Liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị - hướng đi bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

20:10' - 14/07/2023
BNEWS Liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững của nền nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn hiện nay.

Đây là nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tổ chức ngày 14/7 tại thành phố Long Xuyên.

* Xu hướng tất yếu

Ông Hoàng Bình Huy, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tổng diện tích trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng gần 4 triệu ha, với sản lượng từ 24 - 25 triệu tấn lúa/năm; năng suất bình quân đạt 6,2 tấn/ha.

Riêng năm 2022, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu 7,1 triệu tấn lúa; chiếm 90% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Các thị trường xuất khẩu lúa gạo chính, gồm: Philippines (45,2%), Trung Quốc (12%), Cộng hoà Côte d’Ivoire (8,2%) và thị trường EU, Nhật, Mỹ,…

 

Theo ông Huy, hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu mua lúa của nông dân thông qua trung gian, thương lái; tỷ lệ lúa tiêu thụ qua liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân còn thấp. Chủ yếu doanh nghiệp liên kết khi có yêu cầu đặc biệt về chất lượng sản phẩm: hữu cơ, kiểm soát dư lượng trong hạt gạo (đối với thị trường EU, Mỹ,…), SRP, an toàn, GAP, GlobalGAP,…  Từ đó, dẫn đến hệ luỵ giá lúa bấp bênh, thị trường đầu ra của doanh nghiệp không ổn định, tiêu thụ lúa gạo cho bà con nông dân gặp khó…

Để ngành hàng lúa gạo của Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng phát triển bền vững, ông Hoàng Bình Huy, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, liên kết trong sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu, cần làm ngay, nhất là trong bối cảnh thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét ở Đồng bằng sông Cửu Long.

“Khi đã liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị thì các bài toán nan giải bấy lâu nay của ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tìm được “lời giải”; đầu ra, kênh tiêu thụ, giá bán sản phẩm luôn ổn định, hạn chế các khâu trung gian, ép giá,… đồng thời, tạo điều kiện đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; nông dân sản xuất sản phẩm theo nhu cầu thị trường, theo đặt hàng của doanh nghiệp; áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm đồng đều…” - ông Hoàng Bình Huy khẳng định.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ nhấn mạnh, An Giang là một trong những tỉnh sản xuất và xuất khẩu lúa, gạo trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; đồng thời cũng là tỉnh tiên phong trong xây dựng cánh đồng lớn và hiện nay là các mối liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo cũng như các loại nông sản đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển các ngành hàng chủ lực và tăng thu nhập cho người dân trồng lúa.

Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, những tháng đầu năm 2023, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường quốc tế tăng cao; ước sản lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm đạt trên 290 nghìn tấn, tương đương 159 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 8,22% về sản lượng và tăng 9,52% về kim ngạch; giá xuất khẩu gạo bình quân 6 tháng đầu năm đạt 539,33 USD/tấn, tăng 8,93 USD/tấn so cùng kỳ năm ngoái.

Nhằm hiện thực hóa các chính sách trong liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và các nông sản khác, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, thời gian qua, tỉnh An Giang đặc biệt quan tâm đến việc phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp chủ lực, nhất là ngành hàng lúa gạo; tập trung tối đa các nguồn lực hỗ trợ sản xuất lúa gạo và liên kết theo chuỗi giá trị bền vững.

* Gia tăng các mô hình liên kết

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ, hiện nay, An Giang đang tập trung triển khai phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ theo hướng lâu dài, bền vững, nhằm từng bước khuyến khích, tạo động lực cho nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Qua đó, tăng cường sự liên kết giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con nông dân; giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác với nhau,… Từ đó, hình thành các vùng nguyên liệu với quy mô sản xuất lớn, khả năng cơ giới hoá, tự động hoá cao; từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân tiến sát với yêu cầu thực tiễn, hướng đến sản xuất theo thị trường, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thị trường cụ thể

 

Theo thống kê, đến nay, tỉnh An Giang có 209 hợp tác xã nông nghiệp và 22 Liên hiệp hợp tác xã; trong đó có 37 hợp tác xã và 2 Liên hiệp hợp tác xã có sự nhân sự của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tham gia quản lý điều hành và liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, nếp với Tập đoàn Lộc Trời hàng năm.

Riêng trong năm 2022, An Giang có 63 hợp tác xã nông nghiệp, 2 Liên hiệp hợp tác xã và 180 tổ hợp tác thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với các tổ chức, doanh nghiệp với diện tích liên kết khoảng 123 nghìn ha.

Giai đoạn từ năm 2021-2022, tổng diện tích thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, nếp trên địa bàn tỉnh An Giang chiếm khoảng 206 nghìn ha; các doanh nghiệp chủ yếu là Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Angimex, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty TNHH Tân Thạnh An, Công ty TNHH An Thạnh, Công ty CP Quốc Tế Gia, Công ty TNHH Phước Thịnh,…

Khẳng định sự cần thiết của việc liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị, và xem đây là hướng đến bền vững, quan trọng giúp các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, mô hình liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị hiện nay ở các địa phương trong vùng đang tồn tại nhiều vấn đề, như: quy mô sản xuất của nông dân nhỏ lẻ, rời rạc, chưa liên kết theo nhóm hoặc qua tổ chức đại diện hợp tác xã, tổ hợp tác để cùng sản xuất với diện tích lớn, tạo sản phẩm đồng nhất…

Bên cạnh đó,  nhân sự của doanh nghiệp tham gia liên kết được bố trí làm việc tại các hợp tác xã chưa được doanh nghiệp tạo điều kiện để gắn kết làm việc lâu dài với hợp tác xã. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất với hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con nông dân.

Theo Phó Viện trưởng Hoàng Vũ Quang, trong giai đoạn đến năm 2025, Việt Nam tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; trong đó, phát triển nông nghiệp số hóa rất quan trọng, là “chìa khoá” giúp nền nông nghiệp của Việt Nam phát triển theo đúng kỳ vọng.

Mặt khác, hiện nay ở trong nước có nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp sản xuất kinh doanh trong ngành lúa gạo rất thành công, nhưng thiếu thông tin chia sẻ nhằm lan toả, nhân rộng ra các vùng, địa phương khác,…

Do đó, để chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững trong các hợp tác xã, tổ hợp tác, Phó Viện trưởng Hoàng Vũ Quang đề xuất, thời gian tới các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng diễn đàn trên nền tảng số hóa để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng cơ sở tài liệu phục vụ việc tự nghiên cứu, học tập; chia sẻ thông tin, giới thiệu sản phẩm,… nhằm thúc đẩy hợp tác, trao đổi thương mại, sản phẩm dịch vụ giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, tăng sức cạnh tranh trên thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục