Lãnh đạo Bộ Văn hóa tiếp tục làm rõ thông tin liên quan đến Hãng phim truyện Việt Nam

16:58' - 21/09/2017
BNEWS Theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, việc cổ phần hóa diễn ra chậm ở Hãng phim truyện Việt Nam là do hãng phim thua lỗ và nợ khá nhiều tiền thuê đất trong 20 năm qua không trả được.
Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Ngày 21/9, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã có cuộc trao đổi với nhiều cơ quan báo chí, làm rõ những thông tin liên quan tới hậu cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam đang được dư luận chú ý trong những ngày qua.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho hay: Trong chiều 20/9, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam. Theo đó Bộ trưởng yêu cầu Công ty phải xây dựng quy chế làm việc, phân công công việc cụ thể với từng cán bộ, sắp xếp lại phòng ban, tu sửa nơi làm việc.

Trước mắt, Công ty cần trả lương tháng 7,8,9/2017 cho các bộ như trước khi cổ phần hóa, cần tính toán lại bảng lương theo điều lệ công ty để chi trả lương, sớm ổn định tình hình để đi vào sản xuất phim như phương án nhà đầu tư chiến lược đã đề ra. Bộ trưởng cũng đề nghị các cá nhân đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty phải giám sát việc thực hiện các chú trương, nếu có vướng mắc cần kiến nghị lên Ban Giám đốc và lãnh đạo Bộ để tìm hướng giải quyết...

Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam khá phức tạp

Trước các câu hỏi của phóng viên nhiều cơ quan báo chí về chủ trương, quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nêu rõ: Chủ trương cổ phần hóa triển khai tại Bộ từ năm 2006, hơn 30 doanh nghiệp của Bộ phải sắp xếp lại, giải thể, sáp nhập, cổ phần hóa, trong đó có Hãng phim truyện Việt Nam.

Tuy nhiên, Hãng phim truyện Việt Nam có bề dày lịch sử, thành tích, là cái nôi của ngành điện ảnh Việt Nam, đã sáng tạo ra hàng trăm tác phẩm điện ảnh kinh điển có giá trị về nội dung, nghệ thuật được công chúng trong nước, quốc tế biết tới. Việc cổ phần hóa Hãng phim khá phức tạp do liên quan đến di sản văn hóa và tập thể nghệ sỹ nên Bộ chưa tiến hành cổ phần hóa ngay mà cần thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng.

Năm 2010, Hãng phim truyện Việt Nam chuyển thành Công ty TNHH một thành viên theo Luật doanh nghiệp quy định. Sau đó Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện cổ phần hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thấy rất khó khăn thực hiện bởi Công ty lúc này nợ và thua lỗ rất nhiều và cách xử lý không dễ dàng. Giới nghệ sĩ cũng rất trăn trở xung quanh đường lối phát triển của hãng phim, lo rằng hãng phim khi chuyển sang cổ phần sẽ mất đi tư liệu, mất đi giá trị lịch sử…

Theo quy định, năm 2015 phải tiến hành cổ phần hóa xong đối với Hãng phim truyện Việt Nam nhưng phải đến 23/6/2017 mới tiến hành đại hội cổ đông lần đầu tiên. Sau cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam có tên gọi là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh: Hiện nay, Công ty đang tiến hành xác định được giá trị doanh nghiệp lần 2 theo đúng quy định. Sau khi quá trình định giá doanh nghiệp lần 2 này hoàn tất vào khoảng tháng 6/2018 thì Hãng phim truyện Việt Nam mới chính thức là công ty cổ phần.

Lý giải việc cổ phần hóa diễn ra khá chậm ở Hãng phim truyện Việt Nam, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nêu rõ: Nguyên nhân chính là do hãng phim thua lỗ và nợ khá nhiều tiền thuê đất trong 20 năm qua với số tiền lên tới 21 tỷ đồng không trả được. Nhà đầu tư chiến lược vào Hãng phim truyện Việt Nam phải trả tiền nợ thuê đất này nếu không sẽ bị thu hồi đất.

Bán hãng phim giá “bèo” là chưa chính xác

Các địa điểm được coi là “đất vàng” của Hãng phim truyện Việt Nam tại Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, Đông Anh (Hà Nội) và tại Thành phố Hồ Chí Minh thực chất là sở hữu của Nhà nước và Hãng phim truyện Việt Nam phải trả tiền thuê đất hàng năm. Khi cổ phần hóa, những khu đất này không được đưa vào định giá mà chỉ định giá tài sản trên đất.

Do đó, dư luận cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “bán” Hãng phim truyện Việt Nam giá “bèo” là hơn 30 tỷ đồng trong khi riêng giá trị đất đã lên đến hàng ngàn tỷ đồng là chưa chính xác bởi lẽ đất không thuộc sở hữu của Hãng phim.

Việc định giá Hãng phim truyện Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện theo đúng tinh thần Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Theo quy định, để tiến hành cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam phải thuê 2 đơn vị tư vấn trong danh mục được Bộ Tài chính công nhận, cho phép. Theo đó, một đơn vị sẽ xây dựng phương án cổ phần hóa, đơn vị thứ 2 là tư vấn độc lập sẽ tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp. Hai đơn vị này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định giá trị của doanh nghiệp cũng như phương án cổ phần hóa.

Có ý kiến lo ngại cho rằng, nhà đầu tư có thể sử dụng các khu “đất vàng” này để xây dựng khách sạn, nhà hàng… Về vấn đề này, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: theo quy định của pháp luật thì nhà đầu tư không thể “tự do muốn làm gì thì làm” như nhiều người lo ngại mà theo quy định, Hãng phim phải trình phương án sử dụng đất đai ở tất cả các địa chỉ, phải phù hợp với phương án cổ phần hóa là đất đi thuê để làm phim chứ không vì mục đích khác.

Nếu cổ đông chiến lược không thực hiện đúng cam kết sử dụng đất thì Bộ sẽ kiến nghị UBND thành phố thu hồi, rút giấy phép xây dựng, và cuối cùng là đưa ra tòa.

Sau khi cổ phần hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sở hữu 28,846% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam sẽ không thể chỉ đạo trực tiếp ban lãnh đạo của Công ty mà thông qua 2 đại diện về vốn cùng giám sát nhà đầu tư có thực hiện đúng cam kết hay không.

Nội dung giám sát là việc chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên, làm phim và dịch vụ phim, nếu không đúng cam kết cần kiến nghị đề Bộ yêu cầu dừng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ giám sát việc kinh doanh tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam trong 5 năm theo đúng quy định...

Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại chọn Tổng Công ty vận tải thủy Vivaso làm nhà đầu tư chiến lược cho Hãng phim truyện Việt Nam – một đơn vị thuần túy kinh doanh, không liên quan đến văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng: Căn cứ theo quy định về việc cổ phần hóa, việc chọn đối tác phải tuân theo Nghị định 59 và có thể chọn từ 1 – 3 nhà đầu tư chiến lược, trên cơ sở tiêu chí đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Sau khi đăng thông tin rộng rãi thì chỉ có một nhà đầu tư chiến lược quan tâm đó là Tổng Công ty vận tải thủy Vivaso. Đơn vị này đã đáp ứng được các tiêu chí của Bộ đưa ra do đó Bộ đã chọn đơn vị này.../.

>>> Các nghệ sĩ mong muốn tìm được nhà đầu tư có tầm, đưa điện ảnh Việt Nam phát triển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục