Làm thế nào để kinh tế Nhật Bản thoát khỏi “vũng lầy” suy thoái?
Mặc dù vậy, theo giới phân tích, những gì tồi tệ nhất đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này có thể vẫn đang ở phía trước bởi vì các hậu quả mà dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra cho Nhật Bản có thể sẽ kéo dài trong các quý tới.
Do đó, Chính phủ Nhật Bản cần phải tạo ra những “cú huých” đủ mạnh để đưa nền kinh tế thoát khỏi “vũng lầy” suy thoái.
Những gì tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước
Vào giữa tháng 5/2020, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết trong quý I/2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này đã giảm 3,4%, chủ yếu là do tác động nặng nề của dịch COVID-19.
Tính chung cả tài khóa 2019, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 0,1%. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tăng trưởng âm kể từ tài khóa 2014.
Có nhiều nguyên nhân khiến nền kinh tế Nhật Bản một lần nữa rơi vào suy thoái kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Do ảnh hưởng của “cuộc chiến không tiếng súng” này, kim ngạch xuất khẩu - trụ cột quan trọng nhất cho tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản đã liên tục giảm kể từ cuối năm 2018.
Cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, việc Chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào đầu tháng 10/2019 và những thiệt hại do thiên tai, trong đó có siêu bão Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản vào giữa tháng 10 là những nhân tố quan trọng khác "góp phần" đẩy nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái.
Có thể thấy rõ điều đó trong kết quả tăng trưởng kinh tế quý cuối của năm ngoái. Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, quý IV/2019, GDP thực tế của nước này giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức giảm mạnh nhất trong hơn 5 năm qua.
Kể từ đầu tháng 1/2020, Nhật Bản lại tiếp tục phải hứng chịu một cú sốc khác là dịch COVID-19. Dịch bệnh không chỉ tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại mà còn gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nước này.
Trước hết, về thương mại, trong tháng 1/2020, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 5.430 tỷ yen (50,36 tỷ USD).
Đây là tháng thứ 14 liên tiếp, xuất khẩu của nước này giảm. Kim ngạch nhập khẩu thậm chí còn giảm mạnh hơn (3,6%) xuống còn 6.740 tỷ yen.
Đây là tháng thứ 9 liên tiếp kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản giảm. Điều này khiến cho cán cân thương mại của Nhật Bản bị thâm hụt tháng thứ ba liên tiếp.
Kể từ đó đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục suy giảm. Tính chung cả tài khóa 2019, cán cân thương mại của Nhật Bản bị thâm hụt 1.290 tỷ yen. Đây là năm thứ 2 liên tiếp nước này bị thâm hụt thương mại.
Đối với hoạt động sản xuất, việc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng ở châu Á và do các biện pháp hạn chế mà Chính phủ Nhật Bản áp dụng để kiềm chế dịch COVID-19 đã gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế nước này.
Cho đến nay, chưa có thống kê về những thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.
Tuy nhiên, không phải thương mại hay sản xuất, du lịch và các ngành liên quan khác mới chính là những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất từ dịch COVID-19.
Theo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Cư trú thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản, trong tháng 4/2020, tổng số du khách quốc tế tới nước này chỉ là 1.256 lượt, giảm 99% so với cùng năm ngoái, chủ yếu do các biện pháp hạn chế nhập cảnh của các quốc gia trên khắp thế giới.
Đáng chú ý, số lượng du khách đến từ Trung Quốc – thị trường lớn nhất của ngành du lịch Nhật Bản - chỉ là 29 lượt, giảm mạnh so với con số 598.896 lượt trong cùng kỳ năm ngoái.
Số du khách đến từ Hàn Quốc cũng giảm từ 546.368 lượt xuống còn 24 lượt, từ Mỹ giảm từ 164.435 lượt xuống 296 lượt, và từ châu Âu giảm từ 236.707 lượt xuống 58 lượt.
Năm 2019, tổng số du khách quốc tế tới Nhật Bản đạt mức kỷ lục 28,4 triệu lượt, trong đó số du khách đến từ Trung Quốc là 7,42 triệu lượt.
Năm nay, với việc đăng cai Thế vận hội Olympic và Paralympic 2020, nước này đặt mục tiêu đầy tham vọng là thu hút 40 triệu lượt du khách quốc tế.
Tuy nhiên, cùng với các biện pháp hạn chế nhập cảnh để khống chế dịch COVID-19, việc Chính phủ Nhật Bản phải lùi thời gian tổ chức các sự kiện thể thao này sang năm 2021 vì dịch bệnh khiến cho mục tiêu đó trở nên xa vời.
Cần những "cú huých" đủ mạnh
Trong những tuần gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh khi số ca mắc mới COVID-19 liên tục giảm.
Hôm 25/5, Thủ tướng Abe Shinzo đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Mặc dù vậy, các hậu quả mà dịch bệnh gây ra cho nền kinh tế nước này có thể sẽ còn kéo dài trong các quý tới.
Vì vậy, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng những gì tồi tệ nhất đối với nền kinh tế này vẫn còn ở phía trước.
Bản thân ông Nishimura Yasutoshi, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế, cũng không phủ nhận điều đó khi nói với các phóng viên tại cuộc họp báo sáng 18/5 rằng tốc độ giảm của GDP trong quý II sẽ “nghiêm trọng hơn” so với quý I.
Nguyên nhân là vì cùng với dịch COVID-19, việc nền kinh tế rơi vào suy thoái sẽ khiến các hộ gia đình “thắt lưng, buộc bụng” và các công ty cắt giảm đầu tư. Vì vậy, chi tiêu dùng của cá nhân và chi đầu tư của khối doanh nghiệp có thể sẽ không tăng trong một vài tháng tới.
Trong khi đó, hoạt động thương mại sẽ chưa thể hồi phục một sớm, một chiều khi mà nhiều nước vẫn đóng cửa biên giới để khống chế dịch COVID-19.
Các tác động theo chuỗi như vậy có thể sẽ đẩy nền kinh tế Nhật Bản lún sâu hơn vào tình trạng suy thoái.
Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng Chính phủ Nhật Bản cần phải hành động quyết liệt để vực dậy nền kinh tế. Tokyo cần phải tạo ra những “cú hích” đủ mạnh để đưa nền kinh tế thoát khỏi “vũng lầy” suy thoái.
Trong nỗ lực tạo ra những “cú huých” như vậy, hôm 27/5, Nội các Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách bổ sung thứ 2 cho tài khóa 2020 trị giá 31.910 tỷ yen (296 tỷ USD) để chi trả một phần cho gói biện pháp kích thích kinh tế có tổng trị giá lên tới 117.000 tỷ yen (1.086 tỷ USD) nhằm giảm bớt các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 lên nền kinh tế. Đây là dự thảo ngân sách bổ sung có quy mô lớn nhất trong lịch sử nước này.
Động thái trên diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Quốc hội Nhật Bản hôm 30/4 đã thông qua dự thảo ngân sách bổ sung thứ nhất cho tài khóa 2020 do Chính phủ đệ trình có tổng trị giá lên tới 25.690 tỷ yen (tương đương 240 tỷ USD).
Trước đó, Chính phủ đã đệ trình lên Quốc hội dự thảo ngân sách bổ sung cho tài khóa 2019 (kết thúc vào cuối tháng 3/2020) có giá trị 4.470 tỷ yen (gần 41 tỷ USD) và dự thảo ngân sách cho tài khóa 2020 có giá trị kỷ lục 102.658 tỷ yen (tương đương 933 tỷ USD).
Các dự thảo ngân sách này đã được Quốc hội lần lượt thông qua vào cuối tháng 1 và tháng 3/2020.
Phát biểu tại cuộc họp của các quan chức Chính phủ và các nghị sỹ, Thủ tướng Abe cho hay gói kích thích kinh tế của nước này sẽ có tổng trị giá lên tới hơn 230.000 tỷ yen (2.135 tỷ USD) khi kết hợp hai khoản ngân sách bổ sung cho tài khóa 2020 với nhau.
Theo ông Abe, thông qua các biện pháp này, ông sẽ bảo vệ nền kinh tế lớn thứ ba thế giới khỏi khủng hoảng.
Nhiều khả năng Quốc hội Nhật Bản sẽ phê chuẩn dự thảo ngân sách bổ sung thứ 2 vào trung tuần tháng 6, trước khi kỳ họp hiện nay kết thúc vào ngày 17/6.
Ngoài việc tăng chi tiêu công, một số chuyên gia cũng đưa ra đề xuất giảm thuế, trong đó có thuế tiêu dùng, để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, có vẻ như Chính phủ Nhật Bản chưa sẵn sàng thực hiện giải pháp này khi mà Thủ tướng Abe vẫn đang theo đuổi mục tiêu tăng nguồn thu cho ngân sách để cải thiện cán cân thu-chi.
Không chỉ có Chính phủ, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng bắt đầu hành động để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Trong cuộc họp bất thường hôm 22/5, Hội đồng Chính sách BoJ đã quyết định bơm thêm 30.000 tỷ yen (khoảng 278 tỷ USD) trong thời gian từ nay tới cuối tài khóa 2020 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, BoJ cũng quyết định kéo dài thời gian thực hiện chương trình mua trái phiếu công ty và thương phiếu với hạn mức tối đa 20.000 tỷ yen/năm thêm 6 tháng cho tới cuối tháng 3/2021.
Trước đó, trong cuộc họp chính sách định kỳ hôm 27/4, BoJ đã nhất trí “mua vào một khối lượng cần thiết trái phiếu Chính phủ Nhật Bản mà không áp đặt mức trần”.
Bên cạnh đó, BoJ sẽ tăng gấp gần 3 lần khối lượng trái phiếu công ty và thương phiếu mà ngân hàng trung ương này có thể mua với mục đích hỗ trợ thanh khoản cho các tập đoàn lớn.
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là những hành động kịp thời của BoJ nhằm giúp vực dậy nền kinh tế nước này.
Điều này cho thấy BoJ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ của mình với chính sách tài khóa của Chính phủ.
Mặc dù đánh giá cao các hành động quyết liệt của Chính phủ Nhật Bản và BoJ nhưng một số chuyên gia cho rằng trong bối cảnh các nền kinh tế ngày càng phụ thuộc lẫn nhau do tác động của toàn cầu hóa, vấn đề khi nào Nhật Bản sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh trên thế giới.
Nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành, khiến nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới và hạn chế giao thương, các hành động đó của Tokyo sẽ chưa thể giúp nền kinh tế này sớm thoát khỏi “vũng lầy” suy thoái.
Có lẽ, vấn đề mấu chốt vẫn là khi nào dịch bệnh sẽ được khống chế trên toàn cầu./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Nhật Bản bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội quy mô lớn
09:26' - 01/06/2020
Từ ngày 1/6 Nhật Bản bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội quy mô lớn, nhằm khôi phục hoạt động kinh tế và xã hội sau hơn 1,5 tháng ban bố tình trạng khẩn cấp.
-
Kinh tế & Xã hội
Nhóm sinh viên Nhật Bản xây dựng trang web về COVID-19 hỗ trợ người nước ngoài
16:33' - 31/05/2020
Một nhóm gồm 70 cựu sinh viên và sinh viên đang theo học tại Đại học nghiên cứu về nước ngoài Tokyo đã khởi động dự án xây dựng trang thông tin điện tử về COVID-19 được dịch 13 ngôn ngữ.
-
Kinh tế Thế giới
Nhật Bản: Hầu hết địa phương sẽ mở cửa trở lại toàn bộ nền kinh tế từ ngày 1/6
19:40' - 30/05/2020
Các trường học trên toàn Nhật Bản cũng sẽ mở cửa trở lại kể từ ngày 1/6
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
EU "đáp trả" vụ Mỹ áp thuế nhập khẩu ô liu Tây Ban Nha
16:19' - 26/11/2024
Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/11 đã yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép áp dụng các biện pháp ứng phó để bù đắp cho việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với ô liu Tây Ban Nha.
-
Kinh tế Thế giới
"Mê cung" nhãn thực phẩm tại châu Âu
15:58' - 26/11/2024
Ngày 25/11, các kiểm toán viên EU cho biết người tiêu dùng mua sắm thực phẩm ở châu Âu đang đối mặt với nguy cơ "bị lừa" do sự gia tăng các nhãn mác thực phẩm gây nhầm lẫn và đôi khi là sai lệch.
-
Kinh tế Thế giới
AFP dự báo 5 sự kiện thế giới nổi bật không thể bỏ qua trong năm 2025
15:45' - 26/11/2024
Theo bình chọn từ hãng tin AFP, dưới đây là 5 sự kiện nổi bật không thể bỏ qua trong năm 2025, trong đó có nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump.
-
Kinh tế Thế giới
Thế giới 2024 đầy biến động qua lăng kính của AFP
15:45' - 26/11/2024
Năm 2024 đánh dấu một năm đầy biến động với hàng loạt sự kiện quan trọng trên toàn cầu. Dưới đây là những dấu ấn không thể quên trong năm 2024 do hãng thông tấn AFP của Pháp bình chọn.
-
Kinh tế Thế giới
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu
15:29' - 26/11/2024
OPEC+ đang cân nhắc duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu hiện tại từ ngày 1/1/2025. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra tại cuộc họp vào ngày 1/12.
-
Kinh tế Thế giới
California cân nhắc loại Tesla khỏi chương trình ưu đãi thuế xe điện mới
13:09' - 26/11/2024
Thống đốc California cho biết nếu ông Trump loại bỏ ưu đãi thuế liên bang cho xe điện, ông sẽ đề xuất một phiên bản mới cho Chương trình Hoàn tiền cho xe không phát thải của bang California.
-
Kinh tế Thế giới
Triều Tiên tháo dỡ đường dây điện khu công nghiệp liên Triều
11:23' - 26/11/2024
Hãng tin Yonhap dẫn thông báo của quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã tháo dỡ đường dây cung cấp điện cho khu công nghiệp chung đã đóng cửa tại thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên.
-
Kinh tế Thế giới
Giới doanh nghiệp Mỹ bớt lo âu sau đề cử Bộ trưởng Tài chính
09:59' - 26/11/2024
Theo CNN ngày 25/11, giới doanh nghiệp Mỹ thở phào sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra đề cử Bộ trưởng Tài chính.
-
Kinh tế Thế giới
Kênh đào Suez thất thu do bất ổn tại Trung Đông kéo dài
08:20' - 26/11/2024
Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty cho biết quốc gia Bắc Phi này đã thiệt hại tới 8 tỷ USD do doanh thu từ Kênh đào Suez giảm mạnh, trong bối cảnh các cuộc xung đột ở Trung Đông.