Lo ngại Ấn Độ cấm xuất khẩu, giá đường ngày càng tăng mạnh

20:35' - 29/08/2023
BNEWS Giá đường thô giao theo hợp đồng tương lai tại Sàn giao dịch hàng hóa New York đang hướng tới mức đóng cửa cao nhất trong hai tháng.

Giá đường thô giao theo hợp đồng tương lai tại Sàn giao dịch hàng hóa New York đang hướng tới mức đóng cửa cao nhất trong hai tháng, do các thương nhân lo sợ Ấn Độ, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới, sẽ hạn chế nguồn cung cho niên vụ bắt đầu từ tháng Mười tới. 

Trong vài ngày gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã thắt chặt hơn nữa các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, khi quốc gia này đang khẩn trương giải quyết vấn đề chi phí lương thực tăng cao, trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm tới. Điều này làm dấy lên suy đoán về việc đường có thể là mặt hàng tiếp theo sẽ bị hạn chế xuất khẩu. Nguyên nhân là do thiếu mưa, có nguy cơ gây ra sự thiếu hụt sản lượng đường của Ấn Độ, nhiều khả năng dẫn đến lệnh hạn chế xuất khẩu mặt hàng này.
 
Ông Michael McDougall, Giám đốc Điều hành tại Paragon Global Markets, nhận định hoạt động xuất khẩu đường của Ấn Độ trong niên vụ tới có nhiều khả năng sẽ bị "đóng băng", ít nhất là cho đến sau cuộc bầu cử.

Trên sàn giao dịch hàng hóa New York, giá các hợp đồng mua đường thô đã tăng ngày thứ tư liên tiếp, tăng tới 2,7% lên 25,49 xu Mỹ/pound (1 pound = 0,454 kg). Đây là mức giá trong ngày cao nhất kể từ ngày 22/6.

Các chuyến hàng từ Ấn Độ là "chìa khóa" để đáp ứng nhu cầu đường toàn cầu, sau khi vụ mùa thu hoạch ở nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới là Brazil (Bra-xin) kết thúc vào cuối năm nay. Lo ngại về tình trạng thiếu đường trong những tháng đầu năm 2024 đã khiến chênh lệch giá đường hợp đồng giao tháng 3/2024 so với giá hợp đồng giao tháng 5/2024 tăng vọt.

Theo các nhà khí tượng học tại Trung tâm khí tượng Rural Clima, tại Brazil, mưa rải rác sẽ xảy ra ở khu vực Trung Nam, nơi trồng trọt hàng đầu của nước này, trong thời gian còn lại của tuần này. Lượng mưa trên mức trung bình có thể làm gián đoạn việc thu hoạch mía và làm gián đoạn việc bốc hàng tại các cảng chính, gây thêm lo ngại về nguồn cung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục