Phấn đấu giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp

15:16' - 18/07/2017
BNEWS Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5 – 1%, Bộ trưởng cho rằng, hiện mặt bằng lãi suất vay ngắn hạn từ 4-6%, trung - dài hạn 9-11% một năm.

Sáng 18/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi kiểm tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất cho vay, xử lý nợ xấu, huy động nguồn lực trong dân, xử lý vấn đề sở hữu chéo cổ phần tại các ngân hàng thương mại, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, an toàn thông tin và an toàn cây gửi tiền ATM là những nội dung Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ truyền đạt tại buổi kiểm tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sáng 18/7.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu. Ảnh minh họa: Văn Điệp – TTXVN

6 vấn đề Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước 477 nhiệm vụ. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành 397 nhiệm vụ, trong đó quá hạn là 38 nhiệm vụ; còn 80 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó trong hạn là 75, quá hạn là 5 nhiệm vụ.
Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định, tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất cho vay là vấn đề quan trọng.

Năm 2017 tăng trưởng tín dụng phải đạt 18-20%. Bên cạnh thực hiện các giải pháp huy động vốn, phải chú trọng đến việc cho vay.

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng đã đề cập: Tín dụng tăng nhưng phải chảy vào doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, năm 2016 có 110.000 doanh nghiệp thành lập mới, 6 tháng đầu năm 2017 có thêm khoảng 60.000 doanh nghiệp.

Nhưng năm 2016 cũng có 93.000 doanh nghiệp khó khăn, ngừng hoạt động, đóng cửa... “Thành lập nhiều nhưng đóng cửa dừng hoạt động cũng nhiều, trong đó có yếu tố liên quan tiếp cận vốn tín dụng, chính sách đất đai. Về vấn đề này, Ngân hàng giúp giải cứu doanh nghiệp, có chính sách giúp các doanh nghiệp mới thành lập, khởi nghiệp tiếp cận được vốn”, Bộ trưởng nói.
Nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5 – 1%, Bộ trưởng cho rằng, hiện mặt bằng lãi suất vay ngắn hạn từ 4-6%, trung - dài hạn 9-11% một năm.

Với lãi suất 9-11%/năm, tính toán doanh nghiệp phải có được lãi gộp ở mức 25-27% thì mới có lãi.
Bộ trưởng đưa ra ví dụ, dư nợ tín dụng cả nước hiện trên 5 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì các doanh nghiệp đã dành được 50.000 tỷ đồng, với phương thức đầu tư 5 đồng vốn 1 đồng lãi thì đã có 10.000 tỷ đồng.

Nếu tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì thuế nộp vào ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, 10.000 tỷ đồng này giúp GDP tăng 0,25%. Hay vấn đề nợ công hiện khoảng 1 triệu tỷ đồng, nếu giảm 1% lãi suất, sẽ giúp tiết kiệm từ ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng, là khoản tốt, tạo điều kiện bù đắp các khoản đầu tư phát triển.
Từ đó, Bộ trưởng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất, quản lý nợ xấu... để minh bạch tài chính, thanh khoản, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển và đưa nguồn tiền vào sản xuất kinh doanh.
Nêu rõ thực chất muốn hạ lãi suất là phải xử lý nợ xấu, Bộ trưởng cho biết đây là cả một quá trình. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu, có hiệu lực từ ngày 15/8 tới.

Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ quan trọng khi tổ chức thực hiện, đảm bảo xử lý được nợ theo đúng tinh thần của Nghị quyết; hướng dẫn các ngân hàng thương mại trong thu bán tài sản đảm bảo, bán nợ xấu ...
“Chúng ta phải có giải pháp thực hiện sớm khi thời hiệu Nghị quyết đã cận kề. Không xử lý nợ xấu không thể tạo sự lành mạnh, an toàn hệ thống và hạ lãi suất. Chúng ta hiện vẫn phải dùng kỹ thuật, biện pháp khoanh nợ, đảo nợ tại các ngân hàng, song thực chất vẫn phải nuôi khoản nợ đó”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc Ngân hàng Nhà nước sớm có chủ trương huy động nguồn lực trong dân, trong đó có ngoại tệ, tạo cơ chế để hút tiền vào, không để chảy ra nước ngoài.

Bộ trưởng khẳng định “nguồn lực trong dân rất lớn, cần huy động được nguồn lực đô la Mỹ đang nằm trong dân. Thay vì gửi lãi suất USD 0%, có chính sách huy động nguồn lực này để hòa vào huy động khác phục vụ đầu tư. Đó là một trong số tiêu chí để phấn đấu hạ lãi suất”.
Theo Bộ trưởng, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương chống đô la hóa nhưng trong điều kiện có thể kiểm soát được thì cần huy động bởi trên thực tế, vẫn phải mua lượng trái phiếu quốc tế cao khoảng 4,8%, trong khi nguồn lực đô la Mỹ trong dân có, nên cần nghiên cứu phương án huy động phù hợp.
Về việc xử lý sở hữu chéo cổ phần ngân hàng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sau khi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước ra đời, việc xử lý sở hữu chéo đã tốt hơn, nhưng không phải không còn.

Đơn cử như sở hữu chéo cổ phần của Vietcombank tại Ngân hàng Quân đội (MBB) là 9,8%, Eximbank là 8,2% và 5,26% ở SaiGonBank ...

Tới thời điểm này giảm không đáng kể, như ở MBB vẫn còn 7,16%; ở Eximbank là 8,19%, SaiGonBank là 4,13%... Phải tăng cường và thực hiện nghiêm túc Thông tư 36, giảm sở hữu chéo, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thông tin về việc doanh nghiệp đang khó khăn về các thủ tục liên quan tới tài sản đầu tư trên diện tích đất thuê; tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng, Bộ trưởng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thế chấp tài sản đầu tư trên đất vay tiền từ các ngân hàng thương mại; xem xét toàn diện việc cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 bởi hiện nay nhiều trường hợp đủ điều kiện theo quy định nhưng ngân hàng không cho vay.

Bên cạnh đó, gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa được giải ngân, các ngân hàng thương mại cần hết sức quan tâm tới gói tín dụng này.
Bộ trưởng cũng nhắc nhở Ngân hàng Nhà nước về việc bảo đảm an toàn thông tin cho người gửi tiền, an toàn thông tin mạng, thanh toán qua ATM..., cần có giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn gửi tiền cho người dân, tránh ảnh hưởng tới niềm tin của người dân.

Chống vàng hóa, đô la hóa

Giải trình các nội dung trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, hiện nay các ngân hàng thương mại cam kết cho vay khoảng 120.000 tỷ đồng để triển khai việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đã giải ngân được khoảng 33 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc trong thủ tục pháp lý của địa phương liên quan đến đất đai, thủ tục thế chấp tài sản.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là hướng mới nên các ngân hàng thương mại phải tính toán hiệu quả, trong khi đó vẫn còn thiếu các công cụ phòng ngừa, chính sách bảo hộ nông nghiệp, chưa có kế hoạch cụ thể về sản phẩm, thị trường tiêu thụ, xác định các tiêu chí sản xuất nông nghiệp sạch.

Hiện chỉ có 26 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Các doanh nghiệp khó khăn trong xử lý thế chấp tài sản cho vay.
“Chủ trương của Chính phủ là rất đúng nhưng phải tính toán rất kỹ và không làm theo phong trào”, ông Lê Minh Hưng nói.
Về vấn đề sở hữu chéo, ông Hưng khẳng định có chuyện các tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần chưa phù hợp với quy định hiện hành. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo quyết liệt chủ trương tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, các ngân hàng khẩn trương có lộ trình tái cơ cấu, thoái vốn hiệu quả hơn. Song, điều này phụ thuộc vào điều kiện khách quan, về giá thị trường.
Về xử lý nợ xấu, theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất lộ trình triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, báo cáo Thủ tướng xem xét ban hành chỉ thị về triển khai nghị quyết, trong đó phân công nhiệm vụ rất rõ cho các bộ, các cơ quan có liên quan.

Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành chỉ thị về thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng, triển khai đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu cũng như triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định giảm lãi suất cho vay và ngay sau khi các quyết định giảm lãi suất có hiệu lực thi hành, các ngân hàng thương mại đã triển khai áp dụng thống nhất giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn với các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời các ngân hàng thương mại áp dụng chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Cơ cấu tín dụng có sự chuyển dịch tốt, tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có một số ngành kinh tế trọng điểm.
“Chúng tôi kiểm soát rất chặt, thực hiện giám sát từ xa, cảnh báo từ xa, định hướng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên”, Thống đốc nói.
Ông Lê Minh Hưng cũng cho hay, nhiều năm qua, các giải pháp điều hành tiền đồng, ngoại tệ, tỷ giá... được điều hành tổng thể để đảm bảo ổn định, kiểm soát lạm phát.

Nhờ các giải pháp rất trúng đó, các nguồn lực trong nền kinh tế đã chuyển hóa sang đồng Việt Nam.

Ông phân tích: Năm 2016 mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, trong đó thặng dư thanh toán chỉ chiếm một phần, còn phần lớn là nguồn ngoại tệ nắm giữ trong dân đã được chuyển hóa sang đồng Việt Nam.

Ngoại tệ đó mua vào để tăng dự trữ ngoại hối và đưa lượng tiền đồng đó, thông qua việc người dân bán ngoại tệ, chuyển hóa thành nguồn tiền gửi vào hệ thống tổ chức tín dụng hoặc trực tiếp đầu tư kinh doanh.

Đây là cách chuyển hóa nguồn ngoại tệ tốt nhất, phù hợp nhất trong điều kiện vẫn cần kiểm soát ổn định vĩ mô, không để những biến động ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các bộ, ngành về đề án chống đô la hóa, vàng hóa, trong đó có những giải pháp rất cụ thể cả về vĩ mô cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành.

Ngân hàng Nhà nước cũng có giải pháp chuyển hóa nguồn lực này, đưa vào đầu tư.

Đây là giải pháp phù hợp, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Chính phủ đề án cụ thể với lộ trình, bước đi phù hợp, làm sao huy động được nguồn lực nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục