Liệu Trung Quốc có thể vượt Mỹ về công nghệ tiên tiến?

05:30' - 04/06/2021
BNEWS Ngày càng nhiều trường đại học Trung Quốc xuất hiện ở nhóm đầu thế giới về công tác nghiên cứu công nghệ tiên tiến, và số lượng các bài báo, nhà nghiên cứu nước này cũng thuộc loại cao nhất thế giới.

Tạp chí Kinh doanh hiện đại của Nhật Bản đưa tin Trung Quốc đang có những bước đột phá mới về công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực như nghiên cứu và sản xuất vaccine, công nghệ vũ trụ. Thực tế còn cho thấy ngày càng nhiều trường đại học của Trung Quốc xuất hiện ở nhóm đầu thế giới về công tác nghiên cứu và số lượng các bài báo, nhà nghiên cứu nước này cũng thuộc loại cao nhất thế giới. 

Về phát triển vaccine 

Không thể phủ nhận Trung Quốc đã thành công trong việc phát triển vaccine ngừa COVID-19. Mặc dù nhiều nước phát triển, trong đó có Nhật Bản còn hoài nghi về tính hiệu quả của vaccine do Trung Quốc sản xuất, nhưng thực tế cho thấy số lượng người nhiễm virus SARS-CoV-2 đang giảm ở nhiều quốc gia đang sử dụng loại vaccine này. 

Nhiều nước đang phát triển không thể tiếp cận với loại vaccine đắt tiền được sản xuất tại các nước phát triển, vì vậy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc vào vaccine do Trung Quốc cung cấp miễn phí hoặc với giá rẻ.

Do đó, ngày càng nhiều quốc gia tiếp nhận hoặc chấp thuận nhập khẩu vaccine từ Trung Quốc và Trung Quốc cũng tận dụng cơ hội này để thúc đẩy "ngoại giao vaccine" theo kiểu bỏ qua lợi nhuận để ưu tiên yếu tố chính trị với một số quốc gia như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Paraguay, Brazil… 

Chinh phục sao Hỏa 

Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể trên chặng đường chinh phục vũ trụ. Ngày 15/5, tàu thăm dò "Thiên vấn 1" của Trung Quốc đã hạ cánh thành công lên bề mặt sao Hỏa, trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới làm được điều này sau Mỹ và Liên Xô cũ.

Với thành công trong việc đưa robot thám hiểm tự hành "Chúc Dung" di chuyển trên bề mặt sao Hỏa, Trung Quốc cũng trở thành quốc gia thứ hai làm được nhiệm vụ phức tạp này sau Mỹ. 

Đưa tàu lên sao Hỏa, nơi có bầu khí quyển mỏng và cách xa Trái Đất là việc làm rất khó khăn, cần nhiều thời gian để liên lạc và rất nhiều quốc gia đã cố gắng thúc đẩy nhưng đa phần thất bại. Thành công này càng khẳng định những bước tiến lớn trong ngành nghiên cứu vũ trụ của Trung Quốc. 

Tháng 12/2020, tàu vũ trụ "Thường Nga 5" của Trung Quốc đã trở về Trái Đất, mang theo những mẫu đất đầu tiên thu thập được từ Mặt Trăng, trở thành quốc gia thứ ba làm được điều này sau Mỹ và Liên Xô cũ. Ngoài ra, mô đun "Thiên Hòa", thành phần chính của trạm vũ trụ Thiên Cung, cũng đã được Trung Quốc phóng thành công. 

Đây chỉ là một phần trong chiến lược hiện thực hóa mục tiêu trở thành "cường quốc vũ trụ của Trung Quốc, do đó cạnh tranh Mỹ-Trung trong không gian được dự báo sẽ ngày càng gay gắt hơn trong tương lai. 

Về năng lực nghiên cứu của các trường đại học 

Sự cải thiện năng lực nghiên cứu của các trường đại học Trung Quốc cũng rất đáng chú ý khi một số trường của nước này đã được xếp hạng top đầu của thế giới. Bảng xếp hạng của US News mới đây đã xếp trường Đại học Thanh Hoa vào vị trí số 1 thế giới về kỹ thuật và máy tính.

Trong top 10 còn có sự góp mặt của Đại học công trình Cáp Nhĩ Tân, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Công nghệ Hoa Trung. Sự góp mặt của 3 đại diện trong top 10 đã biến đây trở thành cuộc đua của hai cường quốc Mỹ-Trung. Đại học Tokyo, một trường danh tiếng của Nhật Bản chỉ xếp hạng 81, ngày càng cho thấy sự tụt hậu với khoảng cách khá xa so với hai vị trí đầu. 

Theo báo cáo "Chỉ số khoa học và công nghệ" do Viện Chính sách Khoa học và công nghệ quốc gia, thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản công bố tháng 8/2020, Trung Quốc đứng đầu thế giới về số lượng các bài báo trong lĩnh vực khoa học tự nhiên với 310.000 bài (chiếm 19,9%), đứng sau là Mỹ với 280.000 bài (chiếm 18,3%), bỏ xa các vị trí tiếp theo là Đức, Nhật Bản, Anh. 

Trong khi đó, số lượng các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc cũng đứng đầu thế giới với 1,87 triệu người, vượt qua Mỹ với 1,43 triệu người và các nước khác là Nhật Bản (680.000 người), Đức (430.000 người) và Hàn Quốc (410.000 người). 

Mức chi phí dành cho nghiên cứu khoa học của Trung Quốc đứng thứ hai thế giới với 528 tỷ USD, đứng sau Mỹ với mức đầu tư 555 tỷ USD và vượt xa các nước đứng sau là Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc. 

Liệu Trung Quốc có vượt Mỹ về khoa học công nghệ? 

Các bước tiến vượt bậc của Trung Quốc về khoa học công nghệ đã biến phát triển công nghệ cao trở thành yếu tố quyết định cục diện của cuộc chiến kinh tế giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về phát triển khoa học công nghệ. 

Có thể thấy, vẫn còn khoảng cách lớn nếu xét về chất lượng thực sự. Mỹ cũng đã nghiên cứu và phát triển thành công vaccine ngừa COVID-19, thậm chí có độ tin cậy cao hơn. 

Cuộc đổ bộ lên sao Hỏa cũng đã được Mỹ thực hiện thành công từ năm 1976. Trong khi các trường đại học của Trung Quốc gần như chỉ vượt trội ở lĩnh vực khoa học công nghệ, còn Mỹ đứng đầu ở danh sách các trường đại học hàng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực khác. Hơn nữa, tỷ lệ theo học các trường đại học ở Trung Quốc chỉ là 54%, thấp hơn nhiều so với ở Mỹ là 88%, thậm chí thấp hơn ở Nhật Bản với 66%. 

Nếu nhìn vào xu hướng lựa chọn trường đại học của sinh viên quốc tế, có thể thấy rõ sự vượt trội của Mỹ. Trong số 5,4 triệu sinh viên quốc tế trên thế giới thì sinh viên Trung Quốc chiếm 1,6 triệu và lựa chọn yêu thích nhất là Mỹ, chiếm tỷ lệ 30%. 

Được du học ở Mỹ là giấc mơ của nhiều người trẻ tại Trung Quốc và họ cũng có xu hướng muốn tìm kiếm một công việc tại nước này sau khi tốt nghiệp thay vì về nước lập nghiệp. 

Những người như vậy đã đóng góp to lớn vào sự phát triển công nghệ của Mỹ, nhất là cuộc cách mạng về công nghệ thông tin. Có ý kiến cho rằng, xu hướng này đang thay đổi khi cơ hội việc làm ở Trung Quốc đang tăng dần, song nếu so với Mỹ thì vẫn còn khoảng cách xa. 

Lợi thế của Trung Quốc trong cuộc đua với Mỹ? 

Xét về lợi thế của Trung Quốc, thứ nhất nước này có lượng dân số áp đảo. Mặc dù tính theo tỷ lệ trên dân số thì số các nhà nghiên cứu và bài báo chuyên sâu của Trung Quốc ít hơn so với Mỹ, nhưng tính tổng số vẫn cao hơn. Trung Quốc không ngần ngại rót các khoản đầu tư khổng lồ cho việc phát triển nguồn nhân lực và các dự án lớn như nghiên cứu vaccine và phát triển không gian vũ trụ.

Trong khi đó, không thể xem nhẹ khu vực tư nhân, nhất là thương mại điện tử và tiền điện tử. Số lượng các "doanh nghiệp kỳ lân" (công ty khởi nghiệp được định giá 1 tỷ USD) xuất hiện ngày càng nhiều và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. 

Thứ hai, Trung Quốc có một chiến lược rõ ràng nhằm thu hút nhân tài, cho thấy tổng nguồn lực mà Trung Quốc có thể huy động ngày càng tăng khi nền kinh tế nước này ngày càng phát triển.

Ước tính "Kế hoạch nghìn nhân tài" của Trung Quốc đã mời được khoảng 7.000 nhà khoa học chất lượng trong vòng 10 năm từ khi triển khai vào năm 2008 đến năm 2018, trong đó có thông tin cho rằng có tới 44 nhà nghiên cứu khoa học đến từ Nhật Bản vì lý do chế độ đãi ngộ và môi trường phát triển tại Trung Quốc hấp dẫn hơn ở Nhật Bản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục