Lộ trình thu phí không dừng bỏ barrier trên 2 tuyến cao tốc

14:18' - 16/01/2024
BNEWS Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị vận hành thu phí, đơn vị vận hành hệ thống ITS, các nhà cung cấp dịch vụ phối hợp xây dựng kế hoạch thí điểm, quy trình vận hành, xử lý sự cố.

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về thí điểm mô hình thiết kế hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) đối với 2 cao tốc thành phần Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo trên cao tốc Bắc Nam theo mô hình đầu vào ETC đa làn tự do (không có barrier), đầu ra ETC đơn làn (có barrier) và không có làn thu phí hỗn hợp.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu chủ đầu tư 2 dự án cao tốc dự kiến các tình huống có thể xảy ra và phương án xử lý, phương án đảm bảo an toàn giao thông; xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị vận hành, nhà cung cấp dịch vụ thu phí, đơn vị lắp đặt hệ thống trong giai đoạn thí điểm.

 
Đi vào mô hình thí điểm cụ thể, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ có 4 trạm thu phí trên tuyến nhánh và 1 giá long môn tại Km 53+600; trong đó, 4 trạm thu phí Diên Khánh, Suối Dầu, Cam Lâm, Cam Ranh trên tuyến nhánh được thiết kế mô hình đầu vào ETC đơn làn tự do (một làn, không có barrier), đầu ra ETC đơn làn (2 làn, có barrier).

Đối với việc bổ sung, lắp đặt giá long môn trên tuyến chính tại vị trí Km 6+700 để kết nối với dự án Vân Phong - Nha Trang, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu vị trí đặt, quy mô, phương án tổ chức bảo đảm phù hợp, sẵn sàng chuyển đổi khi dự án Vân Phong - Nha Trang tổ chức thu phí.

Còn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ có 3 trạm thu phí tại các nút giao và bổ sung 1 trạm thu phí tạm vị trí cuối tuyến. Trong đó, trạm thu phí nút giao Du Long và 2 trạm thu phí nút giao Phan Rang được thiết kế với mô hình thu phí đầu vào ETC đa làn tự do (2 làn, không có barrier), đầu ra ETC đơn làn (2 làn, có barrier). Trạm thu phí tạm cuối tuyến thiết kế tạm thời đầu vào ETC đa làn tự do (2 làn, không có barrier), đầu ra ETC đơn làn (2 làn, có barrier) cùng với giải pháp thiết kế tổ chức giao thông theo phương án tạm thời, bảo đảm sẵn sàng tháo dỡ, di dời, tiết kiệm chi phí đầu tư khi đoạn tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết tổ chức thu phí.

Để bảo đảm công tác thí điểm với mô hình thu phí trên, Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị vận hành thu phí, đơn vị vận hành hệ thống ITS, các nhà cung cấp dịch vụ phối hợp xây dựng các kế hoạch triển khai thí điểm, quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố. Quy chế đối soát, phối hợp giữa các bên bảo đảm chặt chẽ, hài hòa lợi ích và sẵn sàng xử lý các tình huống trong quá trình vận hành khác thác thí điểm.

Tại dự thảo Quy chuẩn thiết kế đường cao tốc đang được lấy ý kiến, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, hệ thống thu phí cao tốc, bắt buộc phải thu phí tự động không dừng. Trường hợp thu phí kín, tại các điểm vào cao tốc bố trí hệ thống thu phí tự động đa làn tự do không có thanh chắn (barrier), đầu ra bố trí hệ thống thu phí đơn làn có barrier hoặc đa làn tự do.

Dự kiến, lộ trình triển khai hệ thống thu phí ETC của Bộ Giao thông Vận tải gồm 3 giai đoạn: Từ năm 2016 - 2023, các trạm thu phí vẫn có barrier, tài khoản có đủ tiền, barrier mới mở. Từ năm 2024 - 2025, không còn barrier, phương tiện lưu thông đơn làn tự do qua trạm thu phí. Từ năm 2026 trở đi, tại trạm thu phí chỉ còn duy trì giá long môn với thiết bị thu phí gắn bên trên, các phương tiện lưu thông đa làn tự do qua trạm thu phí.

Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có tổng chiều dài tuyến chính khoảng 49,11 km. Công trình thiết kế giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc loại A, vận tốc 100 - 120 km/giờ, quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m; giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe, vận tốc khai thác 80 km/giờ, bề rộng nền đường 17m. Dự án có 8 km qua huyện Diên Khánh, 30,5 km qua huyện Cam Lâm và 10 km qua thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) với tổng vốn đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng.

Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, có tổng chiều dài khoảng 78,5 km, có 4 làn xe với chiều rộng 17m nền đường. Sau khi hoàn thành, tiến tới mở rộng nền đường lên 32 - 35m, quy mô 6 làn xe. Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo có tổng vốn đầu tư khoảng 8.925 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 3.786 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu khoảng 1.030 tỷ đồng, vốn vay khoảng 2.756 tỷ đồng); nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 4.199 tỷ đồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục