Vấn đề Brexit: EU xem điều khoản "rào chắn" là giải pháp duy nhất

18:38' - 01/02/2019
BNEWS Liên minh châu Âu (EU) cho rằng điều khoản "rào chắn" là giải pháp duy nhất có thể giải quyết vấn đề biên giới Ireland sau khi Anh rời khỏi khối này, hay còn gọi là Brexit.
 Bộ trưởng Tư pháp Đức Katarina Barley phát biểu tại Berlin ngày 23/3/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Phát biểu với đài truyền hình RTE của Ireland ngày 1/2, Bộ trưởng Tư pháp Đức Katarina Barley nêu rõ:

"Chúng tôi (EU) chắc chắn sẽ không chấp nhận một biên giới theo nghĩa thông thường giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland, một điều mà chúng tôi đã rất rõ ràng ngay từ đầu. Vấn đề là chúng tôi không thấy bất kỳ đề xuất khác từ Chính phủ Anh".

Cùng ngày, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Ireland, Helen McEntee cho rằng Anh cần đặt ra các mục tiêu nếu nước này muốn kéo dài tiến trình Brexit nhằm đạt được thỏa thuận khi rời khỏi EU.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl nói rằng nước này thấy nguy cơ cao về khả năng xảy ra kịch bản "Brexit cứng", chỉ việc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào.

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết Chính phủ Anh sẽ mất vài ngày để phác thảo đề xuất với EU trong nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề biên giới Ireland sau khi Anh rút khỏi khối này. Ông cho rằng còn quá sớm để nói về sự cần thiết của việc kéo dài tiến trình Brexit.

Theo ông, nếu như Anh và EU đạt được thỏa thuận vài ngày trước thời hạn chót về Brexit, London sẽ cần thêm thời gian để thông qua dự luật quan trọng. Tuy nhiên, nếu đạt được tiến triển nhanh hơn thì Anh rút khỏi EU vào đúng ngày 29/3.

Điều khoản "rào chắn" là một chính sách nhằm đảm bảo không có một đường biên giới cứng được đặt ra chia cách CH Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh trong trường hợp Anh và EU không thể đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit.

Nói cách khác, điều khoản này nhằm giúp đảm bảo một biên giới mở giữa Bắc Ireland và CH Ireland, để ràng buộc London với những quy định về thuế quan của khối cho đến khi hai bên nhất trí được về các mối quan hệ thương mại trong tương lai.

Một số nhà lập pháp Anh kịch liệt phản đối điều này, cho rằng điều này đe dọa sự toàn vẹn biên giới quốc gia, thậm chí có thể dẫn tới việc Anh mãi mãi "mắc kẹt" trong một liên minh thuế quan với EU.

Theo kế hoạch, bà May sẽ trở lại Brussels (Bỉ) để tái đàm phán với EU. Người phát ngôn của Thủ tướng May cho biết bà đang cân nhắc 3 dàn xếp có khả năng thay thế điều khoản "rào chắn" này. Bà May sẽ trình Hạ viện Anh thông qua kế hoạch Brexit mới giữa tháng 2 tới.

Nếu được chấp thuận, Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới. Nếu không, nước này sẽ phải chọn một trong những phương án, bao gồm Brexit không thỏa thuận, bầu cử sớm hoặc một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác đối với chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục