Liên kết sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ

07:46' - 27/09/2022
BNEWS Lợi thế của liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ là đồng bộ trong tất cả các khâu sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong canh tác lúa.

Từ niên vụ 2022 - 2023 đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang liên kết sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo Kiên Giang.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, đơn vị đã trực tiếp ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo với quy mô 300.000 ha/năm, gắn liên kết tiêu thụ với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.

Đồng thời, ký kết hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo gắn tiêu thụ với Tập đoàn Tân Long, quy mô 30.000 ha và Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, quy mô 63.000 ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, toàn tỉnh đã xây dựng được 693 cánh đồng lớn, với tổng diện tích 109.332 ha, gồm: Vụ Mùa và Đông Xuân 310 cánh đồng 61.074 ha, vụ Hè Thu 383 cánh đồng 48.258 ha. Trong số này có 502 cánh đồng, với 74.439 ha, sản lượng lúa khoảng 497.250 tấn gắn liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, số cánh đồng còn lại, nông dân bán cho thương lái thu mua.

 

Lợi thế của liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ là đồng bộ trong tất cả các khâu sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong canh tác lúa, giá lúa tiêu thụ thuận lợi, doanh nghiệp thu mua từ bằng giá đến cao hơn so với thị trường chung.

Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh thúc đẩy việc giảm lượng giống gieo sạ, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm giá thành sản xuất, lúa năng suất, chất lượng cao và ổn định, tăng sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô diện tích liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn còn hạn chế so với tiềm năng phát triển sản xuất của địa phương và nhu cầu của người dân vẫn còn nhiều. Mặt khác, tổ chức thực hiện mô hình sản xuất này thiếu bền vững, do tập quán sản xuất của nông dân còn nhỏ lẻ, điều khoản hợp đồng ràng buộc giữa doanh nghiệp và nông dân chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng.

Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này vẫn là thị trường đầu ra của sản phẩm, giữa doanh nghiệp và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung về chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường đóng băng, giá cả lên xuống thất thường, không ổn định… trong chuỗi liên kết.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đẩy mạnh liên kết phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững, trong đó, chú trọng lĩnh vực sản xuất lúa theo hướng ổn định, bền vững và hiệu quả. Ngành nông nghiệp chuyển mạnh từ “chuỗi liên kết cung ứng nông sản” sang phát triển “chuỗi liên kết giá trị”, đảm bảo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Chuyển từ mục tiêu “hỗ trợ kinh tế hộ” sang mục tiêu “hỗ trợ kinh tế tập thể”, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp và hình thức hợp tác khác.

Tỉnh phát triển kinh tế hợp tác gắn với các chuỗi giá trị, khuyến kích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tham gia vào chuỗi liên kết giá trị và phát triển thị trường với vai trò “trụ cột” là hạt nhân chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt, đưa khoa học công nghệ, trình độ quản trị và kinh tế số vào chuỗi giá trị.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh triển khai kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ trọng vụ lúa Mùa và Đông Xuân 2022 - 2023, với tổng diện tích 121.000 ha, chiếm 35% diện tích sản xuất của 2 vụ lúa này; trong đó, sản xuất lúa chứng nhận hữu cơ 1.229 ha, ước sản lượng 5.380 tấn; sản xuất lúa chứng nhận GlobalGAP 500 ha, ước sản lượng 3.000 tấn; sản xuất lúa chứng nhận VietGAP 1.195 ha, ước sản lượng 7.767 tấn; sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP 2.057 ha, ước sản lượng 18.300 tấn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục