Lập tổ giám định sửa chữa cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

14:55' - 12/03/2021
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải dự kiến thành lập tổ giám định xây dựng về nguyên nhân hư hỏng một số bộ phận công trình tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan yêu cầu thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình về việc lập phương án sửa chữa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. 

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện đề nghị của Bộ Công an về lập dự án sửa chữa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để có cơ sở xác định giá trị thiệt hại.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến thành lập tổ giám định xây dựng về nguyên nhân hư hỏng một số bộ phận công trình tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tổ giám định xây dựng có trách nhiệm thực hiện công tác giám định xây dựng theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, xác định nguyên nhân hư hỏng làm cơ sở lập phương án sửa chữa các bộ phận công trình hư hỏng tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Vụ Khoa học Công nghệ và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải cử cán bộ tham gia tổ giám định xây dựng nêu trên. Riêng Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phải cử lãnh đạo tham gia Tổ giám định xây dựng.

Để phục vụ công tác xác định nguyên nhân hư hỏng một số bộ phận công trình của tổ giám định xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu VEC tổ chức lựa chọn một đơn vị tư vấn độc lập thực hiện công tác kiểm định làm cơ sở xác định nguyên nhân hư hỏng một số bộ phận công trình. Chi phí tư vấn kiểm định được xác định bằng cách lập dự toán theo các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các quy định khác có liên quan phù hợp với khối lượng công việc của đề cương kiểm định. Đề cương và dự toán kiểm định do chủ đầu tư phê duyệt sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Giao thông Vận tải.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được khởi công từ năm 2013, đi qua địa phận các tỉnh, thành phố gồm: thành phố Đà Nẵng (7,9 km), tỉnh Quảng Nam (91,2 km) và tỉnh Quảng Ngãi (40,1 km).

Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 139,204 km; trong đó, tuyến cao tốc có chiều dài 131,5km, đoạn nối tuyến cao tốc với Quốc lộ 1A có chiều dài 7,7km. Dự án được chia thành 13 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư là 34.516 tỷ đồng (tương đương 1.640,82 triệu USD).

Theo đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 798,56 triệu USD (tương đương 16.799 tỷ đồng), vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 590,39 triệu USD (tương đương 12.419 tỷ đồng); công đoạn giải phóng mặt bằng, di dời công trình công cộng, rà phá bom mìn, chi phí quản lý dự án… sử dụng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 5.298 tỷ đồng.

Ngày 2/8/2017, đoạn tuyến hợp phần JICA tài trợ (Km0+000 – Km65+000) tư Đà Nẵng – Tam Kỳ với độ dài 63 km đã được thông xe và đưa vào khai thác. Ngày  2/9/2018, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (Km0+000 – Km139+204) với độ dài toàn tuyến gần 140 km.

Tuy nhiên, sau thời gian đưa vào khai thác dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã xuất hiện hư hỏng tại một số gói thầu.

Cụ thể theo Báo cáo số 679 BC-BCA-C03, ngày 28/7/2020 của Bộ Công an về kết quả điều tra vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VEC.

Kết quả điều tra đến nay đã có đủ căn cứ xác định quá trình tổ chức thi công, quản lý giám sát thi công, nghiệm thu hạng mục, nghiệm thu công trình đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng công trình, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án đã được phê duyệt.

Từ đó, dẫn đến công trình xây dựng hoàn thành không đảm bảo chất lượng, gây hư hỏng khi vận hành khai thác, xảy ra tình trạng ổ gà, hằn lún vệt bánh xe, rạn nứt, mặt đường không bằng phẳng êm thuận ở nhiều vị trí trên toàn tuyến đường (nhà thầu và chủ đầu tư đã phải sửa chữa, dự kiến sửa chữa, khắc phục tại 291 vị trí , với tổng diện tích là 1.663,16m2).

Ngày 27/6/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 43/C03-P13 về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Tổng Công ty VEC và các đơn vị liên quan, theo Điều 298 - Bộ luật Hình sự.

Hiện Bộ Công an đang chỉ đạo Cơ quan điều tra phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giám định tư pháp về chất lượng công trình xây dựng đối với các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án (dài 74,2km từ thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đến tỉnh Quảng Ngãi) được đưa vào khai thác sử dụng năm 2018, cũng đã xảy ra rất nhiều điểm hư hỏng, để điều tra mở rộng, xử lý triệt để các đối tượng có liên quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục