Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đối thoại với 300 doanh nghiệp

14:03' - 31/05/2019
BNEWS Sáng 31/5, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị “Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” để gặp gỡ, đối thoại với 300 doanh nghip đang hoạt động trên địa bàn.
Quang cảnh Hội nghị Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội, làng nghề đã thắng thắn chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động cũng như đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.
Bày tỏ sự phấn khởi khi lãnh đạo tỉnh tạo đã lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, việc hoàn thiện pháp lý cùng với chỉ đạo quyết liệt từ các cấp đã tạo ra một môi trường pháp lý thân thiện hơn đối với doanh nghiệp, niềm tin của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, hiện nay thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Sự phối hợp giữa các ngành với địa phương khi giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp chưa tốt làm gia tăng thời gian thực hiện và chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
Vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận mong muốn, các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết sao cho các giấy tờ được nhanh chóng và thống nhất cách hướng dẫn giữa các cơ quan quản lý trong cùng một vấn đề…
Bên cạnh đó, hiện nay, văn bản pháp luật thường xuyên điều chỉnh, bổ sung nên một số doanh nghiệp không theo kịp dẫn đến sai sót. Việc thanh tra, kiểm tra thì chủ yếu tìm lỗi để phạt là chính. Do đó, để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, các cấp, ngành cần đồng hành hơn với doanh nghiệp trong việc phát hiện những bất cập của chính sách và đề xuất sửa đổi cho phù hợp với thực tế khách quan.


Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận (đứng giữa) trao đổi với đại diện các doanh nghiệp về những vướng mắc bên lề hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Để ngành du lịch duy trì tốc độ tăng trưởng, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh đề xuất, trong thời gian tới, tỉnh cần rà soát lại quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch Khu du lịch quốc gia vì hiện nay việc phát triển du lịch đang chồng lấn, mâu thuẫn với các quy hoạch khai thác quặng ti tan, chế biến thủy sản… Bên cạnh đó, tỉnh cần nghiên cứu phương án xử lý các vấn đề về rác thải biển, bãi biển bị xâm thực do triều cường cũng như cần xây dựng quỹ xúc tiến quảng bá du lịch…
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng trao đổi một số vấn đề xoay quanh nội dung: hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông vận tải và đô thị; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chính sách cho thuê đất và hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ…
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan trực tiếp giải đáp, giải quyết thắc mắc của doanh nghiệp ngay tại hội nghị. Riêng các vấn đề liên quan đến chính sách, cần có thời gian, các sở, ngành tiếp thu và trả lời doanh nghiệp bằng văn bản cụ thể.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh luôn coi việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp là nền tảng, động lực và trọng tâm trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định, mở rộng sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh là trách nhiệm của các cấp, các ngành. Buổi đối thoại là dịp để doanh nghiệp “lên tiếng”, từ đó để tỉnh kịp thời điều chỉnh chính sách, đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, góp phần cải thiện môi trường đầu tư.
Để cải thiện tốt hơn nữa môi trường kinh doanh và để năm 2019 và những năm tiếp theo, Bình Thuận nằm trong top 20 tỉnh đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhóm giải pháp lớn.
Bên cạnh rà soát, nhất quán các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng đầu tư, hợp tác sản xuất kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển công bằng, bình đẳng…; các sở, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp liên quan đến quy hoạch, xây dựng, sử dụng đất đai. Ngoài ra, Bình Thuận sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng như: các khu, cụm công nghiệp, đường giao thông…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, trong bảng xếp hạng chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2018, Bình Thuận đứng thứ 22/63 tỉnh, thành với 64 điểm, tăng 2 bậc và 0,66 điểm so với năm 2017. Trong 10 tiêu chí của PCI, Bình Thuận có 6 tiêu chí tăng điểm như: chi phí gia nhập thị trường; chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh; chi phí không chính thức; đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục