Lạng Sơn ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới

12:21' - 20/02/2023
BNEWS Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới có trên 231 km đường biên giới quốc gia và 21 xã, thị trấn biên giới tiếp giáp Trung Quốc với nhiều đường mòn lối tắt.

Với việc siết chặt kiểm tra, kiểm soát các đường mòn, lối tắt trên toàn tuyến biên giới của lực lượng chức năng cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới Lạng Sơn cũng vì thế mà giảm mạnh về số vụ.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, tính chất buôn lậu và gian lận thương mại lại tinh vi hơn, với nhiều thủ đoạn mới nhằm qua mặt các lực lượng, nhất là gian lận thương mại qua đường nhập khẩu hàng hóa chính ngạch.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, thời gian qua, đơn vị đã tạm giữ nhiều lô hàng hóa với hàng trăm loại khác nhau chủ yếu dụng cụ nhà bếp như dao, kéo các loại… được nhập khẩu chính ngạch từ Trung Quốc vào Việt Nam. Mặc dù tại tờ khai hải quan, những sản phẩm trên có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng khi kiểm tra bao bì sản phẩm lại có nhãn hiệu Nhật Bản.

Đây chính là hành vi gian lận thương mại qua đường nhập khẩu chính ngạch. Nếu những lô hàng trên được tiêu thụ vào nội địa và trà trộn với các mặt hàng khác thì rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc và giá trị. Bên cạnh đó là nguy cơ thất thu thuế, vì trên tờ khai nhập khẩu thì mỗi sản phẩm có giá dưới 20 nghìn đồng, nhưng trên thực tế giá bán trên thị trường lại cao gấp nhiều lần.

Có thể thấy, qua các chính sách ưu đãi trong quá trình khai hải quan, một số doanh nghiệp đã lợi dụng để thực hiện các hành vi gian lận như khai sai số lượng chủng loại, khai sai mã áp thuế. Đặc biệt, là tình trạng gian lận qua hình thức thương mại điện tử, gian lận về nguồn gốc, xuất xứ, về sở hữu trí tuệ, sở hữu kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ nhằm trục lợi…

Phó Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị Hứa Thị Hồng cho biết, để đấu tranh phòng chống, ngăn ngừa hành vi gian lận thương mại, đơn vị đã liên tục áp dụng tổng thể nhiều biện pháp, sử dụng tối đa công cụ hỗ trợ, máy soi container, máy phát hiện ma túy… để kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Hiện địa bàn Lạng Sơn đang duy trì thông quan hàng hóa tại 5 cửa khẩu (cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Quốc gia Chi Ma, cửa khẩu phụ Tân Thanh, cửa khẩu phụ Cốc Nam và cửa khẩu Ga đường sắt Đồng Đăng).

Để ngăn chặn tối đa hàng lậu từ biên giới vào nội địa, lực lượng biên phòng Biên phòng thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng địa phương nắm chắc địa bàn; tăng cường tuần tra kiểm soát chặt các đường mòn, khu vực cửa khẩu, không để hình thành các kho cất trữ hàng lậu lớn tại khu vực cửa khẩu. Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền các xã biên giới tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới không tiếp tay vận chuyển hàng lậu cho các đối tượng buôn lậu.

Trung tá Trịnh Quang Hưng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn cho hay, trong đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại, đấu tranh chống xuất nhập cảnh trái phép, lực lượng biên phòng đã tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ; dựng các lán chốt trên đường mòn lối tắt trọng điểm có nguy cơ cao, đồng thời duy trì, huy động quân số trực tại các điểm chốt chặn. Do đó, tình trạng buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn đơn vị quản lý được khống chế và ngăn chặn triệt để.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, hiện các hoạt động gian lận thương mại vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Trên khu vực biên giới, các đối tượng lợi dụng pháp nhân và sự thông thoáng từ khâu thành lập, quản lý doanh nghiệp, ký kết hợp đồng thương mại, quy trình hải quan điện tử, hàng hóa được phân luồng xanh, luồng vàng (miễn kiểm tra thực tế) để khai sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, xuất xứ... gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh hoặc chiếm đoạt tiền hoàn thuế với quy mô lớn hơn, phương thức và thủ đoạn tinh vi hơn.

Trong nội địa, các đối tượng lợi dụng hình thức dịch vụ vận chuyển chuyển phát, hoạt động thương mại điện tử... để gian lận thương mại, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, không đảm bảo chất lượng.

Trong năm 2022, các lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính trên 4.270 vụ; tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là gần 116 tỷ đồng. Đặc biệt, riêng trong tháng 1/2023, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện xử lý 437 vụ vi phạm (bằng 224% so với cùng kỳ năm 2022) với tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính trên 3,5 tỷ đồng.

Để việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có hiệu quả thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn tiếp tục quán triệt, tăng cường phối hợp, đảm bảo kịp thời, chặt chẽ trong thực hiện chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn từ biên giới vào nội địa, từ nội địa lên biên giới, đặc biệt là lực lượng làm trực tiếp. Đồng thời, chủ động đánh giá thực trạng, những vấn đề nổi cộm, đối tượng, tuyến đường, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, phương thức thủ đoạn mới về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, lực lượng quản lý thị trường đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389, phối hợp với lực lượng công an cũng như chỉ đạo lực lượng quản lý trường các địa phương tăng cường kiểm tra kiểm soát các hoạt động thương mại điện tử, các cửa hàng, các điểm buôn bán hàng hóa trong nội địa.

Cùng với đó, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình; công bố công khai số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 các cấp, của các lực lượng chức năng, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân theo quy định…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục