EC đề xuất cải cách quy định về tiếp nhận người di cư

21:05' - 05/05/2016
BNEWS Sau hai năm tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 4/5 đã trình Dự thảo cải cách quy định về tiếp nhận người di cư lên Liên minh châu Âu (EU).
EC đề xuất cải cách quy định về tiếp nhận người di cư. Ảnh minh họa: TTXVN
Nhật báo Ilsole24ore của Italy đưa tin điểm nổi bật của Dự thảo là quy định mỗi quốc gia không chấp nhận tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch được phân bổ sẽ phải "chịu phạt" 250.000 euro cho mỗi trường hợp. Dự thảo cũng đề ra quy định đối với cơ chế di dời người tị nạn được áp dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đề xuất này được cho là ít tham vọng hơn so với đề xuất của một số quốc gia như Italy, Đức, nhưng có thể sẽ gây tranh cãi tại nhiều quốc gia. 

EC đưa ra Dự thảo cải cách nói trên nhằm tăng cường tính đoàn kết trong EU, tạo ra sự công bằng hơn giữa các quốc gia và nâng cao hiệu quả trong giải quyết vấn đề người di cư đổ về "Lục địa Già". 

Quy định về cơ chế tiếp nhận người tị nạn hiện nay của EU đang thực hiện dựa trên Hiệp ước Dublin có hiệu lực từ năm 1997. Dự thảo đề xuất tiếp tục áp dụng một số quy định trong hiệp ước này trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, trong trường hợp một quốc gia có số người di cư vượt quá 150% hạn ngạch tiếp nhận được phân bổ (hạn ngạch phân bổ dựa trên sự thịnh vượng và dân số của từng quốc gia), EC sẽ xem xét áp dụng một số quy định mới. 

Theo Hiệp ước Dublin, các quốc gia mà người di cư đặt chân tới đầu tiên sẽ phải có trách nhiệm xem xét đơn xin tị nạn của họ, song điều này lại gây ra nhiều khó khăn cho các quốc gia được coi là “cửa ngõ” để vào châu Âu của người di cư như Italy, Hy Lạp. 

Sau khi tuyến đường di cư Balkan trên bộ đóng cửa, dòng người di cư đã chọn tuyến đường biển qua Địa Trung Hải để tìm cách vào châu Âu. Phần lớn trong đó khởi hành từ Libya do bờ biển nước này chỉ cách Italy khoảng 300 km. Theo thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), số người di cư đến châu Âu qua Italy trong năm nay dự kiến ít nhất là 100.000 người, nâng tổng số người di cư vào Italy từ Libya kể từ năm 2014 có thể lên tới hơn 400.000 người./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục