Làng khô Trần Đề nhộn nhịp đón Tết

07:02' - 22/01/2017
BNEWS Khai thác, đánh bắt trên biển và sản xuất khô là hai điểm mạnh của huyện Trần Đề - địa phương có 12km đường bờ biển và hai cửa sông lớn là Trần Đề và Mỹ Thanh của tỉnh Sóc Trăng.
Các cơ sở đẩy mạnh phân loại, chế biến, sản xuất và cung ứng cá dịp Tết. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN

Là địa bàn ven biển có cảng Trần Đề, có nguồn nguyên liệu dồi dào cùng với sự cần cù của người dân vùng biển đã giúp cho làng khô Trần Đề tồn tại và có thương hiệu hàng chục năm nay. Không khí sản xuất, mua bán trước thềm Tết Nguyên đán 2017 đang nhộn nhịp nơi đây.
Nhộn nhịp từ cảng đến cơ sở kinh doanh
Cảng cá Trần Đề những ngày này tấp nập ghe, tàu cập bến, đưa những sản phẩm tươi sống mà ngư dân đánh bắt được ở ngoài khơi xa mang về đất liền. Tết Nguyên đán đang đến gần, những mẻ hàng cũng được mang về dồi dào hơn để phục vụ cho làng khô sản xuất dịp Tết. Trên bờ, tại thị trấn Trần Đề, dọc vàm Kinh Ba, ấp Cảng và khu hành chính mới của huyện là hình ảnh tấp nập người làm, người phơi, người bán, người mua khô. Các quy trình sản xuất được người dân tiến hành nhanh, gọn, sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng bởi đây là nghề đã đi cùng năm tháng với bao thế hệ của các gia đình.
Việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu, đơn hàng, mối bán và nhân công cho việc sản xuất, kinh doanh khô được bắt đầu từ tháng 9 âm lịch hàng năm. Đến tháng 11 âm lịch là mỗi cơ sở sản xuất đã tự ước lượng nhu cầu thu mua và số lượng bán ra để đảm bảo cung ứng đầy đủ cho thị trường. Mặt hàng ở làng khô Trần Đề có hàng trăm loại, từ mực khô, mực dẻo các loại đến tôm khô, tôm dẻo rồi khô cá các loại.

Các cơ sở kinh doanh bày bán nhiều sản phẩm khô. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN

Cơ sở mua bán Dũng Phượng do anh Lê Văn Dũng làm chủ đã có khoảng 20 năm sản xuất, kinh doanh khô tại ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề. Năm nay, gia đình anh xuất ra thị trường khoảng 4 tấn khô dịp Tết, nhiều hơn mọi năm 1 tấn; trong đó, giá cao nhất có mức khoảng 4 triệu đồng/kg đối với khô hắc cấy, mực khô có giá dao động từ 600 – 800 ngàn đồng/kg, thấp nhất là giá khô cá đù.
Anh Dũng cho biết: “Năm nay hàng đổ về nhiều hơn, nguồn nguyên liệu sung túc, dồi dào hơn nên việc chuẩn bị sản phẩm cho Tết nhiều hơn mọi năm. Gia đình kinh doanh nhiều mặt hàng, nhưng chủ lực là mực khô, tôm khô, khô cá kèo, khô cá lóc, khô cá đuối,… Việc chuẩn bị cho hàng Tết đã cơ bản đầy đủ cách đây 3 tuần”.
Ngoài việc phục vụ cho thị trường trong tỉnh, làng khô Trần Đề còn phục vụ cho nhu cầu của người dân các tỉnh, thành lân cận như Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh đến đặt số lượng lớn cho ngày Tết. Theo đánh giá, khô Trần Đề sạch, nhạt hơn và chế biến theo phương pháp thủ công, không dùng hóa chất, chỉ dùng các nguyên liệu cơ bản như muối, đường,… nên được người dân tin tưởng và ưa chuộng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Xù ở vàm Kinh Ba, thị trấn Trần Đề có khoảng 6 nhân công mỗi ngày để sản xuất khô. Vào dịp cận Tết, gia đình thường dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị cho các khâu đoạn, đến 14 giờ chiều thì giao cho các cơ sở kinh doanh. Bà Xù cho biết: “Cao điểm mỗi ngày mình giao 200kg khô cá các loại. Thời tiết mấy nay nắng, rất thuận lợi cho sản xuất khô”.
Lo ngại thiếu hàng Tết

Nhiều sản phẩm khô được bày bán. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN

Hiện nay, sức mua khô ở Trần Đề cũng rất nhộn nhịp, ước đạt khoảng gần 50% sản lượng người dân bán dịp Tết. Mặt hàng được ưa chuộng nhất là mực và tôm khô. Khách đến mua hiện nay chủ yếu để làm quà Tết hoặc gửi sang nước ngoài, bên cạnh đó là các mối trong và ngoài tỉnh đến đặt để có hàng cho thị trường Tết. Sức mua được dự đoán sẽ tấp nập và cao điểm từ ngày 20 âm lịch đến Tết.
Chị Tô Thị Lập, quê ở Thanh Hóa, làm dâu ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vừa lựa mua khô cá vừa cho biết: “Hơn 20 năm nay, năm nào mình cũng mua để gửi về quê và gửi sang cho anh trai ở nước ngoài. Anh mình bảo khô Trần Đề sạch, ngon, không mặn nên rất thích”.
Giá các sản phẩm khô dịp Tết được dự đoán tăng không đáng kể, dao động từ 10 – 20 ngàn đồng/kg đối với mỗi loại. Hiện nay các cơ sở kinh doanh lo ngại sẽ không đủ hàng để phục vụ cho thị trường Tết. Nguyên nhân là do tàu, thuyền, ghe năm nay cập bến khá sớm và không ra khơi đánh bắt tiếp mà nghỉ ngơi đón Tết. Một số cơ sở sản xuất không dám nhận thêm mối hàng vì sợ không đủ hàng cung ứng. Với tình hình này, các cơ sở dự đoán giá khô và giá cá, hải sản dịp Tết sẽ tăng cao hơn dự kiến.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Trần Đề hiện có hơn 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ khô, trong đó đa số là cơ sở kinh tế cá nhân. Những năm gần đây, theo quy hoạch và giám sát của chính quyền địa phương, các cơ sở đã tiến hành sản xuất và mua bán đúng nơi quy định. Với nhiều lợi thế phát triển làng khô Trần Đề, chính quyền địa phương đã hình thành nghị quyết và đưa việc phát triển làng khô Trần Đề trở thành một trong những mục tiêu chính phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương trong thời gian tới.
“Khâu quảng bá thương hiệu và giới thiệu làng khô Trần Đề ra các địa phương khác chưa được đẩy mạnh. Đây cũng là bài toán đang được địa phương tìm cách giải để phát triển làng khô Trần Đề” - Anh Nguyễn Hoàng Nghĩa, cán bộ hành chính Ủy ban nhân dân Thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết.
Nguyên liệu dồi dào, nhu cầu của thị trường tăng cao cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự miệt mài chịu khó của người dân là những yếu tố mang lại một mùa mua bán khô đầy sôi nổi, nhộn nhịp nhân dịp Tết đến Xuân về đang diễn ra tại làng khô Trần Đề./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục