Làm thế nào để kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng trì trệ?

05:30' - 21/09/2022
BNEWS Theo báo Sankei, việc đồng yen Nhật Bản liên tục mất giá so với "đồng bạc xanh" của Mỹ gần đây đã tác động đa chiều đến nền kinh tế nước này.

Trong khoảng một tuần gần đây, tốc độ giảm giá của đồng yen so với USD là khá nhanh. Ngày 7/9 vừa qua, có thời điểm tỷ giá quy đổi đã tiến sát mốc 1 USD đổi 145 yen. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn là điều bất lợi đối với kinh tế Nhật Bản.

Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trong quý II/2022 đã vượt trên 28.000 tỷ yen (khoảng 195 tỷ USD), tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái và là quý tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1954. Số tiền tích trữ của doanh nghiệp cho năm tài chính 2021 lần đầu tiên vượt quá 500.000 tỷ yen (khoảng 3.500 tỷ USD). 

Trong đó, các công ty xuất khẩu hoạt động ở nước ngoài là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất, nhưng việc chi trả số tiền đó để tăng thu nhập cho người lao động lại vẫn giậm chân tại chỗ trong khi cuộc sống của họ đối diện với nhiều áp lực do khó khăn của dịch bệnh COVID-19 và giá cả tăng cao. 

Theo số liệu do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công bố hồi tháng Năm vừa qua, mức lương trung bình của một giám đốc công ty lớn ở Nhật Bản hàng năm là khoảng 17,14 triệu yen, dù không thấp nhưng vẫn kém xa so với Mỹ là 34 triệu yen, Singapore là 31,36 triệu yen, Thái Lan là 20,54 triệu yen. Như vậy, đồng nghĩa với việc nhiều lao động xuất sắc ở Nhật Bản đã không được trả thù lao xứng đáng. 

Cũng theo Bộ này, tốc độ thăng tiến của các nhân viên công ty Nhật Bản cũng vô cùng chậm, cụ thể độ tuổi trung bình của một giám đốc công ty ở Trung Quốc là 29,8 tuổi, Ấn Độ là 32 tuổi, Mỹ là 37,2 tuổi trong khi ở Nhật Bản là 44 tuổi. Độ tuổi trung bình của một trưởng phòng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ lần lượt là 28,5 tuổi, 29,2 tuổi, 30,0 tuổi và 34,6 tuổi nhưng ở Nhật Bản là 38,6 tuổi. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản chi ít tiền lương hơn nhiều so với các quốc gia khác. 

Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Bảy, không bao gồm thực phẩm tươi sống, đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng cao nhất trong khoảng hơn 7 năm qua tại Nhật Bản. Nguyên nhân chính là do giá nhập khẩu nguyên liệu thô tăng cũng như giá trị đồng yen duy trì ở mức thấp. Điều này khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn không được cải thiện. 

Giới chuyên gia kinh tế Nhật Bản cho rằng, Chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio cần có những chính sách kinh tế táo bạo hơn để kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân. Biện pháp hỗ trợ 50.000 yen cho mỗi hộ gia đình thu nhập thấp vào tháng Chín tới chỉ mang tính tạm thời mà điều quan trọng là phải giải phóng được khoản tiền dự trữ của các doanh nghiệp để tăng thu nhập cho người lao động và đầu tư mạnh mẽ hơn. 

Bên cạnh đó, để tăng chi tiêu của chính phủ và loại bỏ tình trạng thiếu hụt nhu cầu tồn tại dai dẳng, không nên bỏ qua Học thuyết tiền tệ hiện đại (MMT). 

Học thuyết chỉ rõ chính phủ có thể in tiền nên về lý thuyết vẫn có thể trả khoản vay bằng đồng tiền của chính mình, hay nói cách khác có thể mở rộng tài khóa mà không cần thiết phải tăng thuế để kích thích nhu cầu trong nước. 

Mỹ đang trải qua thời kỳ lạm phát lớn nhất trong lịch sử với mức 8-9% nhưng là lạm phát chi phí do ảnh hưởng của giá dầu thô tăng. 

Nhật Bản cũng vậy, điều quan trọng là chính phủ cần có biện pháp điều tiết để tạo ra lạm phát cầu kéo cần thiết, giúp tăng cường nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy nhanh tiến độ nhằm thoát khỏi tình trạng trì trệ của nền kinh tế./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục