Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Bỉ nhận định gì về kinh tế Việt Nam?

09:59' - 14/10/2022
BNEWS Ông Baron De Grand Ry, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Bỉ, bày tỏ những ấn tượng sâu sắc về sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels, ông De Grand Ry cho rằng Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế thành công nhất trên thế giới, thể hiện qua khả năng phục hồi với xuất khẩu hàng dệt may, điện tử, thủy sản và nông nghiệp tăng nhanh và liên tục trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa một số quốc gia và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc.

Quỹ Tiền tế quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 sẽ là 7,2%. Theo ông De Grand Ry, đây là mức tăng trưởng xuất sắc.

Ông cho rằng nợ công của Việt Nam rất hạn chế nhờ chính sách và cách tiếp cận chặt chẽ nhưng linh hoạt của Chính phủ Việt Nam. Tại Việt Nam, sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu thúc đẩy tiêu dùng trong nước trong khi các trung tâm mua sắm hiện đại là bằng chứng cho thấy nhu cầu trong nước không hề giảm.

Lãnh sự danh dự De Grand Ry nhận định Việt Nam hội nhập hoàn toàn với nền kinh tế toàn cầu. Theo ông, Chính phủ Việt Nam từ những nhiệm kỳ trước hiểu rằng để phát triển kinh tế nhanh chóng, Việt Nam phải là thành viên của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)...

Theo ông De Grand Ry, kể từ năm 2013, một số quốc gia tuyên bố Việt Nam đã phát triển theo hướng kinh tế thị trường và Chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng nền kinh tế thị trường không ảnh hưởng đến chức năng quản lý của nhà nước.

Chính phủ Việt Nam cũng đã có những biện pháp khôn ngoan để thắt chặt chính sách tiền tệ. Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu tăng 29%.

Ông De Grand Ry cho biết các tổ chức quốc tế đều đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. Du lịch Việt Nam cũng sẽ phát triển sau những năm hoạt động khó khăn vì đại dịch COVID-19.

Ông nhấn mạnh 3 thông số quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát chỉ ở mức 2,2% và chi phí nhân công vẫn ở mức cạnh tranh, giúp thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, sự phát triển kinh tế của Việt Nam còn được hỗ trợ bởi sự tự do hóa của nền kinh tế và cải cách quan trọng. Việt Nam có dân số trẻ, ham học hỏi, giỏi ngoại ngữ, chăm chỉ, có năng khiếu tin học và kỹ thuật số.

Đề xuất về chính sách, biện pháp, nguồn lực để phát triển kinh tế của Việt Nam, ông De Grand Ry cho rằng Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục áp dụng chính sách theo đuổi cho đến nay, một chính sách định khung nền kinh tế để tránh bất kỳ sự phát triển quá nóng nào có hại cho tăng trưởng.

Cải cách thể chế và chính sách đã được thực hiện và cho thấy đất nước đang hoạt động tốt. Trên thế giới, Việt Nam được coi là một quốc gia ổn định, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh tế và thu hút một số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, ông De Grand Ry cũng nêu ra những thách thức đáng kể khi Chính phủ Việt Nam muốn tiếp tục duy trì trong nhóm các nước có tiềm năng tăng trưởng cao. Theo ông, Việt Nam cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng như cảng, sân bay, mạng lưới đường bộ,  phát triển giáo dục, phát triển năng lượng xanh.

Bỉ có chuyên môn cao trong lĩnh vực điện gió. Trên thực tế, Bỉ đã xây dựng tại Biển Bắc 399 tuabin gió đang hoạt động và cung cấp điện cho khoảng 2,5 triệu người. Ông De Grand Ry nhận định đây là thế mạnh để Bỉ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục