Làn sóng mua sắm đột biến tiếp tục bùng phát tại Tp. Hồ Chí Minh

13:15' - 21/08/2021
BNEWS Ghi nhận tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh trong ngày 21/8, số lượng lớn người dân tiếp tục đổ về các điểm bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị... để mua sắm lương thực, thực phẩm dự trữ.

Làn sóng mua sắm đột biến tiếp tục bùng phát trên địa bàn thành phố khi có thông tin từ ngày 23/8/2021, người dân Tp. Hồ Chí Minh bảo đảm việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố - ấp cách ly khu phố - áp, phường - xã - thị trấn cách ly phường - xã thị trấn”.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Thủy Tiên, cư ngụ tại quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh cho hay, đã đến cửa hàng tiện lợi Co.opfood xếp hàng từ 6 giờ sáng để chờ đến lượt mua sắm. Theo đó, gia đình có nhu cầu mua thêm rau ăn lá, trái cây... vì những nhóm mặt hàng này khó dự trữ và bảo quản trong thời gian dài. Đồng thời, để tăng sức đề kháng đối với dịch bệnh, người dân rất cần bổ sung rau củ, quả trong thời gian này.

Tương tự, chị Nguyễn Hoàng, cư ngụ tại quận 7, Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, gia đình có 5 người; trong đó có 1 người lớn tuổi và 2 trẻ nhỏ nên cần mua sắm thêm những một số mặt hàng đặc thù, do đó đã xếp hàng từ sáng sớm chờ LOTTE Mart quận 7 mở cửa để mua sắm. Bởi những mặt hàng đặc thù mà gia đình hay tiêu dùng chỉ có những hệ thống siêu thị lớn, cửa hàng chuyên ngành mới kinh doanh.

Khảo sát tại hệ thống điểm bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị... trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, người dân xếp hàng từ bãi xe, khu vực chờ... cho đến trước cửa điểm bán theo sự hướng dẫn của đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian chờ khá dài nên đã dẫn đến tình trạng tập trung người tại hầu hết điểm bán.

Trong khi đó, mỗi người dân chỉ được vào khu vực mua sắm bình quân khoảng 30 phút tại điểm bán lẻ nên không khí mua sắm khá nhộn nhịp và khó kiểm soát biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Hơn thế nữa, lượng người đến điểm bán lẻ tăng đột biến gấp 3-5 lần so với những ngày trước đó, nên nhiều khu vực như quầy thanh toán, điều phối cung ứng bổ sung hàng hóa lên quầy kệ, bảo vệ... bị quá tải.

Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc kinh doanh Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), nhà bán lẻ này đã khẩn trương điều tiết, bổ sung những nhóm mặt hàng có sức mua tăng cao khi vừa nắm bắt thông tin thị trường có sức mua tăng đột biến. Saigon Co.op cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn giãn cách xã hội là kết nối chặt chẽ với nhà cung cấp để tập trung hàng hóa cho thị trường Tp. Hồ Chí Minh.

Cùng quan điểm, ông Đinh Quang Khôi, Trưởng phòng Marketing MM Mega Việt Nam cho biết, MM Mega Việt Nam đã tăng lượng dữ trữ nhóm ngành hàng rau củ, quả... tăng gấp 2-3 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 7/2021. Ngoài ra, MM Mega Việt Nam sẽ không ngừng nỗ lực đưa hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đến người dân trong khu dân cư, kể cả khu phong tỏa...

Còn ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành VinMart Miền Nam cho hay, trước tình trạng lượng khách hàng tăng đột biến đã triển khai phân luồng, hướng dẫn người dân đảm bảo giãn cách tại điểm bán. Về hàng hóa, hệ thống đã chuẩn bị phương án tăng cường 300% các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm; rau củ, quả; lương thực, thực phẩm thiết yếu... nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Tp. Hồ Chí Minh.

Trước đó, tại họp báo thông tin về hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh ngày 20/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện “5K + vaccine + thuốc uống ”, không tập trung mua gom hàng hóa, thực phẩm. Chính vì vậy, nhiều nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh kêu gọi người dân hết sức bình tĩnh, đảm bảo mua sắm giãn cách và biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại điểm bán lẻ.

Trong khi đó, tại mạng lưới chợ truyền thống và điểm bán lẻ trong khu dân cư, nhiều người dân có phiếu đi chợ nhưng đến nơi không thể vào mua sắm vì "hết hàng", chỉ những người mua sắm theo hình thức đặt hàng online từ hôm trước sẽ được tiểu thương ưu tiên trả đơn hàng. 

Đại diện các chợ truyền thống trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, số lượng chợ hoạt động khá ít với chỉ hơn 30 chợ, chủ yếu kinh doanh lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm... nên thời gian qua người dân cũng ưu tiên mua sắm tại kênh bán lẻ hiện đại. Do đó, hầu hết tiểu thương tập kết hàng hóa về chợ để phân phối cho đơn hàng online, đây là một trong những nguyên nhân khi nhu cầu mua sắm tăng đột biến tại chợ thì tiểu thương không đảm bảo kịp thời nguồn cung.

Vào thời điểm này, nhiều kênh bán hàng online của nhà bán lẻ lớn, đơn vị kinh doanh chuyên ngành... cho đến dân buôn hàng trên mạng xã hội, chợ online... cũng thông báo dừng nhận đơn hàng online. Trong số đó, một số nhà bán lẻ lớn, đơn vị kinh doanh chuyên ngành cũng đưa ra thông báo như số lượng đơn hàng online đang tăng cao, để đảm bảo chất lượng dịch vụ nên tạm ngưng nhận đơn hàng mới và sẽ tiếp tục nhận đơn hàng trong thời gian tới. Còn một sàn thương mại điện tử, danh mục hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng bị giảm so với những ngày trước đó do đứt nguồn cung.

Mặt khác, hàng loạt đơn vị kinh doanh online trên mạng xã hội cũng "hủy đơn" của khách hàng đặt trước do với lý do đứt nguồn cung và gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. Cụ thể, anh Văn Sơn, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong sáng nay buộc phải hủy đơn nấm rơm của nhiều khách hàng, vì đơn vị vận chuyển bị lực lượng chức năng tạm giữ ở chốt tại cửa ngõ vào Tp. Hồ Chí Minh.

Cùng chung thực trạng trên, nhiều đơn vị kinh doanh online cho rằng, chấp nhận tạm ngưng hoạt động bán buôn để chờ những quy định mới và hướng dẫn chi tiết của chính quyền Tp. Hồ Chí Minh, cũng như sở, ngành. Trong tình hình hiện tại, nếu vẫn duy trì hoạt động bán buôn thì đơn vị kinh doanh online có thể vừa phải gánh chịu thêm chi phí phát sinh, mất hàng và mất uy tín với khách hàng./.

Mỹ Phương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục