Cơ hội và xu hướng M&A Việt Nam trong bối cảnh mới

11:03' - 24/07/2018
BNEWS Diễn đàn M&A lần thứ 10 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức với chủ đề “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới” sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM, Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 8/8/2018.
Họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2018. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Cùng với chỉ số lòng tin của nhà đầu tư đang gia tăng và việc nền kinh tế đang đạt gia tốc tăng trưởng mới, sáng 24/7, Ban Tổ chức Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp (M&A Vietnam Forum 2018) dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo cung cấp các thông tin chính thức về Diễn đàn M&A Việt Nam 2018.

Diễn đàn M&A thường niên lần thứ 10 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức với chủ đề “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới” sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM, Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 8/8/2018.

Diễn đàn nhằm đánh giá, phân tích cập nhật nhất về những cơ hội và xu hướng M&A Việt Nam trong bối cảnh mới; đồng thời, ở dấu mốc đầy ý nghĩa này, cũng là lúc nhìn lại hoạt động của thị trường M&A tại Việt Nam trong 10 năm qua.

Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, diễn đàn năm nay được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, tốc độ tăng trưởng GDP sau khi đạt trên 6,8% vào năm 2017 tiếp tục đạt 7,08% trong 6 tháng đầu năm nay, cao nhất trong 10 năm qua.

Cùng với đó là niềm vui của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào kết quả cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh được củng cố.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các thách thức không nhỏ do những yếu kém của nội tại nền kinh tế, cũng như những rủi ro từ tình hình thế giới, như chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại, căng thẳng địa chính trị và suy giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn.

“Có thể nói, thị trường M&A Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới để tạo nên một “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới” như chủ đề mà ban tổ chức đã xác định cho Diễn đàn năm nay. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro cần được lường trước và có giải pháp khắc phục để hoạt động M&A tiếp tục phát triển”, Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.

Thị trường M&A Việt Nam đã trải qua một thập kỷ sôi động. Trong 10 năm qua, đã có gần 4.000 thương vụ được tạo lập, với tổng giá trị đạt khoảng 48,8 tỷ USD. Quy mô thị trường năm 2017 tăng 9 lần so với năm 2008.

Riêng trong năm 2017, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016; trong đó, thương vụ kỷ lục nhất của thập kỷ thuộc về ThaiBev (Thái Lan), thông qua công ty con Vietnam Beverage mua lại 51% Sabeco, công ty bia lớn nhất tại Việt Nam, trị giá 5 tỷ USD đã được tạo lập trong năm 2017.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD (bằng 139% cùng kỳ năm 2017).

Dự báo năm 2018, giá trị M&A có thể đạt 6,5 tỷ USD, bằng 63,7% so với năm 2017. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam có thể vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014-2016 để ổn định ở mốc 6 - 6,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, để đạt mốc 10 tỷ USD ổn định thì sẽ cần sự nỗ lực lớn hơn. Nhất là khi dự báo về “Làn sóng thứ hai” tại Việt Nam, dự kiến diễn ra trong 5 năm (2014-2018) với tổng giá trị thương vụ lên đến 20 tỷ USD, đang ở giai đoạn nước rút; trong đó toàn thị trường kỳ vọng nhiều hơn vào tương lai của khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban Tổ chức cho biết, hoạt động M&A đã phát triển mạnh mẽ không chỉ về số lượng và quy mô thương vụ, mà còn thực sự trở thành một kênh huy động vốn mới hiệu quả trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động M&A cũng đã góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Minh nhấn mạnh, sự bùng nổ các thương vụ M&A lớn trong nửa cuối năm 2017 và nửa đầu năm 2018 được “châm ngòi” bởi các chủ trương và các biện pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nhất là tại những doanh nghiệp lớn, phát triển khu vực kinh tế tư nhân… đang thực sự tạo ra bước ngoặt mới, mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam, với kỳ vọng lớn hơn giá trị và số lượng thương vụ.

Diễn đàn năm nay bao gồm các hoạt động chính sau: Hội thảo chuyên đề M&A với 3 chủ đề chính là “Sức bật của thập kỷ”, “Sức hút từ thị trường 100 triệu dân” và “Chiến lược M&A tăng trưởng đột phá”.

Bên cạnh đó, Diễn đàn sẽ bình chọn, trao thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2017 – 2018; Khóa đào tạo cao cấp về Chiến lược M&A và phát hành Đặc san “Toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam 2018”…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục