LHQ lạc quan về triển vọng kinh tế châu Phi trong năm 2016

21:18' - 27/01/2016
BNEWS Báo cáo vừa được công bố ngày 26/1 của Liên hợp quốc (LHQ) dự báo kinh tế châu Phi có thể đạt nhịp độ tăng trưởng 4,4% trong năm 2016, tăng so với mức tăng 3,7% của năm 2015.
LHQ lạc quan về triển vọng kinh tế châu Phi trong năm 2016.Ảnh: cio.co.ke

Theo báo cáo trên, nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng, cùng với môi trường kinh doanh cải thiện và đầu tư công gia tăng, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đã giúp nền kinh tế “lục địa Đen” khởi sắc.

LHQ cho biết, tình hình kinh tế châu Phi trong năm nay sẽ phụ thuộc nhiều vào sự cải tiến trong các chính sách kinh tế vĩ mô, khả năng hoạt động của lĩnh vực dịch vụ và mức độ gắn kết với các nền kinh tế mới nổi trong thương mại và đầu tư. Những yếu tố đó dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế khu vực này trong năm 2017.

Phát biểu tại cuộc họp báo tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia sau khi báo cáo trên được công bố, Giám đốc điều hành bộ phận chính sách kinh tê vĩ mô thuộc Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế châu Phi (UNECA), Adam Elhiraik đánh giá lạc quan về khả năng quản lý kinh tế của các quốc gia châu Phi trong thời gian tới.

Theo báo cáo trên, dự kiến kinh tế Đông Phi trong năm 2016 sẽ tăng 6,8%, so với mức tăng 6,2% năm 2015. Trong khi kinh tế Tây Phi trong năm 2016 và 2017 ước đạt các mức tăng lần lượt 5,2% và 5,3%, nhờ sự “lột xác” của kinh tế Nigeria, với sự tăng trưởng ấn tượng của các lĩnh vực phi dầu mỏ.

Còn khu vực Trung Phi được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 4,3% trong năm nay, so với mức tương ứng của năm ngoái là 3,4%. Báo cáo của LHQ cũng nhận định tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Nam Phi và Bắc Phi trong năm 2016 và 2017.

Tuy nhiên, sự bất ổn chính trị tại South Sudan và Burundi, cũng như những đe dọa khủng bố tại Kenya và Somalia, tiếp tục tạo sức ép lên đà tăng trưởng của một số nước châu Phi. Ngoài ra, báo cáo trên cũng cảnh báo rằng kinh tế châu Phi nói chung sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều nguy cơ và bất ổn trong tương lai, trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu còn ảm đạm, giá hàng hóa có xu hướng ngày càng hạ thấp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục