Liên hợp quốc kêu gọi giảm số ca tử vong ở trẻ sơ sinh

08:54' - 20/10/2017
BNEWS Số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm mạnh nhưng tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong lại tăng lên.

Theo một báo cáo mới do một số cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 19/10, cần phải nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn những ca tử vong ở trẻ sơ sinh, trong đó có việc truyền bá rộng rãi những kiến thức và công nghệ cứu sống trẻ sơ sinh, đặc biệt là ở Nam Á và châu Phi tiểu Sahara.

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, Nhóm đánh giá tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh (IGME) đã công bố báo cáo có tên Mức độ và Xu hướng tử vong ở trẻ em năm 2017 do Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB) và Văn phòng dân số thuộc Vụ các vấn đề kinh tế và xã hội của LHQ, đồng soạn thảo.

Báo cáo cho thấy mặc dù số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi tiếp tục giảm mạnh - 5,6 triệu ca trong năm 2016 so với gần 9,9 triệu ca hồi năm 2000 - song tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong trong giai đoạn này đã tăng từ 41% lên 46% - tương đương 7.000 em.

Trong thông cáo báo chí chung, quan chức phụ trách y tế của UNICEF ông Stefan Swartling Peterson cho biết kể từ năm 2000, đã có 50 triệu trẻ em dưới 5 tuổi được cứ sống, điều này chứng tỏ cam kết nghiêm túc của các chính phủ và các đối tác phát triển trong việc đối phó với những ca tử vong có thể ngăn chặn được ở trẻ em.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các chính phủ cần phải nỗ lực hơn nữa để cứu sinh mạng cho trẻ vừa chào đời hoặc mới sinh được vài ngày, nhất là khi mà con người có đầy đủ những kiến thức và công nghệ cần thiết để làm được điều đó.

Những xu hướng hiện nay cho thấy trong khoảng từ năm 2017 đến 2030, sẽ có 30 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong 38 ngày đầu đời. Do đó, các cơ quan trên nhấn mạnh cần phải áp dụng những biện pháp, kể cả trợ giúp những gia đình bị gạt sang bên lề xã hội, để đạt được sự phổ cập y tế toàn cầu và đảm bảo sẽ có thêm nhiều trẻ sơ sinh được sống và phát triển.

Theo Tiến sĩ Flavia Bustreo, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO trong lĩnh vực gia đình, sức khỏe bà mẹ trẻ em, cho rằng để ngăn chặn bệnh tật, các gia đình cần phải có tiềm lực tài chính, tiếng nói của họ phải được lắng nghe và họ phải được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng. Việc cải thiện chất lượng dịch vụ và chăm sóc kịp thời trong và sau khi sinh nở phải được đặt ưu tiên hàng đầu.

Trong khi đó, ông Tim Evans, Giám đốc chương trình Dân số và Dinh dưỡng sức khỏe của WB nhấn mạnh đến thực trạng "không thể chấp nhận được" là đến năm 2017 mà việc mang thai và sinh nở vẫn là những nhân tố đe dọa tính mạng của người phụ nữ.

Với ý ám chỉ tới Sáng kiến Mỗi người Mẹ mỗi đứa Trẻ do LHQ hậu thuẫn, ông cho rằng thước đo tốt nhất sự thành công của việc phổ cập y tế toàn cầu là mỗi người mẹ không chỉ có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách dễ dàng, mà còn phải là dịch vụ có chất lượng, đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh cho con cái và gia đình của người mẹ.

Về phần mình Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội Liu Zhenmin cho biết báo cáo mới nhấn mạnh đến những tiến triển đáng kể mà thế giới đạt được từ năm 2000 đến nay trong việc giảm số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ca tử vong ở độ tuổi này có thể dễ dàng ngăn ngừa được thông qua việc thực hiện những biện pháp can thiệp đơn giản, tiết kiệm chi phí, trước, trong và ngay sau khi sinh.

Theo ông, giải quyết bất bình đẳng, chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ em và người mẹ là những yếu tố căn bản để đạt được mục tiêu phát triển bền vững về việc chấm dứt những ca tử vong ở trẻ em vốn có thể ngăn chặn được và nhằm đảm bảo không có ai bị tụt lại phía sau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục