Lao động trẻ em gia tăng lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua

09:54' - 18/06/2021
BNEWS Thế giới lần đầu tiên ghi nhận sự gia tăng của lao động trẻ em trong 2 thập kỷ qua và dịch COVID-19 có thể đẩy thêm hàng triệu trẻ ở độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" này lao vào mưu sinh.

Đây là kết luận được Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra trong báo cáo chung, công bố ngày 10/6.

Theo báo cáo được công bố 4 năm một lần nói trên, số lao động trẻ em vào đầu năm 2020 là 160 triệu trẻ, tăng 8 lần so với con số 8,4 triệu trẻ trong 4 năm trước đó.

Con số này bắt đầu tăng từ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, đánh dấu sự đảo ngược đáng kể của xu hướng giảm của giai đoạn 2000-2016.

Thống kê cho thấy khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát mạnh, gần 1/10 số trẻ em trên thế giới trở thành lao động kiếm sống. Trẻ em ở khu vực miền Nam Sahara là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới.

Báo cáo chỉ rõ trong khi tỷ lệ lao động trẻ em vẫn ngang bằng so với mức 2016, song dân số tăng cũng đồng nghĩa số trẻ phải mưu sinh tăng đáng kể. Và đại dịch có nguy cơ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Phát biểu với báo giới, người đứng đầu UNICEF, bà Henrietta Fore, khẳng định: "Chúng ta đang mất dần nền tảng trong cuộc chiến chấm dứt nạn lao động trẻ em" và cuộc khủng hoảng COVID-19 đang làm tình hình hiện nay trở nên tồi tệ hơn.

Theo bà, hiện đại dịch đã bước sang năm thứ 2, song nhiều nước vẫn đang phải áp đặt biện pháp phong tỏa, hạn chế, trong đó các trường học bị đóng cửa, kinh tế ngưng trệ, ngân sách quốc gia thu hẹp, kéo theo nhiều gia đình không còn cách nào ngoài việc đẩy trẻ em đi làm, kiếm tiền phụ giúp.

Nếu tỷ lệ nghèo đói do đại dịch COVID-19 tăng lên, sẽ có thêm 9 triệu trẻ phải đi làm kiếm tiền vào cuối năm 2022. Thậm chí, chuyên gia thống kê của UNICEF, bà Claudia Cappa, còn cho biết theo mô hình thống kê thì con số này có thể tăng gấp hơn 5 lần.

Bà nêu rõ nếu phạm vi bảo trợ xã hội bị thu hẹp so với mức hiện nay, số trẻ em bị đẩy vào con đường mưu sinh có thể tăng thêm tới 46 triệu trẻ tính đến cuối năm 2022.

Báo cáo cũng cho thấy trẻ em nam bị ảnh hưởng nhiều hơn, chiếm tới 97% trong tổng số 160 lao động trẻ em vào đầu năm 2020.

Tuy nhiên, khoảng cách giới đã thu hẹp một nửa khi thống kê tính tới trẻ đi làm giúp việc ít nhất 21 giờ/tuần.

Đáng quan ngại là số trẻ em trong độ tuổi từ 5-17 phải làm những công việc được cho là nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển, giáo dục và sức khỏe tăng mạnh như khai mỏ hoặc làm trong những ngành với máy móc, công cụ nặng. Nhiều trẻ làm hơn 43 giờ/tuần, đồng nghĩa với việc không thể tham gia học tập.

Cũng theo báo cáo, có tới 79 triệu trẻ đang làm những công việc nguy hiểm như vậy vào đầu năm 2020, tăng 6,5 triệu trẻ so với 4 năm trước đó. Hầu hết lao động trẻ em tập trung ở khu vực nông nghiệp, với 112 triệu trẻ em.

Khoảng 20% lao động trẻ em làm việc trong lĩnh vực dịch vụ và 10% số lao động trẻ em làm việc trong các ngành công nghiệp.

Do đó, ILO và UNICEF đã nêu bật sự cần thiết của việc thực thi hành động khẩn cấp nhằm hỗ trợ số gia đình đang lâm vào cảnh nghèo đói ngày một tăng. Nói như người đứng đầu ILO Guy Ryder: "Thống kê mới này thực sự là một lời cảnh tỉnh. Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn một thế hệ trẻ rơi vào cảnh rủi ro" và giờ là lúc đưa ra những cam kết và động lực mới nhằm phá vỡ vòng lẩn quẩn của đói nghèo và lao động trẻ em./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục