Làng nghề nhộn nhịp vào vụ Tết

14:02' - 13/01/2017
BNEWS Gần Tết Nguyên đán cũng là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất ở các làng nghề truyền thống.
 Bánh chưng Vĩnh Hòa gói bằng gạo nếp, thịt lợn tươi ngon ướp với mắm cốt truyền thống và hạt tiêu sọ, đậu xanh hạt to bao bọc bởi lớp lá dong xanh được người dân gói bằng tay nên bánh rất chặt, đều và đẹp. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Gần Tết Nguyên đán cũng là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất ở các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Nghệ An khi tập trung nhân lực, vật lực, náo nức thu gom nguyên liệu, tạo ra sản phẩm thơm ngon, phục vụ nhu cầu người dân đón Xuân.

Làng Vĩnh Hòa của xã Hợp Thành, huyện Yên Thành từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh chưng, bánh tét. Nơi đây có 210 hộ làm nghề và sống bằng nghề gói bánh chưng. Những ngày bình thường, mỗi gia đình làm 5 – 6 tạ nếp/tháng, nhưng vào dịp Tết Nguyên đán, do nhiều người đặt hàng nên mỗi gia đình cũng tăng thêm so với bình thường từ 1 đến 1,5 tạ nếp/tháng áp Tết.

Bánh chưng Vĩnh Hòa được gói bằng gạo nếp, thịt lợn tươi ngon ướp với mắm cốt truyền thống và hạt tiêu sọ, đậu xanh hạt to đều và bóng mẩy, bên ngoài được bao bọc bởi lớp lá dong xanh. Bánh chưng Vĩnh Hòa được người dân gói bằng tay nên bánh rất chặt, đều và đẹp.

Khi luộc phải đủ giờ, đủ nước, nguyên liệu ngấm quyện vào nhau tạo thành vị ngọt bùi, béo ngậy, tỏa hương thơm.

Nhờ những bí quyết của làng nghề truyền thống nên thương hiệu bánh chưng, bánh tét nơi đây đã được nhiều người biết đến. Từ hàng chục năm nay, bánh chưng, bánh tét Vĩnh Hòa đã có mặt khắp trên thị trường trong Nam, ngoài Bắc.

 Bánh chưng Vĩnh Hòa gói bằng tay nên bánh rất chặt, đều và đẹp. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Là một trong những gia đình có truyền thống gói bánh chưng lâu đời và có bí quyết riêng nên sản phẩm của gia đình bà Bùi Thị Nhung, làng Vĩnh Hòa luôn được khách hàng ưa chuộng. Ngoài gói bánh chưng để bán hàng ngày, gia đình còn làm theo đơn đặt hàng của khách từ hàng chục đến hàng trăm chiếc tùy kích cỡ.

“Trong dịp Tết này, gia đình tôi đã mua 2 tấn nếp gạo, 5 tạ đậu xanh, đặt thịt lợn tươi ngon để gói bánh chưng xanh. Hiện nay gia đình đã nhận được đơn đặt hàng từ thành phố Vinh và các huyện lân cận, tiêu thụ năm nay cao gấp 5 lần so với năm ngoái bởi bánh vừa tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, bà Bùi Thị Nhung cho biết.

Ông Nguyễn Mão, Chủ tịch xã Hợp Thành cho biết: “Sản phẩm làng nghề Vĩnh Hòa khá đa dạng như bánh chưng, bánh gai, bánh tét, bánh cuốn… Hiện nay, trung bình mỗi ngày làng nghề tiêu thụ 3 tấn gạo nếp, 2 tạ thịt và đậu các loại. Tết này, sản phẩm làng nghề được đưa đi tiêu thụ ở thành phố Vinh, Quỳ Hợp, Diễn Châu, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh”.

Ở làng sản xuất miến gạo làng Quy Chính, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn không khí sản xuất rất nhộn nhịp với hơn 100 lò sản xuất bún bánh đang “chạy hết công suất” để làm hàng Tết. Từ 3-4 giờ sáng, các lò sản xuất bún bánh ở đây đã bắt đầu nổi lửa, người ngâm gạo, người xay bột, người nhóm lò… với khí thế rất khẩn trương.

Để làm kịp đơn khách hàng đã đặt, những ngày này, tất cả thành viên trong gia đình ông Đinh Văn Đoài, xóm Quy Chính 2, xã Vân Diên đều tập trung làm miến để kịp bán. Ông Đinh Văn Đoài cho biết: “Trung bình mỗi ngày, nhà ông sử dụng hơn 3 tạ gạo để làm miến, trừ chi phí mỗi tháng thu nhập khoảng 9-10 triệu đồng. Nhờ nguồn nguyên liệu gạo ngon, sạch mà làm ra sợi miến, bún săn dẻo được khách hàng ưa thích”.

Miến Quy Chính được làm từ những hạt gạo quê đậm đà, gạo đem xay ép bột nước xong cho vào hấp cán, không đập bột khô rồi chế nước vào trộn cán như nơi khác, nên sợi miến săn dai. Miến là sản phẩm để được lâu, vận chuyển tiêu thụ đi khắp các huyện trong tỉnh. 1 tạ gạo thường làm được khoảng 95 kg miến khô, giá miến hiện thời là 16.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi năm cả làng nghề cũng thu về từ 12 – 15 tỷ đồng.

Ngày Tết, trên các mâm cỗ của người Việt đều không thể thiếu vị mặn mòi của biển. Bởi vậy năm nay, tại nhiều địa phương ven biển, tình hình sản xuất nước mắm truyền thống cũng đang tấp nập vào vụ. Ở các làng nghề nước mắm truyền thống như phường Quỳnh Dị (Thị xã Hoàng Mai), Quỳnh Thuận, Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa (huyện Quỳnh Lưu), Vạn Phần (Diễn Châu), Cửa Hội (Thị xã Cửa Lò)… cũng đang hối hả đưa hàng ngược xuôi ra thị trường.

Cùng với đó, hàng nghìn lít nước mắm các loại đã được tích trữ sẵn để giao cho khách hàng sau 1 năm cất ủ, ướp chín nguyên liệu cá. Tuỳ từng loại nước mắm cốt được rút ra với chất lượng khác nhau, giá cả năm nay dao động từ 80.000 đến gần 200.000 đồng/lít. Qua tìm hiểu, nước mắm cốt truyền thống ở các làng nghề trên địa bàn Nghệ An năm nào cũng “cháy hàng” vào dịp Tết Nguyên đán.

“Hiện nay các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống đều nâng cao nhận thức, khẳng định thương hiệu bằng chính chất lượng của sản phẩm, thế nên chúng tôi đều đặt chữ Tín lên hàng đầu”, ông Thạch Đình Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề nước mắm Diễn Châu cho biết.

Tết đến cũng là thời điểm khiến nông dân ở các làng nghề trồng hoa, cây cảnh… khá bận rộn. Những năm gần đây, đào phai Kim Thành, xã Kim Thành, huyện Yên Thành rất được người dân trong tỉnh Nghệ An ưa chuộng. Hoa đào Kim Thành luôn nở đúng vào dịp Tết, hoa 5 cánh, hồng mịn, mang một vẻ đẹp riêng.

Với diện tích 3 sào đất vườn, gia đình anh Chu Văn Thức, xóm Hồng Liên, xã Kim Thành đã trồng gần 1.000 gốc đào phai, là nguồn thu nhập cao vào dịp Tết. “Năm ngoái gia đình thu nhập từ cây đào khoảng 70 triệu, năm nay thời tiết gần Tết lại mưa rét nên cây đào ra hoa đúng vụ, hứa hẹn thu nhập cao hơn năm ngoái”, anh Thức hồ hởi nói.

Mặc dù năm nay thời tiết không mấy thuận lợi đối với nghề trồng đào, nhưng với kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc, thời điểm này hầu hết ở các nhà vườn ở Kim Thành, cây đào đã bắt đầu xuống lá, người dân đang tập trung cho việc tỉa cành, chăm sóc để đào hé nụ đúng dịp, không sử dụng đến hóa chất kích thích, đảm bảo môi trường sinh thái và hạn chế được chi phí đầu tư.

Theo các hộ dân trồng đào, thời điểm này đã có khách hàng từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh tìm về Kim Thành để tham quan, khảo sát nhà vườn và đặt hàng trong dịp Tết.

Hiện tại trên địa bàn xã Kim Thành đã có 500 hộ đầu tư trồng đào với quy mô khoảng 20 ha, trong đó có nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển vườn nhà ra đồng để trồng đào cho thu nhập cao. Nhờ trồng đào bán hoa vào dịp Tết, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả.

Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Kim Thành cho biết: “Chính quyền địa phương đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển nghề trồng đào, xem đây là một trong những cây trồng kinh tế mũi nhọn, rất phù hợp với địa bàn của một xã vùng bán sơn địa.

Theo đó, hàng năm, UBND xã đều có cơ chế chính sách hỗ trợ đối với người dân, phối hợp với Trạm khuyến nông và Hội sinh vật cảnh huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với cây đào, qua đó giúp nông dân có thêm kiến thức nhất định, yên tâm sản xuất, đảm bảo mức thu nhập từ 50-60 triệu đồng/sào”.

Tết Nguyên đán đã đến gần, nhu cầu tiêu thụ của người dân cũng tăng cao từ 4-5 lần so với ngày thường nên thời điểm này, không khí chuẩn bị hàng đã khẩn trương, nhộn nhịp tại các làng nghề truyền thống. Không chỉ nâng cao thu nhập mà các sản phẩm từ làng nghề còn mang hương vị đậm đà, ấm cúng cho mọi người, mọi nhà mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục