Có 10.000 hộ nông dân được hưởng lợi từ dự án chuỗi giá trị lúa gạo

16:35' - 21/09/2022
BNEWS Thông qua dự án MSVC, 150.000 tấn lúa đạt tiêu chuẩn quốc tế đã được sản xuất, tạo ra cơ hội tăng trưởng mới cho xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các thị trường như châu Âu và Mỹ.

Ngày 21/9, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo Tổng kết dự án Chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ nhỏ theo định hướng thị trường - Sáng kiến phát triển sản xuất lúa gạo khu vực châu Á giai đoạn 2, gọi tắt là MSVC-BRIA 2.

 

Dự án MSVC - BRIA 2 được triển khai ở Việt Nam từ năm 2018 với tên gọi "Chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ nhỏ theo định hướng thị trường" (MSVC) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp với Công ty Quốc tế Olam Việt Nam (gọi tắt Olam Agri Việt Nam) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức thực hiện.

Từ năm 2018-2022, dự án MSVC đã triển khai hoạt động thúc đẩy tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững (SRP) tại 4 tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu và Cần Thơ. Sau 4 năm tham gia dự án, các nông hộ đã tuân thủ theo các yêu cầu của tiêu chuẩn SRP, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập của nông hộ nhỏ, liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến theo yêu cầu của thị trường.

Có 10.000 nông hộ nhỏ đã cải thiện thực hành canh tác và nâng cao chất lượng lúa khi tham gia dự án. Một số nông dân tham gia mô hình trình diễn của dự án đã giảm tới 40% lượng nước sử dụng và tới 15% lượng phân bón N-P-K khi chuyển từ tưới ngập liên tục theo phương pháp truyền thống sang kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ và tưới nhỏ giọt.

Với cách canh tác lúa truyền thống từ bao đời nay nên bà Nguyễn Thị Nhĩ ở Tri Tôn, tỉnh An Giang gặp khó khăn vì sử dụng giống không đảm bảo chất lượng, phun xịt thuốc nhiều nên lúa không chất lượng, chi phí sản xuất lúa cao.

Bà Nguyễn Thị Nhĩ chia sẻ, khi tham gia dự án sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, bà tiết kiệm được giống, tiết kiệm được lượng phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật. Với 5,5ha lúa tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn SRP chuẩn bị thu hoạch, năng suất lúa đạt và có khả năng lãi cao.

Trong hai năm đồng hành cùng dự án MSCV, hiện Hợp tác xã Vĩnh Cường tại tỉnh Bạc Liêu đang triển khai sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP với 800ha và được Olam Agri cam kết thu mua hết sản lượng lúa.

Ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Cường mong muốn ngoài những nông hộ được tham gia dự án, tiếp cận sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, sẽ có nhiều hơn nữa nông dân trồng lúa am hiểu và tiếp cận sản xuất lúa tiêu chuẩn SRP để giảm chi phí sản xuất, an toàn sức khỏe.

Để hỗ trợ nông dân hiểu được ý nghĩa và hiệu quả mà dự án đem lại cho người trồng lúa, bà Huỳnh Đào Nguyên, Giám đốc Trung tâm khuyến nông An Giang cho biết trung tâm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để nông dân từng bước tiếp cận với các kỹ thuật, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP để có những thay đổi tư duy và áp dụng được các kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng theo tiêu chuẩn SRP để hạt gạo có thể xuất khẩu được.

Thông qua dự án MSVC, 150.000 tấn lúa đạt tiêu chuẩn quốc tế đã được sản xuất, tạo ra cơ hội tăng trưởng mới cho xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các thị trường như châu Âu và Mỹ.

Olam Agri là một trong những tập đoàn kinh doanh lúa gạo lớn nhất thế giới và luôn ủng hộ mạnh mẽ việc trồng lúa bền vững. Trong dự án MSVC, Olam Agri đã triển khai hoạt động khuyến khích nông dân sản xuất và tạo ra liên kết thị trường giữa các hợp tác xã và nhà máy xay xát để mua lúa trực tiếp từ nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Với chuyên môn và kiến thức đã được kiểm chứng trong các thực hành canh tác hiệu quả, Olam Agri sẽ sản xuất và đóng gói gạo được chứng nhận SRP ở Đồng bằng sông Cửu Long. 

"Sản xuất lúa bền vững mang lại lợi ích cho nông dân, cộng đồng và người tiêu dùng, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho 97 triệu người dân Việt Nam. Phù hợp với mục tiêu chuyển đổi nông nghiệp vì một tương lai bền vững hơn, Olam Agri đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác để nâng cao chất lượng gạo sản xuất tại Việt Nam và cải thiện sinh kế của  nông dân Việt Nam bằng cách tăng cường liên kết với chuỗi giá trị toàn cầu, các thị trường có nhu cầu cao về gạo an toàn, chất lượng cao và sản xuất có trách nhiệm," ông Mohit Agarwal, Tổng Giám đốc Olam Agri Việt Nam cho biết.

Ông Vũ Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đánh giá cao những nỗ lực của các bên đối tác trong việc xây dựng bộ giải pháp toàn diện từ cải tiến kỹ thuật canh tác đến tiếp cận thị trường, trong đó phát triển năng lực của nông dân, các tổ chức nông dân trong việc nâng cao chất lượng giá trị nông sản.

Những thành công và bài học từ dự án sẽ góp phần hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong quá trình chỉ đạo xây dựng điều chỉnh chính sách thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản trong cả nước.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam nói chung và lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025, trong đó có thí điểm phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo tại hai tỉnh là An Giang và Kiên Giang với diện tích khoảng 50.000ha.

Ngoài ra, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành xây dựng Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao, nâng cao giá trị và thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả mà dự án MSVC đã đạt được, đồng thời thực hiện mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu lúa chuyên canh chất lượng cao và đảm bảo môi trường sinh thái theo các đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề nghị các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương có liên quan định hướng quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, hỗ trợ cơ chế, chính sách để khuyến khích nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao rộng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục