Làm sao để ứng phó với tình trạng lãi suất cao kéo dài?

13:40' - 08/11/2023
BNEWS Lãi suất cao trong một khoản thời gian dài sẽ gây ra sự tổn thương cho các chính phủ. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nợ công của các nước giàu đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1946.

Kể từ đại dịch, tỷ lệ nợ công so với GDP của các nước giàu cao hơn kỷ lục kể từ chiến tranh Napoléon (1803-1815).

 

Tính bền vững của những khoản nợ khổng lồ này phụ thuộc không chỉ vào lãi suất mà còn vào mức độ so sánh giữa tỷ lệ lãi suất và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Trong kỷ nguyên lãi suất thấp, nếu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng nhanh hơn tỷ lệ lãi suất cộng dồn, tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP có thể giảm ngay cả khi chính phủ tiếp tục vay để trả lãi, thậm chí có thể vay thêm để chi tiêu bổ sung trong khi vẫn giữ tỷ lệ nợ trên GDP ổn định.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế phát triển giai đoạn 2023-2028 sẽ tiếp tục cao hơn 1,4 điểm phần trăm so với mức lãi suất mà các chính phủ phải trả cho các khoản vay, bất chấp những đợt tăng lãi suất gần đây. Lý do là các chính phủ, giống như các công ty, đã khóa lãi suất ở mức thấp bằng cách phát hành nợ dài hạn.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ trên GDP hầu hết có xu hướng tăng vì nhiều chính phủ tiếp tục thâm hụt quá mức. Theo Ủy ban ngân sách liên bang Mỹ, cường quốc lớn nhất thế giới đang vay mượn một cách vô điều kiện. Bỏ qua sai lệch trong kế toán, mức thâm hụt của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm qua là 7,5% GDP. Thâm hụt cao thường chỉ xảy ra trong thời kỳ chiến tranh hoặc suy thoái nghiêm trọng.

Ở tất cả các nền kinh tế tiên tiến lớn, trừ Đức và Nhật Bản, việc thắt lưng buộc bụng là cần thiết để ngăn tỷ lệ nợ trên GDP tiếp tục tăng. Mỹ sẽ phải giảm thâm hụt ngân sách cơ bản - là mức thâm hụt không bao gồm lãi vay - ở mức 2,4% GDP hàng năm. Điều này sẽ đặc biệt khó do nước này phải tăng chi để giải quyết vấn đề dân số già, khủng hoảng khí hậu và căng thẳng địa chính trị gia tăng. IMF ước tính, tất cả những điều này sẽ kiến tỷ lệ nợ tăng lên mức 7,5% GDP của các nước giàu.

Hơn nữa, với lãi suất cao trong thời gian dài, các chính phủ, giống như các công ty, cuối cùng cũng sẽ phải tái cấp vốn. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm hiện cao hơn ước tính về tăng trưởng dài hạn ở hầu hết các nền kinh tế giàu có. Điều này có nghĩa là sẽ cần thắt lưng buộc bụng nhiều hơn nữa để không tăng thêm các khoản nợ.

Vì vậy, không khó để kết luận rằng, dựa trên những dự báo tăng trưởng hiện nay, tình trạng lãi suất cao trong thời gian dài sẽ buộc các chính phủ rơi vào vòng cân đối ngân sách mới khó khăn không kém những gì châu Âu gánh chịu trong những năm 2010. Nếu biến động trong ngành tài chính dẫn đến những gói cứu trợ tốn kém, triển vọng tài chính sẽ trở nên ảm đạm hơn.

Luôn có cách đối phó

Vậy liệu nền kinh tế thế giới có thể đối phó với tình trạng giảm nợ doanh nghiệp, giá nhà giảm, bất ổn tại các ngân hàng và thắt chặt tài chính? Theo The Econimist, điều này có lẽ là được, nếu tỷ giá tăng vì lý do chính đáng. Các nhà kinh tế cho rằng lãi suất được xác định trong dài hạn bởi sự cân đối giữa nhu cầu tiết kiệm và đầu tư của thế giới. Tiết kiệm nhiều hơn sẽ kéo cái gọi là lãi suất “tự nhiên” xuống trong khi đầu tư nhiều hơn sẽ đẩy lãi suất lên. Lý do phổ biến nhất giải thích cho tỷ lệ lãi suất chạm đáy trong những năm 2010 là dân số già đang tích trữ nhiều tiền hơn để nghỉ hưu, trong khi triển vọng tăng trưởng dài hạn mờ nhạt khiến các công ty không còn mong muốn mở rộng kinh doanh- hiện tượng đôi khi được gọi là "đình trệ kéo dài".

Để lãi suất thay đổi lâu dài, triển vọng này chắc chắn phải thay đổi. Một lý do có thể là dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, được thúc đẩy bởi những tiến bộ gần đây về trí tuệ nhân tạo (AI). Về lâu dài, tăng trưởng và lãi suất có mối liên hệ mật thiết. Khi thu nhập tăng lên theo thời gian, người dân sẽ ít có nhu cầu tiết kiệm hơn. Các công ty với kỳ vọng doanh thu cao hơn sẽ quan tâm hơn tới đầu tư. Các ngân hàng trung ương phải giữ lãi suất cao hơn để ngăn chặn kinh tế phát triển quá nóng.

Có vẻ hơi quá khi nói rằng sự lạc quan về triển vọng công nghệ AI đang đẩy lợi suất trái phiếu lên cao. Tuy nhiên, điều này giải thích tại sao triển vọng lãi suất cao trong thời gian dài không khiến thị trường chứng khoán giảm nhiều.

Về lý thuyết, lợi suất trái phiếu cao hơn sẽ làm giảm giá trị thu nhập trong tương lai của các công ty, một tác động gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến các công ty công nghệ. Trên thực tế, khi sự lạc quan về AI ngày càng lan rộng, giá trị của các công ty công nghệ lớn như Microsoft và Nvidia đã tăng cao. Giá trị ngày càng tăng của các công ty công nghệ khiến tỷ lệ giá trên thu nhập được điều chỉnh theo chu kỳ của chỉ số S&P 500 giữ ở mức trước đại dịch, mặc dù lợi suất trái phiếu hiện cao hơn nhiều. Và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ trong quý III/2023 không phải do tăng trưởng bất thường về việc làm. Trên thực tế, thị trường lao động đang nguội dần. Nếu con số tăng trưởng là chính xác thì năng suất chắc chắn đã tăng.

Nếu tăng trưởng năng suất là lý do khiến lãi suất cao hơn, kỷ nguyên mới có thể là kỷ nguyên hạnh phúc. Cùng với chi phí trả nợ tăng, các hộ gia đình sẽ có thu nhập thực tế cao hơn, các công ty sẽ có doanh thu cao hơn, các tổ chức tài chính sẽ được hưởng tỷ lệ vỡ nợ thấp và các chính phủ sẽ thu nhiều thuế hơn. Cạnh tranh lành mạnh về vốn thậm chí có thể mang lại những lợi ích riêng. Một số nhà kinh tế từ lâu đã ngờ rằng kỷ nguyên lãi suất thấp trong những năm 2010 khiến nền kinh tế kém năng động hơn. Giáo sư Kristin Forbes tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết các công ty tương đối kém hiệu quả có thể dễ dàng tồn tại. Trong điều kiện lãi suất cao được củng cố bởi tốc độ tăng trưởng nhanh, sẽ có rất nhiều động lực.

Tuy nhiên, cũng có lý do đáng lo ngại hơn về tình trạng lãi suất cao. Nợ chính phủ đã tăng lớn đến mức làm cạn kiệt nguồn tiết kiệm thặng dư của thế giới. Trong ngắn hạn, nhiều nhà giao dịch cho rằng lợi suất trái phiếu tăng là do việc phát hành nợ dồn dập kể từ đại dịch, cũng như việc ngừng các đợt mua trái phiếu lớn tại các ngân hàng trung ương.

Mặc dù thường bỏ qua tầm quan trọng của việc trao tay trái phiếu, các nhà kinh tế thực sự cho rằng quy mô của lượng nợ tồn đọng là vấn đề đáng quan tâm. Một quy tắc chung được đề xuất vào năm 2019 bởi Giáo sư Larry Summers tại Đại học Harvard và ông Lukasz Rachel, khi đó đang làm việc tại Ngân hàng trung ương Anh, là tỷ lệ nợ trên GDP tăng 10% sẽ khiến lãi suất tăng 0,35 điểm phần trăm trong dài hạn, trong khi mỗi điểm phần trăm tăng trong thâm hụt sẽ làm tăng lãi suất lên tỷ lệ tương đương. Điều này có nghĩa là các chính phủ chi tiêu hoang phí đã góp phần tạo nên tỷ lệ lãi suất cao hiện nay.

Nếu nợ chính phủ là nguyên nhân gây nên tình trạng lãi suất cao trong thời gian dài, nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với lãi suất cao hơn mà không đi kèm bất kỳ động lực tăng trưởng nào.

Ngoài một cuộc khủng hoảng tài chính, căng thẳng hiện nay có thể được giải quyết như thế nào? Một khả năng là lạm phát cao dai dẳng có thể làm giảm giá trị thực của các khoản nợ chính phủ, giống như tình trạng trước đây sau những thời điểm khủng hoảng kinh tế. Trong trường hợp này, dù lãi suất danh nghĩa có thể cao trong thời gian dài, lãi suất thực tế sẽ không tăng nhiều. Các công ty và chính phủ sẽ chịu được mức lãi suất cao do thu nhập của họ sẽ cao nếu tính bằng tiền mặt. So với mức lợi suất trái phiếu thực tế cao mà họ dự báo hiện nay, các trái chủ sẽ bị siết chặt.

Một khả năng khác là lãi suất cao đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái, khiến các ngân hàng trung ương phải giảm lãi suất. Đồng tình với quan điểm này, ngày 23/10, nhà sáng lập quỹ Pershing Square Capital, Bill Ackman, tuyên bố quỹ của ông không còn đặt cược rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng. Ông Ackman viết: “Có quá nhiều rủi ro trên thế giới nếu duy trì trái phiếu ngắn hạn ở mức lãi suất dài hạn hiện nay. Nền kinh tế đang phát triển chậm hơn so với liệu công bố gần đây.” Nếu ông đúng, lãi suất cao hơn có thể sẽ không tồn tại lâu nữa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục