Lãnh đạo Hàn-Nhật-Trung nhất trí thúc đẩy FTA ba bên

09:10' - 02/11/2015
BNEWS Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Trung Quốc và Tổng Thống Hàn Quốc đã nhất trí nỗ lực đẩy nhanh các vòng thương lượng FTA ba bên, với tổng GDP chiếm 20% sản lượng kinh tế thế giới.
Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Trung Quốc và Thủ tướng Nhật Bản trong cuộc gặp lịch sử tại Seoul ngày 1/11. Ảnh: THX/TTXVN

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin Tổng thống Park Geun Hye, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thống nhất nỗ lực đẩy nhanh các vòng thương lượng Hiệp định thương mại tự do (FTA) ba bên, với tổng GDP chiếm 20% sản lượng kinh tế thế giới.

Tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Seoul, các nhà lãnh đạo Hàn - Nhật - Trung kêu gọi tăng cường hợp tác trong khu vực Đông Bắc Á, vốn lâu nay vướng vào những vụ tranh cãi liên quan đến lịch sử và lãnh thổ.

Phát biểu khi bắt đầu cuộc họp, Tổng thống nước chủ nhà Park Geun Hye bày tỏ mong muốn ba nước sẽ tiến bước trên con đường cùng tồn tại và hợp tác.

Bà cũng được dẫn lời cho rằng ba nước đang làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế mặc dù các cuộc tranh cãi liên quan đến các vấn đề chính trị và an ninh đang cản trở các nước láng giềng này phát huy tối đa tiềm năng hợp tác.

Lãnh đạo ba nước cam kết thúc đẩy FTA ba bên. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Nhật Bản Abe cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo ba nước góp phần đẩy nhanh đà tăng cường sự hợp tác ba bên.

Về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng bản thân cuộc họp này là bước đi ban đầu hướng tới sự hợp tác ba bên, nhưng cũng nói rõ rằng sự hợp tác này cần phải được thực hiện dựa trên việc giải quyết các vấn đề nhạy cảm, trong đó có cả các vấn đề liên quan đến lịch sử.

Đồng thời, các nhà lãnh đạo Hàn - Nhật - Trung quyết định nối lại hội nghị thượng đỉnh ba bên sau ba năm rưỡi gián đoạn. Các cuộc họp thượng đỉnh ba bên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vốn được tổ chức thường niên nhưng đã bị gác lại từ năm 2012.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa ba nước thời gian qua căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề lịch sử.

Mặc dù không có đột phá quan trọng nào trong cuộc gặp này, song việc các nhà lãnh đạo ba nước cùng ngồi đàm phán lần đầu tiên kể từ tháng 5/2012 được coi là dấu hiệu "tan băng" trong quan hệ giữa các cường quốc ở khu vực Đông Bắc Á này.

Vũ Toàn (P/v TTXVN tại Seoul)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục