Làm thế nào để huy động nguồn vàng, ngoại tệ trong dân?

21:42' - 23/07/2017
BNEWS Câu chuyện huy động các nguồn lực tài chính trong dân lại trở thành vấn đề nóng khi Chính phủ nhiều lần đặt vấn đề nghiên cứu đề án hoặc biện pháp huy động vàng và ngoại tệ trong dân cư.
Liệu đã đến thời điểm phù hợp để huy động nguồn vàng trong dân? Ảnh minh họa: EPA

Một lần nữa, câu chuyện huy động các nguồn lực tài chính trong dân lại trở thành vấn đề nóng khi Chính phủ nhiều lần đặt vấn đề nghiên cứu đề án hoặc biện pháp huy động vàng và ngoại tệ trong dân cư để đưa vào sản xuất kinh doanh. Thực tế cho thấy, đây là bài toán khó chưa có lời giải trong những năm qua.

Cần thời điểm thích hợp

Đâu đó trong khu vực dân cư đang tồn tại một khối lượng vàng lớn mà theo ước tính vào khoảng 500 tấn. Đây là một con số khá lớn nếu được chuyển thành tiền phục vụ nền kinh tế. Và câu chuyện làm sao để “đánh thức” hũ vàng đang “ngủ yên” này thành vốn cho nền kinh tế đã được bàn bạc từ rất lâu, nhưng dường như chưa có hồi kết.

Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, với khối lượng vàng khá lớn đang nằm đâu đó trong dân, nên có hình thức đưa nó vào quay vòng để sản xuất kinh doanh.

Vị chuyên gia này đề xuất phương án phát hành chứng chỉ vàng, nhưng không trả lãi suất. Với chứng chỉ này, người dân được phép cầm cố, thế chấp để đi vay vốn. Rõ ràng nó sẽ năng động hơn, linh hoạt hơn so với phương án để trong nhà. Làm như vậy không tăng vàng hoá bởi huy động, nhưng không có lãi suất, người dân gửi vàng không được tiền và ngân hàng cũng không phải trả phí.

“Chúng ta không dùng mọi cách để “moi” vàng của người dân mà là khuyến khích luân chuyển để vàng không bị tồn. Một số quốc gia đã làm và thành công như Ấn Độ. Tuy nhiên cần có quá trình nghiên cứu, xem xét và cần thời điểm thích hợp”, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho biết.

Còn Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương thì nhận định, hiện chưa phải thời điểm phù hợp để huy động nguồn lực vàng trong dân.

Điều quan trọng là phải ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Khi kinh tế vĩ mô ổn định, người dân sẽ tự tìm thấy cơ hội sinh lời và lúc ấy họ sẽ tự động chuyển đổi vàng thành vốn đầu tư.

Tổng giám đốc Tien Phong Bank Nguyễn Hưng cũng khẳng định, nếu huy động được nguồn lực trong xã hội để tái đầu tư lại thì sẽ rất tốt, nhưng cần có cơ chế phù hợp bởi vàng vật chất khác hẳn tiền.

Vàng còn phụ thuộc giá lên, xuống, giá trong nước, quốc tế. Chính vì vậy việc huy động như thế nào, giải quyết các vấn đề liên quan ra sao để cho vay bằng vàng hay chuyển đổi ra tiền cần xem xét kỹ lưỡng vì nó khá phức tạp và rủi ro cao.

“Còn nếu nhà điều hành phát hành chứng chỉ vàng thì sau đấy làm thế nào để có hiệu quả, chứ không thể mang vào cất trong kho. Đấy là vấn đề cần phải cân nhắc nhiều chiều”, ông Nguyễn Hưng nói.

 Xem xét nâng trần lãi suất huy động USD

Từ tháng 9 và tháng 12/2015, Ngân hàng Nhà nước lần lượt hạ trần lãi suất tiền gửi USD xuống 0%/năm đối với tiền gửi của doanh nghiệp cũng như của dân cư. Quyết định này đưa ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND có biến động mạnh và góp phần kích thích ngoại tệ chuyển đổi từ găm giữ sang thương mại, góp phần bình ổn tỷ giá.

Giới phân tích cho rằng, trần lãi suất tiền gửi USD 0%/năm đã xong “sứ mệnh” và nhà điều hành nên xem xét việc nâng lãi suất để thu hút thêm nguồn lực và củng cố cơ cấu vốn bền vững hơn cho hệ thống.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Tien Phong Bank nhận định, trong xu hướng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, nếu cứ duy trì lãi suất huy động USD 0% thì quả là khó. Bên cạnh đó, nếu không sinh lời thì người dân sẽ không gửi USD vào ngân hàng. Ngay như vừa rồi Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo tăng lãi suất tiền gửi bằng USD thay vì 0% bằng một mức hợp lý nào đó và điều này hoàn toàn khả thi.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng đề xuất cần nghiên cứu để huy động USD bằng cách xem xét điều chỉnh trần lãi suất USD.

Ông Lực phân tích, nhu cầu cho vay ngoại tệ năm nay cao hơn năm trước. Ngoài vấn đề nhập siêu, 6 tháng đầu năm nay cho vay ngoại tệ tăng khoảng 5%, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng khoảng từ 1,5 - 2%. Rõ ràng nền kinh tế vẫn có nhu cầu vay ngoại tệ rất lớn.

Hiện nay, nếu các ngân hàng phải đi vay ngân hàng nước ngoài, lãi suất khoảng 2,5%/năm; trong khi nếu huy động từ dân cư, lãi suất huy động USD nếu được điều chỉnh lên 0,25% thì sẽ rẻ hơn rất nhiều so với đi vay từ các ngân hàng nước ngoài. Như vậy cũng góp phần giảm lãi suất đầu ra.

Làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, các giải pháp điều hành vĩ mô tổng thể những năm qua là rất trúng, nhờ đó nguồn lực ngoại tệ đã chuyển hóa thành VND.

Thống đốc dẫn chứng, năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, một phần lớn là từ ngoại tệ nắm giữ trong dân, qua đó chuyển thành VNĐ và được người dân đưa trực tiếp một phần vào sản xuất kinh doanh, phần khác gửi vào các ngân hàng thương mại.

“Chúng tôi cho rằng đây là giải pháp huy động nguồn lực tốt nhất trong điều kiện hiện nay mà vẫn giữ được ổn định vĩ mô, không để những biến động ngoài tầm kiểm soát. Ngay cả với vàng, trong những năm qua chúng ta không mất ngoại tệ để nhập vàng, người dân cũng không đổ nguồn lực mua vàng như trước nữa mà chuyển hóa nguồn lực vào nền kinh tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ các giải pháp cụ thể huy động các nguồn lực, nhưng làm sao bảo đảm ổn định”, Thống đốc khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục