LHQ kêu gọi thông qua hiệp ước toàn cầu về vấn đề người di cư

08:25' - 10/05/2016
BNEWS Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon kêu gọi các quốc gia thông qua một hiệp ước chia sẻ trách nhiệm trên toàn cầu nhằm cùng chung tay góp sức đảm bảo quyền con người cho mọi người tị nạn.
LHQ kêu gọi thông qua hiệp ước toàn cầu về vấn đề người di cư. Ảnh: reuters

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực dũng cảm, song cộng đồng quốc tế vẫn chưa phản ứng được một cách thỏa đáng trước làn sóng người di cư và người tị nạn ồ ạt, dẫn đến hậu quả là tình trạng này sẽ còn tiếp diễn hoặc thậm chí có thể còn trầm trọng hơn do những vấn đề như xung đột, nghèo đói và thiên tai.

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đưa ra nhận định này trong một báo cáo mới, trong đó ông cũng kêu gọi các quốc gia thông qua một hiệp ước chia sẻ trách nhiệm trên toàn cầu nhằm cùng chung tay góp sức đảm bảo quyền con người, sự toàn và phẩm giá cho mọi người tị nạn và người nhập cư.

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, trong báo trước Đại hội đồng LHQ, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh các quốc gia thành viên LHQ cần phải giải quyết những vấn đề gốc rễ của hiện tượng di dân ồ ạt, bảo vệ người di cư đang mắc kẹt tại các vùng biên giới, ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử đối với người di cư đồng thời tạo điều kiện để họ hòa nhập với cộng đồng mới.

Ông cũng kêu gọi từng quốc gia xem xét đề ra một khuôn khổ hợp tác quốc tế cho vấn đề người di cư, dưới hình thức một hiệp định toàn cầu nhằm đảm bảo sự an toàn và tính trật tự cho các cuộc di cư, đồng thời tổ chức một hội nghị liên chính phủ về vấn đề di cư quốc tế vào năm 2018 để thông qua hiệp định này.

Báo cáo của Tổng thư ký cho biết hội nghị cấp cao của Đại hội đồng LHQ thảo luận về tình trạng di cư và tị nạn ồ ạt, sẽ được tổ chức vào ngày 19/9 năm nay, sẽ là "cơ hội đặc biệt" để các nhà lãnh đạo thế giới củng cố và thực thi những khuôn khổ hiện có, cũng như nhất trí những cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề này.

Theo người đứng đầu LHQ, hơn 60 triệu người, một nửa là trẻ em, đã phải trốn chạy các cuộc xung đột bạo lực và hiện phải sống trong cảnh tị nạn không nhà cửa.

Ngoài ra, khoảng 225 triệu người di cư, đã rời bỏ quê hương ra đi để tìm kiếm những cơ hội sống tốt hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục