Xử lý tận gốc điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công

16:38' - 08/04/2025
BNEWS Gia Lai đang đồng bộ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt xử lý tận gốc các điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.
Mặc dù, đã chủ động phân bổ nguồn vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, song tỷ lệ giải ngân của Gia Lai mới chỉ đạt hơn 10% kế hoạch. Nhiều vướng mắc vẫn tồn đọng, đặc biệt trong khâu giải phóng mặt bằng và bố trí vốn. Nhận diện rõ những vướng mắc này, tỉnh Gia Lai đang đồng bộ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt xử lý tận gốc các điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và biến đầu tư công trở thành động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.

* Nhiều vướng mắc kéo dài

Tỉnh Gia Lai được giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển hơn 4.300 tỷ đồng, bao gồm định mức vốn năm 2025 và vốn của năm 2024 chuyển sang; trong đó, ngân sách địa phương hơn 2.600 tỷ đồng, còn lại ngân sách Trung ương gần 1.900 tỷ đồng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, đến nay vẫn còn 12 huyện, thị xã chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công được giao, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt hơn 10% kế hoạch, tương đương với 435 tỷ đồng – một con số khá thấp so với yêu cầu đặt ra.

Ông Rah Lan Chung, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Quá trình chuyển giao hồ sơ, thủ tục pháp lý giữa các chủ đầu tư cũ và mới theo chủ trương tinh gọn bộ máy mất nhiều thời gian, làm gián đoạn tiến độ thi công. Mặt khác, một số công trình phải điều chỉnh kế hoạch, cắt giảm quy mô, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, thiếu nguồn vật liệu xây dựng, chậm trễ trong phê duyệt bồi thường và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương... là những điểm nghẽn nổi cộm.

Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh Gia Lai đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Mục tiêu đặt ra là giải ngân phải đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao, đúng với tinh thần “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư xã hội, kích hoạt mọi nguồn lực phát triển”.

Theo đó, tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác đặc biệt do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc các dự án trọng điểm. Cùng với đó, yêu cầu các địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là tại thành phố Pleiku, huyện Đăk Đoa và Chư Păh, hoàn tất bàn giao trong quý II/2025.

Ngoài ra, để khắc phục các vướng mắc về thủ tục, việc điều chỉnh Quyết định 57/2024/QĐ-UBND cũng đang được thực hiện nhằm quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong xác định chi phí bồi thường cây trồng, vật nuôi, một vấn đề đang gây ách tắc trong nhiều dự án. Sở Tài chính được giao nhiệm vụ rà soát, cân đối và linh hoạt bố trí vốn từ các nguồn hợp pháp khác để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án.

Cùng với đó, các chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, giám sát công trình; nhà thầu được yêu cầu thi công liên tục “3 ca, 4 kíp” tại những vị trí thuận lợi để bù đắp phần thời gian chậm trễ do vướng mắc trước đó. Đặc biệt, tỉnh Gia Lai khẳng định sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân chậm trễ, né tránh trách nhiệm hoặc cố tình gây khó khăn trong triển khai và giải ngân vốn. Tinh thần “nói đi đôi với làm”, “làm đến cùng” đang được lan tỏa xuống từng địa phương, từng đơn vị cơ sở.

* Giúp các dự án trọng điểm bứt tốc về đích

Minh chứng cụ thể cho quyết tâm này là Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông – công trình giao thông huyết mạch dài hơn 15 km, đi qua thành phố Pleiku và 2 huyện Đăk Đoa, Chư Păh có vốn đầu tư 1.325 tỷ đồng. Dự án đóng vai trò chiến lược trong liên kết vùng và phát triển hành lang kinh tế phía Đông của tỉnh. Tính đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt 85% và giá trị xây lắp đã thực hiện hơn 46%. Các hạng mục quan trọng như cống thoát nước, nền đường, móng đá dăm... đang được thi công hoàn tất.

Mặc dù, còn một số khó khăn về mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng, đất san lấp và chưa được cấp đủ 425 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, song theo Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai Phạm Xuân Điệp, phần lớn khó khăn hiện nay đã cơ bản được tháo gỡ. Hiện tại, Ban đã giải ngân được khoảng 12% trên tổng số vốn được giao, tập trung vào các công trình trọng điểm. Các nhà thầu tại dự án Đường hành lang kinh tế phía Đông đang tăng tốc thi công, phấn đấu hoàn thành và dự kiến thông xe kỹ thuật vào tháng 8/2025.

Tại huyện Chư Păh, nguồn vốn bố trí theo kế hoạch năm 2025 là gần 117 tỷ đồng, cùng với gần 55 tỷ đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có hơn 3 tỷ đồng (2,64% kế hoạch) được giải ngân. Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, tình hình giải ngân cũng trong tình trạng tương tự. Theo Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Păh, giai đoạn 2024 - 2025, đơn vị đã triển khai 18 công trình, với mức đầu tư hơn 262 tỷ đồng. Trong số đó, có 11 công trình xây mới năm 2025, 5 công trình chuyển tiếp của năm 2024 và 2 công trình đã hoàn thành trong năm 2024.

Ông Đặng Thái Huy, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Păh cho biết: Hầu hết các công trình đang triển khai hiện tại chủ yếu là những công trình chuyển tiếp từ năm 2024, các công trình khởi công mới đang chậm do quá trình phê duyệt, lựa chọn nhà thầu. Đến thời điểm này, đơn vị đã giải ngân khoảng 3 tỷ đồng, chiếm 5,2% so với kế hoạch vốn giao. Mặc dù vậy, địa phương vẫn đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các công trình chuyển tiếp.

Ghi nhận tại Dự án Hồ thị trấn Phú Hoà, một trong những công trình trọng điểm của huyện Chư Păh được khởi công vào cuối năm 2023 và dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Công trình có mức đầu tư gần 90 tỷ đồng đang được thi công khẩn trương, cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, bảo đảm tiến độ đề ra. “Chúng tôi tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm khắc phục những khó khăn trong triển khai các dự án xây dựng. Đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và bám sát chỉ đạo của tỉnh, huyện để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.”, Giám đốc Ban Quản lý các Dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Păh Đặng Thái Huy khẳng định.

Những vướng mắc trong giải ngân đầu tư công là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, đổi mới và quyết tâm cao, tỉnh Gia Lai đang từng bước tháo gỡ các "điểm nghẽn" ở từng dự án và địa phương. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ có những chuyển biến tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hiệu quả nguồn "vốn mồi" trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục