Lấy ý kiến dự thảo đề nghị sửa đổi Luật Hợp tác xã

15:02' - 20/09/2021
BNEWS Từ năm 1990 đến nay, Luật Doanh nghiệp đã sửa đổi, bổ sung 7 lần nhưng Luật Hợp tác xã mới sửa đổi, bổ sung 3 lần cho thấy, môi trường pháp lý còn chậm, gò bó khiến các hợp tác xã khó phát triển.

Mặc dù kể từ khi ban hành Luật Hợp tác xã năm 2012, các hợp tác xã đã từng bước chuyển đổi để hoạt động theo nguyên tắc và hiệu quả. Thế nhưng, trong quá trình áp dụng vào thực tiễn, Luật Hợp tác xã năm 2012 cũng bộc lộ không ít những bất cập khiến các hợp tác xã không thể phát huy hết tiềm năng.
Chính vì vậy, để tạo hành lang pháp lý cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã năm 2012 sửa đổi.

Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đến thời điểm này vẫn còn 615 hợp tác xã chưa đăng ký và tổ chức lại theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và pháp luật liên quan. Không những thế, nhiều hợp tác xã tuy đã ngừng hoạt động, nhưng chưa giải thể hoặc phá sản theo quy định do thủ tục giải thể phức tạp.

Quy định tại Điều 54 Luật Hợp tác xã năm 2012 nêu rõ, ngoài các thủ tục liên quan, trong vòng 60 ngày kể từ ngày Đại hội thành viên ra nghị quyết về việc giải thể tự nguyện, Hội đồng quản trị hợp tác xã phải thông báo về việc giải thể tự nguyện tới cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; đăng thông báo về việc hợp tác xã giải thể trên báo địa phương nơi hợp tác xã hoạt động trong 3 số liên tiếp.

Tuy nhiên, những quy định này rất phức tạp nên rất ít hợp tác xã đáp ứng được. Do đó, điều này lý giải vì sao nhiều hợp tác xã đã giải thể nhưng tra cứu thông tin trên mạng vẫn còn hoạt động.
Hơn nữa, việc Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định chặt chẽ đối với tổ chức và hoạt động kinh doanh của hợp tác xã, nhất là quy định về tỷ lệ góp vốn tối đa của thành viên, hạn chế tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho khách hàng không phải thành viên đã gây trở ngại cho các hợp tác xã trong quá trình hoạt động và phát triển.
Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu kinh doanh và phát triển, các hợp tác xã phải huy động từ nhiều nguồn, nhưng hầu hết đều không thể vay vốn tín dụng, không đảm bảo được các điều kiện tín dụng về tài sản thế chấp; phương án kinh doanh.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng chỉ ra rằng, hiện nay có khoảng 4,35% hợp tác xã tổ chức hoạt động tín dụng nội bộ, cho thành viên vay vốn chủ yếu theo hình thức tín chấp.
Nguyên nhân của tình trạng này là do kiểm toán tại hợp tác xã chưa được hướng dẫn thực hiện; chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho hợp tác xã phân tán, lồng ghép và thiếu nguồn lực thực hiện.

 


Ngoài ra, một số bộ, ngành ban hành hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, cơ chế, chính sách còn chậm, chưa sát thực tế. Bên cạnh đó, tiêu chí và thủ tục hành chính phức tạp, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát và điều chỉnh cơ chế thi hành Luật Hợp tác xã một cách phù hợp.
Ông Nguyễn Hùng Tiến, Trưởng Ban Kinh tế đầu tư (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) cho biết, từ năm 1990 đến nay, Luật Doanh nghiệp đã sửa đổi, bổ sung 7 lần nhưng Luật Hợp tác xã mới sửa đổi, bổ sung 3 lần. Điều này cho thấy, môi trường pháp lý cho kinh tế tập thể còn chậm, gò bó khiến các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp khó phát triển.
Hơn nữa, đây là thời kỳ hội nhập, cạnh tranh ngày càng lớn nhưng lại mở về công nghệ, vốn đầu tư nên việc sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012 là vô cùng cần thiết, giúp hợp tác xã thích ứng với những tiến bộ của công nghệ số.
Theo ông Nguyễn Công Bằng, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam), việc nâng mức góp vốn trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã 2012 là đúng nhưng nên để ở mức 50% mới bảo đảm được bản chất của mô hình hợp tác xã. Ngoài ra, thành viên nào có nhiều vốn vẫn có thể cho hợp tác xã vay theo hình thức huy động vốn.
Nhận định về vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Lê Văn Nghị cho rằng, sau 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, tình hình kinh tế xã hội có rất nhiều thay đổi, nhất là khi dịch COVID-19 đang diễn ra cho thấy, việc liên kết, hợp tác với sự tham gia của hợp tác xã là vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã sẽ giúp hợp tác xã phát triển các chuỗi giá trị, nhất là tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó thúc đẩy kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, văn bản Dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật năm Hợp tác xã của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 8 mục tiêu nhưng cần bổ sung 3 mục tiêu là: sửa luật để phát triển kinh tế tập thể, để thành lập được nhiều hợp tác xã; đảm bảo cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển nhanh, hiệu quả; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc nội (GDP) và bảo đảm an sinh xã hội.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012, theo Phó Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, nên giữ nguyên tên gọi “Luật Hợp tác xã” nhưng cần mở rộng đối tượng tham gia.

Đặc biệt, doanh nghiệp, tổ hợp tác và các tổ chức khác có thể tham gia thành viên hợp tác xã vì góp phần thúc đẩy được kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển.
Riêng về chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã, giảm thời gian quy định thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã nên để hợp tác xã tự quy định tại điều lệ hợp tác xã, phù hợp với tình hình, điều kiện kinh doanh của hợp tác xã.
Ngoài ra, tín dụng nội bộ hợp tác xã đã được hình thành nhưng chưa được công nhận. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động tín dụng nội bộ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo Thông tư số 15/VBHN-NHNN ngày 21/5/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hướng dẫn về tín dụng nội bộ hợp tác xã (Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 26/11/2003).
Đáng lưu ý, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012 có một chương về kiểm toán là một điểm mới, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, giúp hợp tác xã tiếp cận với ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó xóa bỏ những hợp tác xã tồn tại hình thức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục