Lên rừng hay xuống biển hậu COVID–19, bạn chọn hình thức du lịch nào?

15:44' - 17/01/2022
BNEWS Những điểm đến mới sở hữu hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, khung cảnh nguyên sơ, yên bình … được dự báo sẽ trở thành những điểm đến hút khách sau dịch.

Đầu 2021, gia đình anh Thành Trung (Hà Nội) có chuyến đi thăm thú Tây Nguyên thay vì ghé thăm một thành phố biển miền Trung như kế hoạch ban đầu.

“Vào thời điểm đó, chúng tôi muốn tránh các khu vực quá đông đúc và đã đi nhiều. Sau khi xem xét, cả gia đình quyết định du lịch tại một số tỉnh Tây Nguyên vì đây là khu vực mới, chưa có nhiều du khách. Và cũng là nơi chúng tôi cũng chưa từng ghé thăm bao giờ, trừ Đà Lạt”, anh Trung cho hay.

Chuyến đi thành công mỹ mãn khi cả gia đình được chứng kiến vẻ đẹp kỳ vĩ, khó quên của Chư Đăng Ya - núi lửa xanh mát một màu; chùa Minh Thành – khung cảnh Nhật Bản thu nhỏ tại Gia Lai; hồ Tà Đùng – vịnh Hạ Long thu nhỏ như một tuyệt tác giữa núi rừng Đắk Nông hay xem múa cồng chiêng, uống rượu cần, thưởng thức gà nướng cơm lam “ngon quên lối về”... trên một ốc đảo xanh mướt giữa hồ Lak rộng lớn tại Đắk Lắk.

Dự kiến ngay sau khi dịch được kiểm soát, gia đình 5 thành viên này sẽ tiếp tục quay lại Tây Nguyên để thăm thú thêm những địa danh mà họ chưa kịp khám phá hết trong chuyến đi trước đó.

Về với thiên nhiên

Theo các chuyên gia, nhu cầu du lịch tại các điểm đến mới như gia đình anh Trung dự kiến sẽ trở thành một xu hướng lớn sau đại dịch.

Outbox Consulting cho biết, du lịch năm 2022 sẽ có những thay đổi và nhu cầu tìm về những điểm đến hoang sơ, không đông đúc sẽ cao hơn khi tâm lý an toàn vẫn chi phối rất nhiều đến quyết định lựa chọn của du khách.

Kết quả khảo sát của Airbnb trên toàn cầu cũng cho thấy, nếu như thời điểm trước dịch năm 2019, điểm đến trong mơ" của du khách là các thành phố lớn, sôi động tại các trung tâm du lịch hàng đầu thì hiện nay, du khách có xu hướng chọn những nơi ít phổ biến và vắng vẻ.

Xu hướng này có khả năng mang đến sự trỗi dậy cho những vùng đất mới, đặc biệt là những điểm đến có bầu không khí trong lành, hệ sinh thái tự nhiên rộng lớn chưa được khai phá.

Tại Việt Nam, Tây Nguyên hoàn toàn phù hợp với những điều kiện này khi sở hữu địa hình cao nguyên liền kề có độ cao từ 500 – 1500m, với những rặng núi hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn và khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, được ví như “vùng tiểu ôn đới trong lòng nhiệt đới”.

Khơi dậy tiềm năng đại ngàn

Theo thống kê đến năm 2020, Tây Nguyên là một trong những khu vực có trữ lượng rừng giàu bậc nhất với tổng diện tích có rừng ước tính đạt hơn 2,5 triệu hecta, chiếm gần 18% tổng diện tích rừng cả nước.

Miền đất huyền thoại này sở hữu kho tàng tài nguyên trù phú với cảnh quan thiên nhiên vẫn còn giữ nét nguyên sơ như thủa ban đầu, với Không gian văn hóa cồng chiêng trải dài trên các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Tiềm năng vốn có của mỗi địa phương đều có thể khai thác để trở thành sản phẩm du lịch đầy hấp dẫn.

Đặc biệt, ở cửa ngõ phía Bắc Tây Nguyên, Gia Lai với ưu thế diện tích tự nhiên lớn nhất khu vực là nơi hội tụ hệ sinh thái đa dạng và đặc trưng của đại ngàn: Đó là khung cảnh thiên nhiên kỳ thú đến từ hệ thống thác nước Phú Cường, thác Lồ Ồ, thác Chín Tầng, sông Sê San ví như một “miền Tây thu nhỏ” trên cao nguyên… Là vẻ đẹp yên bình và thơ mộng của những rừng thông, đồi cỏ hồng Đăk Đoa, Biển Hồ Pleiku nằm giữa lưng chừng núi. Là sự trù phú của những cánh rừng nguyên sinh Kon Ka Kinh và Kon Ja Răng…

Lợi thế lớn về tài nguyên và giá trị văn hóa, nhân văn phong phú là điều kiện thuận lợi để Gia Lai khai thác và phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hình thành nên những điểm đến mới đón đầu xu hướng của du khách sau dịch.

Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng du lịch của địa phương những năm qua lại chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Năm 2019, Gia Lai đón 845.000 lượt khách, doanh thu từ khách du lịch đạt 510 tỷ đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 94 cơ sở lưu trú, trong đó chủ yếu là khách sạn quy mô 1 - 4 sao, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao hầu như vắng bóng.

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, Gia Lai đang thực hiện nhiều giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư vào hạ tầng du lịch, để đến năm 2025 có ít nhất 02 khách sạn đạt chuẩn 04 – 05 sao và 03 – 05 dự án du lịch, khu vui chơi giải trí đi vào hoạt động, phục vụ 1,7 triệu lượt khách với tốc độ tăng trưởng bình quân 16,8%.

Dự báo du lịch sẽ là lĩnh vực đầu tiên bùng nổ trở lại ngay khi dịch được kiểm soát. Điều này đang mở ra cơ hội lớn cho những vùng đất giàu tiềm năng chưa khai phá như Gia Lai trỗi dậy trở thành điểm đến mới trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Nhưng khi du khách ngày càng muốn được tận hưởng một kỳ nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm chất lượng cao thì cảnh quan đẹp thôi chưa đủ, điều làm nên sức hút của một vùng đất còn được thúc đẩy từ chính nhu cầu đa dạng của du khách được đáp ứng trên một điểm đến.

Đây chính là bài toán đòi hỏi Gia Lai cần chú trọng phát triển các cơ sở lưu trú phù hợp cũng như các loại hình hoạt động đa trải nghiệm bắt kịp xu thế du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục