Liệu Brexit có thực sự diễn ra vào ngày 29/3?

10:00' - 07/02/2019
BNEWS Liệu Brexit có thực sự diễn ra vào ngày 29/3, đúng thời hạn chót đặt ra cho tiến trình đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay không.
Trong ảnh (tư liệu): Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk (trái) và Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AFP/TTXVN

Bất chấp việc Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định rằng "xứ sở sương mù" sẽ tách khỏi "ngôi nhà chung" vào đúng thời hạn chót trên, song giới phân tích cho rằng kế hoạch trên là không thể.

Theo các nhà phân tích, với thỏa thuận "ly hôn" với EU hiện đang mắc kẹt tại Quốc hội Anh và những quan ngại sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn kinh tế trong trường hợp sự chia rẽ không theo quy trình nào xảy ra trên khắp châu Âu, việc trì hoãn ít nhất vài tuần có thể có lợi hơn cho tất cả mọi người.

Nhà phân tích thuộc nhóm nghiên cứu kinh tế và chính trị của TS Lombard, ông Constantine Fraser cho hãng tin AFP biết: "Ở giai đoạn hiện nay, dường như Brexit sẽ phải trì hoãn bằng cách này hay cách khác, ít nhất là vài tuần. Đó là tối thiểu".

Thủ tướng Theresa May, người đặt ra thời hạn đưa nước Anh rời khỏi EU khi bắt đầu đếm ngược cuộc đàm phán kéo dài 2 năm từ 2017 theo điều 50 Hiệp ước Lisbon, sẽ không thể thực hiện được ý tưởng đúng lộ trình.

Nhật báo Telegraph viết rằng các bộ trưởng đã thảo luận riêng về việc đề nghị Brussels lùi thời hạn chót lại 8 tuần so với dự kiến, tức là tới ngày 24/5.

Giải thích lý do Thủ tướng May bác bỏ kế hoạch lùi thời hạn chót này, ông Constantine Fraser cho rằng bà May vẫn đang chạy đua với thời gian và tận dụng "mối đe dọa một Brexit không thỏa thuận (hỗn loạn)" sẽ xảy ra vào cuối tháng 3 để thuyết phục các nghị sĩ đối lập bỏ phiếu cho thỏa thuận của bà nếu lo sợ thực sự.

Trong khi đó, Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar cho biết nước này đang tăng cường các biện pháp, chuẩn bị cho tình huống "Brexit không thỏa thuận" xảy ra.

Theo phóng viên TTXVN tại London, mặc dù Thủ tướng Varadkar khẳng định Dublin không hề muốn một kết cục Brexit với những chia tách gây nhiều xáo trộn bất ngờ, phát biểu sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Brussels (Bỉ) ngày 6/2, ông Varadkar bày tỏ tin tưởng EU sẽ tìm ra được giải pháp hỗ trợ các ngư dân, nông dân và các doanh nghiệp của Ireland, những người sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ Brexit.

Thủ tướng Ireland cũng cho biết EU và Ireland đã hội đàm về vấn đề đường biên giới Ireland.

Trước đó, Ireland đã bác các đề nghị của Chính phủ Anh về đối thoại song phương liên quan việc sử dụng công nghệ để duy trì biên giới mở giữa Anh và Ireland sau Brexit.

Đề cập đến Brexit, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định "không có khả năng" đảo ngược thỏa thuận đã đạt được giữa Chính phủ Anh và EU.

Ông Le Drian thừa nhận khó tìm được lối thoát cho vướng mắc liên quan tới biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland thuộc EU.

Tuy nhiên, EU sẽ không chấp nhận đàm phán lại nội dung thỏa thuận Brexit và tùy người Anh quyết định họ có muốn tiến hành trưng cầu ý dân lần thứ hai về việc rời khỏi EU hay không.

Theo kế hoạch, Thủ tướng May sẽ trở lại Brussels để đàm phán lại về việc sửa đổi thỏa thuận Brexit mà bà và các lãnh đạo EU đã nhất trí hồi tháng 12/2018.

Trong một bài viết trên tờ Sunday Telegraph số ra ngày 3/2, bà May cho biết bà "được giao một sứ mệnh mới" và được trang bị nhiều "ý tưởng mới" khi gặp lại các lãnh đạo EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục