Lĩnh vực bất động sản được dự báo có nhiều thương vụ M&A nhất

10:55' - 02/08/2018
BNEWS Nhiều ý kiến cho rằng, bất động sản dự báo là một trong những lĩnh vực thu hút nhiều thương vụ M&A nhất. Và năm 2018 sẽ là một năm kỷ lục mới cho các giao dịch M&A trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Tp. Hồ Chí Minh là một trong những thị trường bất động sản sôi động nhất cả nước. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Bất động sản từ trước đến nay vẫn là mục tiêu của các nhà đầu tư trong các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Báo cáo nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 cho thấy, nếu năm 2017, tỷ trọng giá trị M&A lớn nhất là sản xuất hàng tiêu dùng, tiếp theo đó là bất động sản và đến ngành tài chính – ngân hàng… thì trong 6 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực bất động sản chiếm ưu thế khi chiếm tới 66,75% giá trị các thương vụ, tài chính ngân hàng đứng thứ 2 với 19,06%.

Với diễn biến này, nhiều ý kiến cho rằng, bất động sản dự báo là một trong những lĩnh vực thu hút nhiều thương vụ M&A nhất. Và năm n2018 sẽ là một năm kỷ lục mới cho các giao dịch M&A trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Theo ông Đặng Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty AVM, các giao dịch M&A trong lĩnh vực bất động sản vẫn theo xu hướng hướng tới các dự án ở khu vực thành thị lớn hoặc đô thị mới phát triển nơi tập trung dân cư, các dự án nghỉ dưỡng, các khách sạn ở vị trí trung tâm. Lĩnh vực này đang thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Hiện nay, những quỹ đầu tư hoặc doanh nghiệp đầu tư nước ngoài M&A dự án bất động sản có thể kể đến như: Warburg Pincus, Mapletree, Keppel Land, Hong Kong Land, Lotte E&C… Trong nước là các nhà phát triển dự án nội địa như: Novaland, Hưng Thịnh cũng không ngừng mở rộng và tìm mua các vị trí đất có lợi thế.

Một số nhà đầu tư bất động sản đã thu hút được nguồn vốn từ nước ngoài để phát triển dự án như: Vinhomes, Bitexco, Nam Long… Bất động sản hiện cũng đứng trong Top 5 các ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất và Top 5 các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam lần lượt là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc).

Theo báo cáo nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam, lý do chính thúc đẩy hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản đã và sẽ tiếp tục phát triển là do thời gian hoàn thành thủ tục dài, trung bình mất từ 3-10 năm. Đồng thời, các vị trí đất đẹp trở nên hạn chế hoặc đã được sở hữu bởi các nhà đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là cùng với nhu cầu gia tăng trong khi nguồn cung đang hạn chế, chi phí để thực hiện các giao dịch chuyển nhượng bất động sản tại Việt Nam đang ngày càng đắt đỏ hơn với mức định giá cao hơn 30-50% so với một vài năm trước.

Với lượng dân số vàng khá cao, tốc độ đô thị hóa cũng tăng cao dẫn đến nhu cầu nhà ở tăng mỗi năm, bất động sản phát triển ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn thì doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ góp phần lớn trong việc tham gia vào thị trường tiềm năng này.

Dự báo năm 2018, giá trị M&A có thể đạt 6,5 tỷ USD, bằng 63,7% so với năm 2017. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam có thể vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014-2016 để ổn định ở mốc 6 - 6,5 tỷ USD.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết, sự bùng nổ các thương vụ M&A lớn trong nửa cuối năm 2017 và nửa đầu năm 2018 được “châm ngòi” bởi các chủ trương và các biện pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế. Cùng đó, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nhất là tại những doanh nghiệp lớn, phát triển khu vực kinh tế tư nhân… đang thực sự tạo ra bước ngoặt mới, mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam, với kỳ vọng lớn hơn giá trị và số lượng thương vụ../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục