Liban ghi nhận siêu lạm phát tháng thứ 32 liên tiếp

08:22' - 03/04/2023
BNEWS Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Liban, quốc gia Trung Đông này đã ghi nhận siêu lạm phát tháng thứ 32 liên tiếp trong tháng 2/2023.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Liban đã vào khoảng 190% trong tháng 2/2023, giữa lúc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi Chính phủ, Quốc hội và Ngân hàng trung ương Liban thực thi các cải cách mang tính quyết định để ổn định nền kinh tế.

Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Liban, quốc gia Trung Đông này đã ghi nhận siêu lạm phát tháng thứ 32 liên tiếp trong tháng 2/2023, trong đó dẫn đầu là cước viễn thông, chi phí dịch vụ y tế, nhà hàng và khách sạn, trong khi giá thực phẩm, nước và năng lượng cũng tăng mạnh.

 

Sau khi chạm ngưỡng 155% vào năm 2021, lạm phát ở Liban đã vọt lên 171,2% vào năm 2022, mức cao nhất trong gần 40 năm qua. Điều này là do cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ tại của nước này vẫn tiếp diễn trong bối cảnh bế tắc chính trị đã cản trở việc thành lập chính phủ mới và việc thực thi các cải cách cần thiết để nhận được các gói hỗ trợ tài chính trị giá hàng tỷ USD từ IMF và các nhà tài trợ quốc tế khác.

Cước viễn thông tại Liban trong tháng 2/2023 đã tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong khi chi phí y tế tăng hơn 4 lần. Giá quần áo, giày dép và dịch vụ nhà hàng, khách sạn tăng hơn 3 lần. Giá lương thực và đồ uống không cồn tăng hơn 3 lần, trong khi chi phí vận tải tăng ở mức tương tự.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Liban đã suy giảm khoảng 58% trong giai đoạn năm 2019-2021, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thu hẹp còn 21,8 tỷ USD vào năm 2021, từ khoảng 52 tỷ USD năm 2019, ghi dấu mức giảm lớn nhất trong 193 quốc gia.

Trong khi đó, IMF cho hay nguồn thu từ thuế của Liban trong giai đoạn 2019-2021 đã giảm hơn một nửa khi nước này đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua. IMF ước tính việc xác định không đúng trị giá hải quan, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu đã khiến Liban thất thoát nguồn thu tương đương 4,8% GDP trong năm 2022.

Trong một báo cáo công bố tuần trước, IMF đánh giá: "Mặc dù tình hình nghiêm trọng đòi hỏi phải có hành động ngay lập tức và quyết đoán, tiến độ thực hiện gói cải cách kinh tế toàn diện ở Liban vẫn còn hạn chế. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến nhóm người có thu nhập từ thấp đến trung bình và làm suy yếu triển vọng kinh tế dài hạn của Liban. Chính phủ, Quốc hội và Ngân hàng Trung ương Liban phải cùng nhanh chóng nhau hành động để giải quyết những yếu kém về thể chế và cấu trúc nhằm ổn định nền kinh tế, tạo tiền đề cho sự phục hồi mạnh và bền vững".

Các nhà lãnh đạo Liban đến nay vẫn chưa thực hiện các cải cách cơ cấu và tài chính quan trọng cần thiết để giải phóng gói hỗ trợ 3 tỷ USD từ IMF. Việc đảm bảo gói hỗ trợ này của IMF sẽ mở đường cho khoản hỗ trợ bổ sung trị giá 11 tỷ USD vốn đã được các nhà tài trợ quốc tế cam kết tại một hội nghị ở Paris (Pháp) hồi năm 2018./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục