Lập kế hoạch chi tiết làm cơ sở cắt giảm vốn dự án chậm giải ngân

12:45' - 07/05/2025
BNEWS Vẫn còn tình trạng xây dựng kế hoạch chưa sát với nhu cầu thực tế và khả năng thực hiện, chưa thực sự chủ động thực hiện công tác rà soát, chuẩn bị phê duyệt nhiệm vụ, hoàn thiện thủ tục đầu tư...

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, đầu tư công đang được kỳ vọng là động lực tăng trưởng then chốt. Việc đẩy nhanh tiến độ không chỉ thúc đẩy phục hồi kinh tế mà còn giảm áp lực giải ngân dồn vào cuối năm, giúp các công trình sớm đi vào vận hành, phát huy hiệu quả. Một trong những giải pháp được Bộ Tài chính đề xuất đó là: yêu cầu các bộ, địa phương lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo tháng, quý để làm cơ sở để rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án chậm giải ngân…

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 4/2025 chỉ đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024. Có 10/47 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương đạt trên mức bình quân chung, song vẫn còn 9 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân và 15 bộ, 12 địa phương giải ngân rất thấp, dưới 5-10%.

 

Bộ Tài chính chỉ ra một số nguyên nhân chính gây chậm trễ như: một số địa phương có tiến độ giải ngân vượt mức bình quân cả nước, song vẫn còn nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân chậm hoặc chưa giải ngân do vướng mắc về cơ chế chính sách, kế hoạch vốn chưa sát thực tế, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm và thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.

Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường chưa có quy định cụ thể về định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn. Điều này gây khó khăn cho việc xác định tổng mức đầu tư và triển khai dự án không có cấu phần xây dựng. Luật Đất đai 2024 mới có hiệu lực nhưng chưa được hướng dẫn đồng bộ tại địa phương, dẫn đến chậm trễ giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, việc tổ chức bộ máy sau sáp nhập đơn vị hành chính chưa ổn định khiến nhiều dự án bị dừng hoặc điều chỉnh quy mô cũng là một vấn đề; đồng thời, yếu tố thị trường như: giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, nguồn cung hạn chế, thời tiết bất lợi và thu ngân sách địa phương không đạt dự toán cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư công.

Về chủ quan, vẫn còn tình trạng xây dựng kế hoạch chưa sát với nhu cầu thực tế và khả năng thực hiện, chưa thực sự chủ động thực hiện công tác rà soát, chuẩn bị phê duyệt nhiệm vụ, hoàn thiện thủ tục đầu tư ngay từ khâu lập dự toán, kế hoạch, dẫn đến chưa hoàn thành phân bổ hết kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao theo thời hạn quy định, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2025.

Đến cuối tháng 4, vẫn còn khoảng 27.861 tỷ đồng, tương đương 3,37% kế hoạch Thủ tướng giao. Việc điều chỉnh kế hoạch vốn kéo dài, chưa đáp ứng quy định cũng khiến một số bộ, ngành chưa thể tổ chức giải ngân.

Ngoài ra, nguồn thu ngân sách địa phương từ sử dụng đất chưa đạt kỳ vọng, gây khó khăn cho việc phân bổ và giải ngân. Cùng với đó là những hạn chế trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Việc phân bổ vốn chậm và năng lực quản lý hạn chế ở cấp địa phương tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, đặc biệt tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 

Để triển khai đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu trên 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ; trước hết là tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo tại các nghị quyết, công điện của Chính phủ, Thủ tướng về phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Cùng với đó, yêu cầu các bộ, địa phương lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo tháng, quý làm cơ sở để rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược.

Đồng thời, siết chặt giám sát các dự án lớn hoặc có kỹ thuật phức tạp; đẩy mạnh thu ngân sách địa phương từ đất đai để bảo đảm nguồn lực đầu tư; và tăng cường phân cấp, xác định rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện từng cấp.

Đối với các dự án ODA, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan chủ quản, chủ dự án bám sát tiến độ thực hiện dự án và tiến độ điều chỉnh dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân, chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng; phối hợp với Bộ Tài chính để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh.

Về các chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ cấp xã, kể cả cử cán bộ chuyên trách về tận nơi phối hợp thực hiện. Đối với dự án lớn, thi công gấp rút hoặc vùng khó khăn, cần siết chặt giám sát, chia sẻ trách nhiệm rõ ràng giữa các bên liên quan.

Bên cạnh đó, yêu cầu chủ đầu tư chủ động tạm ứng vốn sau khi ký hợp đồng để nhà thầu chuẩn bị vật tư, đẩy nhanh quá trình nghiệm thu và thanh toán; rà soát kế hoạch giải ngân theo quý, báo cáo tiến độ định kỳ để có cơ sở cắt giảm vốn từ dự án chậm, bổ sung cho dự án cấp bách, có khả năng hoàn thành sớm.

Cùng với đó, các địa phương chỉ đạo chủ đầu tư ngay sau khi ký hợp đồng, phối hợp với nhà thầu để triển khai các thủ tục tạm ứng theo quy định để các nhà thầu có vốn chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết, vật tư, vật liệu phục vụ công tác thi công thực hiện dự án; đồng thời, đẩy nhanh quá trình nghiệm thu và hoàn thiện hồ sơ thanh toán ngay sau khi có khối lượng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo đến hết thời hạn thanh toán theo quy định.

Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ giao là 825.900 tỷ đồng. Đến thời điểm báo cáo, các địa phương đã bổ sung thêm khoảng 71.700 tỷ đồng, nâng tổng số kế hoạch vốn phân bổ chi tiết lên 869.750 tỷ đồng.

Nếu không tính phần bổ sung, tổng vốn đã phân bổ là 798.060 tỷ đồng, đạt 96,63% kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn 27.860 tỷ đồng kế hoạch vốn chưa được phân bổ chi tiết, thuộc về 19 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương, chiếm 3,37% kế hoạch vốn được giao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục