng thành công công nghệ trong thời gian qua không có nghĩa là dừng lại. Chủ đề năm 2022 của EVN đưa ra là “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả” thì chuyển đổi số vẫn giữ một phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm để mang lại những hiệu quả cao trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải.

Do vậy, PTC3 xác định chuyển đổi số là một trong các nhóm giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển và sẽ triển khai thực hiện những giải pháp trong chuyển đổi số trong giai đoạn 2022 - 2025, với các mục tiêu chính sau: Hoàn thiện hạ tầng, nâng cao tính bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin trong mọi hoạt động trên môi trường số tại PTC3. Số hóa được hoàn toàn các dữ liệu, quy trình nghiệp vụ; ứng dụng toàn diện các phần mềm lõi của EVN, EVNNPT triển khai, các ứng dụng của PTC3 tự phát triển,…

Đồng thời, PTC3 sẽ phát triển nguồn nhân lực trên nền tảng văn hoá số, con người trong môi trường số; tăng cường đào tạo nhận thức chuyển đổi số cho cán bộ quản lý, tích cực tham gia các chương trình đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuẩn hoá theo khung năng lực từng nhóm vị trí chức danh,… đáp ứng yêu cầu trong quá trình chuyển đổi số của PTC3.

Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong quản lý vận hành đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện, nâng cao chất lượng điện; giảm tổn thất điện năng và tăng năng suất lao động./.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục