Lấy ý kiến về quy định thế nào là hàng hóa "Made in Vietnam"

22:02' - 04/09/2019
BNEWS Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi về việc xây dựng một Thông tư quy định một sản phẩm như thế nào thì được dán nhãn xuất xứ tại Việt Nam.
Trong ảnh: Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN 

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, diễn ra vào chiều 4/9, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tiếp tục trả lời báo chí liên quan đến nhiều vụ việc được dư luận quan tâm trong thời gian qua. 

* Lấy ý kiến về quy định thế nào là hàng hóa "Made in Vietnam"

Tại họp báo, phóng viên đã đặt một loạt câu hỏi liên quan đến vụ Asanzo. Trả lời các câu hỏi này, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, ngay sau khi báo chí nêu về vụ việc của Asanzo gán nhãn xuất xứ hàng hóa, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ Tài chính xác minh thông tin báo chí nêu.

Ngay hôm sau, Bộ Tài chính đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ, phối hợp với Ban chỉ đạo 389 quốc gia tiến hành xác minh thông tin báo chí nêu.

Đến nay, các đơn vị này đã thực hiện đầy đủ các nội dung cần xác minh theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Về câu hỏi: "Thời hạn công bố kết quả xác minh Asanzo là ngày 30/8 nhưng đến nay Bộ Tài chính, Bộ Công thương vẫn chưa công bố, vậy liệu thời hạn công bố kết quả xác minh có tiếp tục được gia hạn hay không?", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ban chỉ đạo 389 để thực hiện đúng chức trách được giao trong việc xác minh việc gán nhãn xuất xứ hàng hóa của Asanzo.

Về thời hạn ban hành thông tư quy định về thế nào là hàng hóa "Made in Vietnam", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43 quy định về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Nghị định vẫn còn thiếu 1 số quy định đối với hàng sản xuất tại Việt Nam tiêu thụ trong thị trường nội địa.

Do đó, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Chính phủ về việc xây dựng một Thông tư quy định một sản phẩm như thế nào thì được dán nhãn xuất xứ tại Việt Nam. Dự thảo này được đăng rộng rãi để lấy ý kiến, Bộ Công Thương đã họp để lấy ý kiến.

"Do đối tượng áp dụng của Thông tư rất rộng, ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp...

Bộ Công Thương sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp, để ban hành thông tư trong thời gian sớm nhất.

Thông tư ra đời sẽ đảm bảo có quy định rõ ràng cho hàng sản xuất tại Việt Nam, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng" - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

*Xem xét trách nhiệm trong vụ nhiều xe biển xanh đi ăn cưới ở Sóc Trăng

Trả lời vụ việc Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào tổ chức đám cưới hoành tráng cho con trai, có nhiều xe biển xanh đến dự, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2019, Bộ Nội vụ đã trao đổi với báo chí về việc này.

Tinh thần là thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là Chỉ thị 13 của Thủ tướng về việc tăng cường, quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, trong đó có xe công.

Ngay sau cuộc họp báo Chính phủ đó, ngày 2/8, Bộ Nội vụ có văn bản gửi UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu báo cáo về vụ việc.

“Nhưng đến thời điểm này, Bộ Nội vụ chưa nhận được báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng”, ông Thăng khẳng định, dù trước đó lãnh đạo Sóc Trăng cho biết đã gửi báo cáo về vụ việc cho Bộ Nội vụ.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết thêm, vừa rồi báo chí dẫn ý kiến Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Sóc Trăng nói Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã xem xét kỷ luật và chỉ rút kinh nghiệm với những cán bộ dùng xe biển xanh đi dự đám cưới.

Nhưng theo quan điểm của Bộ Nội vụ, ông Thăng nhấn mạnh khi nhận được báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, theo thẩm quyền quản lý cán bộ thì bà Hồ Thị Cẩm Đào là Trưởng ban Dân vận của tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nên Bộ Nội vụ sẽ có trách nhiệm phối hợp trao đổi với Ban Dân vận Trung ương và các cơ quan Đảng, Ban Công tác đại biểu của Quốc hội để xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo đúng quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương cũng như việc sử dụng tài sản công.

* Bộ Giao thông vận tải nói về nguyên nhân xuống cấp đường băng sân bay Nội Bài

Trả lời về việc đường băng sân bay Nội Bài xuống cấp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trước đây khi chưa cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), từ ngày 1/4/2016 về trước công tác quản lý khai thác do trách nhiệm ACV.

Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, do vấn đề an ninh sân bay, đường băng, khu bay thuộc tài sản Nhà nước nên Nhà nước phải cải tạo nâng cấp.

Khi lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, kinh phí hạn hẹp nên việc này không nằm trong kế hoạch bố trí vốn cải tạo.

"Tháng 7/2019 đã trình Chính phủ kiến nghị giao cho ACV tài sản khu bay giai đoạn 2020-2025 và nghiên cứu cơ chế giao lâu dài sân bay, trong trường hợp này là dùng nhiều nguồn vốn nhà nước, khai thác khu bay, vốn huy động...

Tuy nhiên, đề án chưa được phê duyệt. Hiện ACV vẫn đang được giao quản lý khai thác nên ACV phải sửa chữa hư hỏng đó" - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục