Châu Phi: Các doanh nghiệp nội địa dần chiếm lĩnh thị trường

07:30' - 14/11/2015
BNEWS Với đà tăng trưởng kinh tế cao và dân số tăng nhanh, khu vực Nam sa mạc Sahara (châu Phi) là một nơi thu hút nhiều đầu tư của các tập đoàn và doanh nghiệp đa quốc gia.
Ảnh minh họa. Nguồn: yolproject

Theo một nghiên cứu của tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) công bố ngày 10/11, với đà tăng trưởng kinh tế cao và dân số tăng nhanh, khu vực Nam sa mạc Sahara (châu Phi) là một nơi thu hút nhiều đầu tư của các tập đoàn và doanh nghiệp đa quốc gia. Tuy nhiên, hiện các tập đoàn này đang vấp phải sự cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp nội địa.

Theo nghiên cứu trên, tại các nền kinh tế phát triển nhất của "lục địa Đen", doanh thu trong rất nhiều ngành của các tập đoàn lớn đã tăng lên trong giai đoạn 2009-2013, nhưng thị phần của họ đã giảm xuống.

Ông Patrick Dupoux, tác giả của nghiên cứu trên, cho biết tại châu Phi, một số thị trường có mức tăng trưởng rất cao trong 10 năm qua, và các doanh nghiệp nội địa đã được hưởng lợi một phần từ sự tăng trưởng này.

Một ví dụ đó là sản xuất xi măng tại Kenya, doanh thu của các tập đoàn đa quốc gia đã tăng từ 287 triệu USD năm 2009 lên 397 triệu USD năm 2013 nhưng thị phần lại giảm từ 55% xuống còn 40% trong cùng kỳ.

Một ví dụ khác là thị trường nước hoa quả tại Nigeria, doanh thu của họ cũng tăng từ 79 triệu USD lên 111 triệu USD, nhưng đồng thời thị phần của họ lại giảm từ 21% xuống còn 15%.

Sự nổi lên của "các chú sư tử châu Phi" (có thể là những doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô lớn hoặc là những doanh nghiệp thực sự lớn) là một trong những lý do chính khiến các tập đoàn đa quốc gia đánh mất thị trường.

Ông Dupoux cho biết các doanh nghiệp này đều có điểm chung là khả năng đầu tư nhanh hoặc sự nhạy bén, linh hoạt trong cách thức tổ chức.

Từ lâu nay, các nước châu Phi thường không có nhiều doanh nghiệp lớn để chống chọi với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp châu lục này tập hợp lại, từ đó dần phát triển thị trường trong nước, trước khi mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực. Khoảng cách quy mô với các tập đoàn đa quốc gia cũng được giảm dần xuống.

Tập đoàn MTN của Nam Phi, một "đại gia" trong lĩnh vực điện thoại di động tại "lục địa Đen", đã mở rộng thị phần của mình khi hướng tới Nigeria - một thị trường với 173 triệu dân - và MTN đã giành được thị phần ở nước này từ tay các tập đoàn đa quốc gia phương Tây.

Một ví dụ khác là tại Angola, công ty sản xuất nước soda Refriango đã tung ra thị trường sản phẩm mới mang tên "Blue" vào năm 2005 và đã thu được những thành công lớn và hiện trở thành nhãn hàng có thị phần quan trọng tại thị trường nói tiếng Bồ Đào Nha này.

Khi Nigeria đặt ra yêu cầu phải sản xuất trong nước như là một điều kiện chính để được cung cấp xi măng cho thị trường, Dangote Cement (có trụ sở tại Lagos) đã xây dựng nhiều nhà máy có khả năng nâng công suất hàng năm lên 18,5 triệu tấn/năm, cao gấp 3 lần so với các đối thủ quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: wikipedia

Vừa đảm bảo được thị trường trong nước, Dangote lớn mạnh và đang hướng tới các thị trường châu Phi khác như Zambia.

Quen với những khó khăn của thị trường châu Phi, bám sâu vào các vùng lãnh thổ nhờ có các nhà lãnh đạo là người bản địa có khả năng linh hoạt, các doanh nghiệp châu Phi có nhiều lợi thế hơn so với các tập đoàn đa quốc gia, dù cho đôi khi cũng phải đối mặt với những thách thức, khó khăn của khu vực này.

Lisa Ivers, đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết các tập đoàn đa quốc gia có nhiều thế mạnh lớn về vốn, kinh nghiệm, phát triển thị trường.

Ví dụ bằng việc hợp tác với kênh phân phối nhỏ bản địa, Coca-Cola đã thành công trong việc phân phối đồ uống nổi tiếng của họ tại các vùng nông thôn truyền thống ở "châu lục Đen".

Ông Dupoux kết luận các tập đoàn đa quốc gia phải thông qua một chiến lược thực sự cho thị trường châu Phi và không thể coi thị trường này là thị trường bên lề được nữa.

Thanh Bình (TTXVN tại Alger)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục