Lạng Sơn kiểm dịch chặt chẽ nông sản xuất nhập khẩu

09:42' - 06/02/2024
BNEWS Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản trên cả nước đang gia tăng lượng hàng thông quan qua một số cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán năm 2024.

Thống kê từ Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng cho thấy, thời điểm đầu năm 2024, trung bình mỗi ngày có từ 1.100 - 1.300 phương tiện được thông quan qua các cửa khẩu. Trong đó số phương tiện có hàng xuất khẩu là khoảng 400 - 500 xe (phần lớn là mặt hàng nông sản, hoa quả tươi).

 

Lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đã siết chặt kiểm tra, quản lý, sử dụng các máy móc chuyên dụng hiện đại nhằm kiểm soát chặt chẽ độ an toàn của của mặt hàng nông sản, không để dịch bệnh truyền thống và ngoại lai lây lan bùng phát.

Tân Thanh là cửa khẩu có lượng hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu lớn của tỉnh Lạng Sơn. Đây được coi là "cửa ngõ" xuất khẩu nông sản của các tỉnh phía Nam để đến với thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt hơn, thời điểm giáp Tết Nguyên đán, mỗi ngày có hàng nghìn tấn thực phẩm được làm thủ tục nhập khẩu qua cửa khẩu; trong đó, chủ yếu là các mặt hàng rau củ, hoa quả tươi và một số loại mặt hàng khô. Những loại hàng này luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh ngoại lai xâm nhập.

Nắm được vấn đề trên, Chi Cục Kiểm dịch vùng VII - Lạng Sơn đã chỉ đạo Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh tăng cường nhân lực, kiểm soát chặt chẽ các loại nông sản nhập khẩu qua các cửa khẩu; đánh giá mức độ nhãn mác, vùng trồng, sâu bệnh… theo chuyên ngành để tránh rủi do, hạn chế tổn thất kinh tế.

Ông Trần Văn Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII - Lạng Sơn nhận định, lượng hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu có chiều hướng tăng cao để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết.

Đơn vị đã chỉ đạo các Trạm kiểm dịch trực thuộc để phân công bố trí cán bộ theo dõi, làm việc, giải quyết thủ tục có liên quan đến kiểm dịch cho doanh nghiệp; đồng thời vận hành máy móc, phục vụ tốt cho công việc. Cùng đó, đơn vị còn tích cực tuyên truyền đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để họ đáp ứng đầy đủ những yếu tố, quy định cũng như nhu cầu vè chất lượng và an toàn các mặt hàng…

Anh Phạm Huy Khải - lái xe twf tỉnh Bình Dương chở hàng nông sản xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh phấn khởi cho biết, các cán bộ làm việc tại cửa khẩu luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp và lái xe; giải quyết thủ tục đúng quy định, trình tự sắp xếp. Những vướng mắc khi làm thủ tục kê khai hàng hóa được hướng dẫn cụ thể và rõ ràng.

Đầu năm 2024, địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 7 cửa khẩu diễn ra các hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa là Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma, Nà Nưa, Na Hình, Hữu Nghị và cửa khẩu ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng. Đối với mặt hàng trái cây, hoa quả tươi và nông sản chủ yếu được làm thủ tục qua hai cửa khẩu là Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Cùng với lực lượng kiểm dịch, Hải quan các cửa khẩu cũng tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để đảm bảo về trình tự và tuân thủ quy trình về kiểm tra, kiểm dịch, trên cơ sở luôn tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản.

Đồng thời, các đơn vị Hải quan bố trí cán bộ xử lý tờ khai 24/24h, kể cả trong giờ nghỉ trưa, trong thời gian nghỉ lễ… Tính toán từ cơ quan Hải quan Lạng Sơn cho thấy, với các lô hàng hoa quả xuất khẩu thì chỉ mất 2 - 3 phút là có thể thực hiện thông quan.

Phó Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị Phùng Văn Ba cho hay, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và mặt hàng trái cây hoa quả tươi nói riêng, đơn vị đã bố trí cán bộ làm việc thêm giờ, ngoài giờ để giải quyết thủ tục; duy trì lực lượng để giải quyết vướng mắc phát sinh về thủ tục hàng ngày.

Đặc biệt, với mặt hàng hoa quả tươi thuộc diện luồng xanh ưu tiên miễn kiểm tra nên lực lượng Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị sử dụng máy soi container để kiểm tra chi tiết loại hàng hóa.

Song song với các biện pháp tạo thuận lợi cho mặt hàng nông sản hoa quả tươi xuất nhập khẩu dễ dàng, nhanh chóng đúng pháp luật của lực lượng chức năng cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, thì hơn hết rất cần sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn mặt hàng xuất nhập khẩu.

Qua đó đảm bảo tiêu chí về kiểm dịch, góp phần ổn định môi trường xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của Lạng Sơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục