Lào Cai khai thác hiệu quả mối tương quan văn hóa và du lịch

18:35' - 12/12/2019
BNEWS Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các địa phương và những nghệ nhân dân gian đã bước đầu cho thấy hiệu quả của việc gìn giữ văn hóa truyền thống của các tộc người ở Lào Cai.
Sương muối phủ trắng trên đỉnh Fansipan. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Nhắc đến vùng núi Tây Bắc Lào Cai, bên cạnh nét đẹp truyền thống, đậm đà bản sắc của 25 anh em dân tộc, du khách nhớ về địa phương này với tiềm năng du lịch phát triển bứt phá mạnh mẽ những năm trở lại đây. Việc dung hòa, gìn giữ nét đẹp bản sắc trong sự phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng luôn là bài toán khó đặt ra đối với tỉnh Lào Cai.

Tuy vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các địa phương và những nghệ nhân dân gian tâm huyết cùng các chủ trương chính sách phù hợp thực tiễn đã bước đầu cho thấy hiệu quả của việc gìn giữ văn hóa truyền thống trong nhịp sống thời đại của các tộc người ở Lào Cai.

* Bức tranh văn hóa đa sắc màu

Trong nhiều thế kỷ qua, các dân tộc thiểu số đã lần lượt di cư đến Sa Pa và đã dần chính phục mảnh đất này thành những bản làng trù phú với khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ. Quá trình đấu tranh sinh tồn và lao động sản xuất đã giúp cho cộng đồng cán dân tộc Sa Pa hình thành nên những nét văn hóa và lối sống độc đáo, tạo ra một bức tranh văn hóa đa sắc màu bên dãy núi Hoàng Liên kỳ vỹ.

Sự phát triển của du lịch khiến Sa Pa trở thành nơi giao thoa giữa các nền văn hóa. Người dân Sa Pa có nhiều cơ hội để tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới thông qua các hoạt động tương tác với khách du lịch. Cũng chính môi trường giao thoa ấy khiến cho văn hóa các dân tộc Sa Pa được quảng bá rộng rãi và vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc Sa Pa đã tạo nên nét riêng có và trở thành một nhân tố quan trọng thu hút khách du lịch đến với Khu Du lịch quốc gia Sa Pa.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đó, sự hội nhập quốc tế sâu rộng cũng mang lại những tác động tiêu cực đối với văn hóa và đời sống của các dân tộc thiểu số huyện Sa Pa. Văn hóa truyền thống dần bị mai một và biến đổi do thiếu định hướng về bảo tồn. Không gian văn hóa tại các làng bản đang dần bị thu hẹp lại do quá trình đô thị hóa và nhu cầu phát triển.

Kiến trúc truyền thống bị thay thế bởi các công trình kiến trúc hiện đại. Trang phục truyền thống ngày càng ít xuất hiện và có hiện tượng bị lai tạp giữa các dân tộc. Một số nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một trước sự xâm nhập các sản phẩm công nghiệp, hiện đại. Nghệ thuật truyền thống bị biến dụng do sự thương mại hóa. Tinh thần công đồng bị biến đổi do tác động của kinh tế thị trường…

Không chỉ ở Khu Du lịch quốc gia Sa Pa, tình trạng này đã từng xuất hiện ở một số các địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số của Lào Cai. Nghệ nhân dân gian Việt Nam Ma Thanh Sợi, người Tày Nghĩa Đô, Bảo Yên cho biết: "Qua sưu tầm, nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế, tôi thấy nền văn hóa của dân tộc mình đang dần bị mai một, có nhiều nét văn hóa đã mất hẳn vì thế hệ trẻ hiện nay ít ai hiểu nền văn hóa đặc sắc của dân tộc mình mà truyền lại cho thế hệ kế tiếp.

Tôi mong muốn nền văn hóa người Tày cùng các tộc người khác ở Lào Cai phải được giữ gìn, toàn xã hội phải vào cuộc, các cấp lãnh đạo phải có hướng chỉ đạo, không để văn hóa tiếp tục bị mai một, bởi để mất văn hóa dân tộc sẽ dẫn đến mất dân tộc. Những dân tộc mất văn hóa sẽ trở thành nhóm dân tộc mất gốc, lớp người mất gốc ấy sẽ khó trở thành người có ích..."

* Khai thác du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo

Theo ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, việc khai thác du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số được Lào Cai coi là chìa khóa mở ra nhiều triển vọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với quan điểm “Sa Pa là của cả nước”, Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Lào Cai về lãnh đạo xây dựng huyện Sa Pa Phát triển toàn diện giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định “bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, cải tạo phong tục, tập quân lạc hậu” là một trong những mục tiêu quan trọng của địa phương này.

Thời gian qua, du lịch tại Sa Pa đã tạo môi trường phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện như: thổ cẩm, thảo được và hương liệu, làm hương, làm nến sáp ong, làm trống, chạm bạc, nghề rèn... Nhiều loại ẩm thực địa phương dần được giới thiệu tới du khách và trở thành những thực đơn độc đáo tại các nhà hàng.

Các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống được khai thác để phục vụ khách du lịch tại các cộng đồng thông qua chuỗi các lễ hội đầu Xuân mới, các chương trình biểu diễn giao lưu văn nghệ với khách du lịch. Những hoạt động trên vừa mang lại những trải nghiệm độc đáo cho du khách đồng thời là những phương thức hữu hiệu để giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Sa Pa.

Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu Du lịch quốc gia và hướng tới mang tầm quốc tế. Đặc biệt, địa phương này chuẩn bị được nâng cấp từ huyện lên thị xã, cơ hội giao lưu và hội nhập quốc tế sâu rộng đang ngày càng rộng mở. Do đó, hơn lúc nào hết, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc Sa Pa cần được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với các lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai vào ngày 6/12/2017 đã nói: "Sa Pa phát triển không chỉ là những ngôi nhà, những con đường mà còn là văn hóa địa phương của các dân tộc anh em. Chúng ta giữ gìn văn hóa để đây là yếu tố thu hút lâu dài trên cơ sở phát triển hạ tầng, các điều kiện tương xứng với thị xã. Nếu mất đi văn hóa, Sa Pa cũng không còn nữa".

Đề án Phát triển văn hóa, thể thao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020 khẳng định: “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; gắn cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững”.

Đến nay, Lào Cai là một trong những tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa với 26 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. “Nghi lễ kéo co Tày, Giáy” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cùng với đó, toàn tỉnh hiện có 45 di tích, danh thắng được xếp hạng, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia và 24 di tích cấp tỉnh. Các di tích lịch sử - văn hóa được trùng tu, tôn tạo đúng theo quy định, trở thành điểm tham quan nổi tiếng của cả nước, như: Cụm di tích Đền Bảo Hà và Đền Cô Tân An; cụm di tích Đền Thượng - Đền Mẫu - Đền Đôi Cô (thành phố Lào Cai).

Lào Cai đã xây dựng và phát triển đội ngũ các nghệ nhân dân gian có trình độ chuyên môn hiểu biết sâu về nhiều lĩnh vực tri thức, văn hóa dân gian. Hiện có 19 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Nhiều nghệ nhân đã sưu tầm lưu giữ được các phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nghệ nhân Ma Thanh Sợi đã biên tập 16 chuyên mục với hơn 2.000 trang về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Tày tại địa phương.

Nghệ nhân Ưu tú Sần Cháng (Sa Pa) với 5 công trình nghiên cứu về văn hóa dân tộc Giáy, trong đó có 3 công trình đoạt giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Nghệ nhân Ưu tú Tẩn Văn Siệu, dân tộc Dao (Tả Phìn) truyền dạy chữ Nôm Dao cho hàng trăm học viên, tổ chức dạy dân ca dân tộc Dao cho trẻ em gái và phụ nữ, sưu tầm  bảo tồn sách cổ Dao...

Theo ông Nông Đức Ngọc, Trưởng ban dân tộc tỉnh Lào Cai, việc bảo tồn di sản văn hóa được gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững. Bản sắc văn hóa dân tộc trở thành nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Lào Cai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục