Lạng Sơn tìm giải pháp cải thiện điểm số thành phần chỉ số PCI

20:12' - 18/06/2024
BNEWS Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh (PCI) và chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) trên địa bàn tỉnh, xây dựng chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp...

Đây là những nội dung được đưa ra tại Hội nghị đánh giá chỉ số PCI, PGI năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức chiều 18/6.

 

Tại hội nghị, bà Dương Thị Hoan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn cho biết, chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh đạt 69,05 điểm, tăng 1,17 điểm so với năm 2022, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 2 bậc so với năm 2022), nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất. Đây là năm Lạng Sơn có điểm số cao nhất từ trước đến nay.

Trong 10 chỉ số thành phần có 6/10 chỉ số quan trọng tăng điểm so với năm 2022 gồm: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; chi phí thời gian; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Trong khi đó, chỉ số PGI của tỉnh chỉ đạt 17,33 điểm, xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố. Lạng Sơn không nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chỉ số xanh cấp tỉnh tốt nhất...

Theo bà Hoan, về mặt tổng thể, chỉ số PCI của tỉnh đã tăng bậc so với năm 2022, song vẫn còn một số chỉ số thành phần giảm điểm như: Tính minh bạch; chi phí không chính thức; tính năng động của chính quyền tỉnh; cạnh tranh bình đẳng.

Đặc biệt là chỉ số PGI thấp. Điều đó cho thấy những rào cản, bất cập trong quản lý, điều hành, thực thi công vụ và tạo lập môi trường thân thiện, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, cần tiếp tục có những đổi mới sáng tạo trong công tác hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp...

Để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số xanh cấp tỉnh năm 2024 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu yêu cầu, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thành phố tập trung thực hiện quyết liệt công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao các chỉ số PCI và PGI. Các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng phương án cụ thể khắc phục, cải thiện điểm số thành phần trong các chỉ số PCI, PGI.

Đồng thời, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp bằng văn bản (có thời hạn cụ thể) và công khai các kiến nghị, quá trình giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của sở, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Các địa phương, cơ quan, đơn vị chú trọng cải cách hành chính, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; tăng cường kiểm tra, kiểm soát; phát huy vai trò, trách nhiệm của của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, tạo ra tính công bằng trong việc tiếp cận đất đai cho tất cả các doanh nghiệp. 

Song song với đó, các sở, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được HĐND, UBND ban hành và các chính sách khác của Trung ương nhằm hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh; thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ đầu tư tại chỗ; định kỳ tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức để tiếp nhận, xử lý kiến nghị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, hỗ trợ đắc lực cho các dự án đang hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng vốn đầu tư…

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là chỉ số đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

Đây là tập hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh của các tỉnh, thành phố. Chỉ số PCI năm 2023 gồm 10 chỉ số thành phần đó là: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; thi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động chính quyền tỉnh; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự...

Chỉ số xanh cấp tỉnh là tập hợp cảm nhận của doanh nghiệp và truyền tải “tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp. Chỉ số PGI bao gồm bốn chỉ số thành phần hợp thành từ 46 chỉ tiêu đánh giá chất lượng môi trường và hiệu quả quản trị môi trường của các tỉnh, thành phố.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục