Lo Tết cho người lao động

12:32' - 16/01/2022
BNEWS Sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp cũng đã chịu tác động lớn về thu nhập, ngành cao su cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, bằng nỗ lực khắc phục, ngành cao su đã có những thành tích đáng kể. Từ đó, các hoạt động chăm lo cho đời sống của người lao động trong ngành cũng được thực hiện tốt đẹp, khích lệ tinh thần làm việc của toàn thể người lao động trong ngành cao su.

*Biến nguy thành cơ

Là đơn vị đi đầu trong ngành cao su Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đã cùng các đơn vị thành viên vượt qua nhiều khó khăn, đạt được kết quả kinh doanh xuất sắc trong năm 2021.

Điều này mang lại niềm vui cho người lao động, bởi đời sống của họ không bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là doanh nghiệp có điều kiện chăm lo trong dịp Tết Nguyên đán 2022 gần kề.

 

Theo đại diện VRG, kết quả sản xuất kinh doanh của VRG trong năm 2021 vượt chỉ tiêu đề ra. Theo đó, sản lượng khai thác mủ cao su đạt 402.900 tấn, đạt 106% kế hoạch, vượt 25.200 tấn, tăng hơn 30.000 tấn so với năm 2020; thu mua trên 90.500 tấn, đạt 128% kế hoạch; tiêu thụ khoảng trên 490.000 tấn, đạt 107% kế hoạch năm.

Với giá bán khá tốt so với kế hoạch, việc gia tăng của sản phẩm cao su đã bù đắp cho khoản giảm doanh thu, lợi nhuận từ việc không thu được tiền đền bù, hỗ trợ khi trả đất cho địa phương, giảm diện tích thu hoạch mủ cao su; giúp khối các công ty cao su có doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch được giao.

Với chế biến gỗ cao su, đây là lĩnh vực kinh doanh bị tác động khá mạnh bởi dịch bệnh COVID-19 trong tất cả các sản phẩm, chỉ có gỗ MDF ít lệ thuộc vào thời vụ thu hoạch gỗ nguyên liệu nên vẫn đạt xấp xỉ 100% kế hoạch tương đương 1.010.000 m3, vượt 35% công suất thiết kế các nhà máy. Gỗ MDF do hàng nhập khẩu tăng chi phí vận chuyển nên giá khá tốt, đã giúp ngành gỗ đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm.

Còn các sản phẩm công nghiệp cao su, trừ sản phẩm nệm, gối có sản lượng chỉ đạt hơn 80% kế hoạch thì các sản phẩm khác đều đạt và vượt kế hoạch; sản phẩm băng tải và nhất là găng tay y tế giá bán khá tốt, giúp cải thiện hiệu quả của lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su với lợi nhuận vượt kế hoạch gần 20%.

Với đặc thù ngành nghề sử dụng nhiều lao động, hiện tổng số lao động của VRG hơn 84.600 người, lao động nữ chiếm hơn 34.000 người, lao động đồng bào dân tộc thiểu số hơn 32.000 người, lao động tại Campuchia hơn 17.000 người, lao động tại Lào hơn 3.500 người.

Mặc dù trải qua gia đoạn khó khăn ứng phó với dịch bệnh COVID-19 diễn ra trên diện rộng, tác động đến toàn ngành cao su, nhưng VRG cùng các thành viên đã nỗ lực để người lao động có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo sức khỏe làm việc, thúc đẩy sự phát triển của ngành cao su.

Ông Lê Văn Thắng, Phó Ban Tuyên giáo VRG cho biết, nhìn chung năm 2021 trong tình hình khó khăn chung do dịch bệnh COVID-19,  nhưng tiền lương và thu nhập của toàn Tập đoàn đều tăng so với năm trước nhờ kết quả kinh doanh hợp nhất khả quan và chủ trương tập trung chăm lo đời sống cho người lao động.

Ước tiền lương bình quân toàn Tập đoàn năm 2021 là 7.910.505 đồng/người/tháng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn tiền lương bình quân lao động khu vực cao su trong nước (7.575.440 đồng/người/tháng).

Thu nhập bình quân toàn Tập đoàn năm 2021 là 8.626.320 đồng/người/tháng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn thu nhập bình quân lao động khu vực cao su trong nước (8.489.977 đồng/người/tháng).

Tiền lương bình quân của người lao động Công ty mẹ – Tập đoàn năm 2021 ước đạt 19.500.000 đồng/người/tháng, tăng 13% đến 14% so với năm 2020. Đây là kết quả đáng mừng của toàn tập đoàn VRG sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

*Lo cho người lao động đón Tết

Với kết quả kinh doanh vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm 2021, bất chấp sự khó khăn của dịch bệnh COVID-19, VRG cùng các thành viên của VRG đã có những hoạt động khen thưởng thiết thực với người lao động, nhằm khích lệ tinh thần người lao động trong ngành cao su, cũng là cách giữ chân người lao động trước sự cạnh tranh lao động với những ngành nghề khác.

Ông Trần Hoài Khải, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai chia sẻ, trong năm 2021, vừa ứng phó với dịch bệnh COVID-19, vừa sản xuất 3 tại chỗ, đồng thời chăm lo đời sống người lao động để lực lượng lao động an tâm làm việc lâu dài, Tổng công ty Cao su Đồng Nai đã tăng nhiều khoản chi phí vào các hoạt động này.

Tuy nhiên, dù khó khăn, nhưng việc chăm lo đời sống cho người lao động ăn tết vẫn được chú trọng.

 

Theo đó, Tổng công ty cao su Đồng Nai thưởng lương tháng 13 và thưởng Tết Nguyên đán bình quân 17 triệu đồng/người, trao 500 phần quà cho người lao động, trị giá 500.000 đồng/phần, mua vé xecho 377 người lao động về quê ăn tết, trị giá 1.800.000 đồng/vé, 40 phần quà cho người lao động có bệnh hiểm nghèo, trị giá 1.000.000 đồng/phần, 30 phần quà cho 30 chốt bảo vệ của toàn Tổng Công ty, trị giá 500.000 đồng/phần.

Còn tại Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Dầu Tiếng, với hơn 4.300 lao động, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, Tổng công ty cao su Dầu Tiếng thực hiện thưởng lương tháng 13 và thưởng tết bình quân 16 triệu đồng/người.

Ngoài ra, công đoàn còn thực hiện các cuộc thăm hỏi, động viên người lao động với nhiều phần quà ý nghĩa.

Tổng Công ty Cao su dầu Tiếng đã tổ chức thăm hỏi người lao động với hơn 5.700 lượt, với tổng số tiển 1,59 tỷ đồng, hỗ trợ nhà ở "Mái ấm công đoàn" cho 6 hộ gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn…

Bên cạnh việc chăm lo cho đời sống người lao động dịp tết Nguyên đán 2022, các đơn vị vẫn chú trọng việc chăm lo an toàn dịch bệnh COVID-19, để người lao động đảm bảo sức khỏe, có thể tiếp tục duy trì làm việc tại các đơn vị.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Nông trường Cao su Long Tân, Đoàn Thanh niên nông trường Long Tân phối hợp với Công đoàn nông trường tổng hợp hỗ trợ cho 138 người lao động của đơn vị bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khi thực hiện cách ly, phong tỏa với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng, trao 149 túi quà công đoàn cho người lao động bị ảnh hưởng.

Dù mỗi phần quà trao cho người lao động tại các nông trường cao su không lớn, nhưng mang ý nghĩa động viên, khích lệ tinh thần người lao động rất lớn, giúp người lao động gắn kết với ngành cao su lâu dài, bền vững, cùng phát triển./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục