Làng nghề Nghệ An vào vụ Tết

06:36' - 07/02/2016
BNEWS Tháng cuối cùng trong năm âm lịch cũng là thời gian nhộn nhịp nhất ở các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Những ngày này, ở nhiều gia đình phảng phất mùi hương thơm nồng ấm, dễ chịu của hương trầm Quỳ Châu, xua tan cái giá rét của đông lạnh. Hương trầm Quỳ Châu đã là thương hiệu khá quen thuộc với tất cả người dân xứ Nghệ mỗi khi Tết đến Xuân về.

Giáp Tết cũng là thời điểm bận rộn nhất của người dân làng nghề làm hương trầm ở thị trấn Tân Lạc để kịp cho thương lái đưa hàng đi tiêu thụ. Để có được những búp hương đẹp, mùi thơm đặc trưng của miền Tây xứ Nghệ, người dân làng nghề làm hương trầm Quỳ Châu phải chọn lựa kỹ càng từ nguyên liệu làm bột hương, chân hương rồi đến công đoạn quấn hương để tạo thành que hương hoàn thiện.

Rễ cây hương bài là nguyên liệu chính làm nên mùi vị đặc trưng của hương trầm Quỳ Châu. Nó là loại cây thảo mộc, mùi hương thơm dễ chịu; cùng với đó là hoa hồi, thảo quả, quế chi… được trộn lẫn với nhau tạo nên mùi vị riêng có của sản phẩm hương trầm Quỳ Châu.

Người dân Quỳ Châu tự hào vì hương trầm Quỳ Châu đã có thương hiệu tên tuổi. Ảnh: nghean24h.vn.

Kế thừa nghề làm hương trầm từ đời cha ông để lại, cơ sở sản xuất hương trầm của gia đình chị Trương Thị Xuân ở khối 2 thị trấn Tân Lạc những ngày cuối năm, không khí sản xuất đang trở nên khẩn trương để kịp cung ứng cho nhu cầu thị trường trong cũng như ngoài tỉnh. Cơ sở của chị Xuân có trên 10 lao động làm việc thường xuyên, trung bình mỗi năm sản xuất trên 50 vạn cây hương các loại; trong đó riêng hương dịp Tết đã chiếm trên 50% lượng sản phẩm làm ra.

“Chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi đã huy động toàn bộ công nhân ở trong xưởng làm tăng ca để đảm bảo thời gian đưa sản phẩm ra thị trường với hy vọng sản phẩm của mình sẽ góp phần làm cho không khí Tết ở mỗi gia đinh được đầm ấm hơn”, chị Xuân bày tỏ.

Trong khi đó, làng Vĩnh Hòa của xã Hợp Thành, huyện Yên Thành từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh chưng, bánh tét. Những ngày bình thường, mỗi gia đình làm mỗi tháng từ 5 – 6 tạ nếp, nhưng vào dịp Tết Nguyên đán, do nhiều người đặt hàng nên mỗi gia đình cũng nâng sản lượng từ 1 đến 1,5 tạ nếp tháng áp Tết.

Nơi đây có 180 hộ làm nghề và sống bằng nghề gói bánh chưng. Ảnh: TTXVN.

Bánh chưng Vĩnh Hòa được gói bằng gạo nếp, thịt lợn tươi ngon ướp với mắm cốt truyền thống và hạt tiêu sọ, đậu xanh hạt to đều và bóng mẩy, bên ngoài được bao bọc bởi lớp lá dong xanh. Bánh chưng Vĩnh Hòa được người dân gói bằng tay nên bánh rất chặt, đều và đẹp.

Khi luộc phải đủ giờ, đủ nước, nguyên liệu ngấm quyện vào nhau tạo thành vị ngọt bùi, béo ngậy, tỏa hương thơm. Nhờ những bí quyết của làng nghề truyền thống nên thương hiệu bánh chưng, bánh tét nơi đây đã được nhiều người biết đến. Từ hàng chục năm nay, bánh chưng, bánh tét Vĩnh Hòa đã có mặt khắp trên thị trường trong Nam , ngoài Bắc.

Là một trong những gia đình có truyền thống gói bánh chưng lâu đời và có bí quyết riêng nên sản phẩm của gia đình ông Lê Xuân Thủy, làng Vĩnh Hòa luôn được khách hàng ưa chuộng.

Ngoài gói bánh chưng để bán hàng ngày, gia đình ông còn làm theo đơn đặt hàng của khách từ hàng chục đến hàng trăm chiếc tùy theo kích cỡ. “Trong dịp Tết này, gia đình tôi đã mua 2 tấn nếp gạo, 5 tạ đậu xanh, đặt thịt lợn tươi ngon để gói bánh chưng xanh cho khách”, ông Lê Xuân Thủy cho biết.

Bánh đa, bánh đa nem là món ăn dân dã, bình dị nhưng lại không thể thiếu trên mỗi bàn tiệc của người dân miền Trung. Thế nên, bánh đa Đô Lương của làng nghề Xuân Như, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương với đủ tứ vị chua, cay, mặn, ngọt nhờ gia vị được thêm vào với bột xay từ loại gạo mới trong quá trình làm bánh đã trở thành món ăn khá quen thuộc trong mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Chiếc bánh của làng nghề Xuân Như khá nhỏ nhắn, có đường kính khoảng 20cm, bên trên rắc nhiều vừng đen nên khi ăn rất bùi và thơm. Người làm bánh đã khéo léo đưa tỏi, ớt, hạt tiêu giã nhuyễn, trộn đều với bột gạo tạo nên vị cay nồng, đậm đà vô cùng hấp dẫn.

Bánh đa Đô Lương là món quà dễ ăn, tiện lợi, có thể ăn riêng hoặc ăn kèm, bọc với các loại thực phẩm khác như lươn, thịt, bánh mướt, ốc… rồi chấm với các loại nước sốt hoặc nước mắm ớt là có thể nhâm nhi thưởng thức.

Bánh đa Đô Lương - món quà quê dân dã nhưng đầy ý nghĩa của người miền Trung. Ảnh: dacsanxunghe.org.

Đều đặn cả tháng nay, mới tờ mờ sáng sớm, gia đình ông Trịnh Xuân Phiên ở xóm 3 Đặng Sơn đều thức dậy để kịp quấy bột gạo, chuẩn bị nguyên liệu để tráng bánh. Mỗi tháng gia đình ông phải xay hết 1,5 tạ gạo để tráng được 3.000 thếp bánh đa nem phục vụ nhu cầu thị trường. “Sản phẩm làm ra chúng tôi đều không phải lo khâu tiêu thụ, các thương lái đặt hàng rồi đến lấy, chúng tôi chỉ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Phiên cho biết.

Không những nổi tiếng với làng nghề làm bánh đa, bánh đa nem, những năm gần đây người dân làng nghề Xuân Nhu còn du nhập nghề mới là sản xuất mứt và kẹo lạc, kẹo cu đơ truyền thống. Từ những loại rau củ bình thường hàng ngày như bí, lạc, khoai, gừng, cà rốt, dừa, xoài… với đôi tay khéo léo, kết hợp với bí quyết riêng, người dân làng nghề Xuân Như đã cho ra nhiều sản phẩm mứt, kẹo đa dạng và phong phú, đảm bảo chất lượng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Từ những sản vật của mỗi địa phương, vùng miền, những sản phẩm của các làng nghề đang góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Nghệ An. Việc làm ra các sản phẩm được thị trường ưa chuộng không chỉ mang hương Xuân, mùi vị Tết đến với mọi nhà mà còn góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời phát huy giá trị truyền thống làng nghề địa phương, lưu giữ nét đẹp văn hóa quê hương và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc Việt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục