"Loay hoay" bài toán giải quyết ngập cho Sân bay Tân Sơn Nhất

15:24' - 06/12/2018
BNEWS Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang nêu vấn đề ngập tại quận Tân Bình, trong đó có khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất bởi dự án cải tạo kênh Hy Vọng chậm triển khai.

Hàng loạt vấn đề dân sinh thu hút sự quan tâm của người dân như ngập lụt, xả rác, an toàn vệ sinh thực phẩm…đã được nhiều đại biểu chất vấn tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (khóa IX), diễn ra ngày 6/12.

Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

*Giải quyết ngập cho Sân bay Tân Sơn Nhất

Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang nêu vấn đề ngập tại quận Tân Bình, trong đó có khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất bởi dự án cải tạo kênh Hy Vọng chậm triển khai.

Trả lời hướng giải quyết tình trạng này, ông Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cho biết, giải quyết thoát nước cho Sân bay Tân Sơn Nhất có 3 hướng chính gồm Kênh A41, kênh Hy Vọng và mương Nhật Bản.

Trong đó, thành phố đã đầu tư cải tạo và đưa vào sử dụng mương Nhật Bản và có phương án cải tạo hai hướng thoát nước còn lại cho sân bay.

Riêng kênh A41 đã được giao cho quận Tân Bình làm chủ đầu tư, còn việc cải tạo kênh Hy Vọng cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, đồng thời định kỳ nạo vét đảm bảo thông thoáng để thoát nước cho sân bay.

Còn theo đại diện UBND quận Tân Bình, mặc dù gần đây Sân bay Tân Sơn Nhất không còn bị ngập nặng, ảnh hưởng đến hoạt động bay như những năm trước nhưng nguy cơ gây ngập vẫn còn hiện hữu khi công tác chống ngập cũng như việc triển khai các dự án chống ngập ở khu vực này đang gặp nhiều vấn đề.

Nhằm khắc phục tình trạng ngập ở sân bay, ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp khơi thông dòng chảy, nạo vét, đồng thời tuyên truyền để người dân không xả rác xuống dòng kênh bao quanh khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất.

Đối với vấn đề xử lý hành vi xả rác, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, từ đầu năm 2018 đến nay, có 296 trường hợp vi phạm bị UBND quận, huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý.

Tuy nhiên, công tác xử lý còn nhiều điểm bất cập như: Lực lượng kiểm tra mỏng, khó theo dõi giám sát, thiếu phương tiện giám sát, chưa quy định việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera để xử phạt hành.

Trước tình hình đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu UBND thành phố kiến nghị Trung ương giao thẩm quyền cho các đơn vị, đội quản lý trật tự đô thị… tăng thêm lực lượng thực hiện.

Bên cạnh đó, cho phép thành phố sử dụng nguồn xử phạt để hỗ trợ thực hiện cũng như cho phép thành phố sử dụng hình ảnh từ camera an ninh, giao thông tích hợp xử lý hành vi vi phạm.

* Xử lý mạnh các cơ sở y tế vi phạm

Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay, hiện nay số phòng khám có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố là 94 cơ sở, trong đó 28 cơ sở do người nước ngoài đứng tên.

Riêng cơ sở phòng khám có người Trung Quốc tham gia khám chữa bệnh có 12 cơ sở. Sai phạm chủ yếu tập trung ở các phòng khám này, gây bức xúc trong nhân dân.

Trong năm 2018, Sở Y tế thành phố đã tổ chức kiểm tra 24 lần đối với 12 cơ sở phòng khám có người Trung Quốc tham gia khám chữa bệnh, qua đó nhận diện nguyên nhân vi phạm tại các cơ sở này là do thiếu nguồn nhân lực.

Mặc dù có bác sĩ đăng ký nhưng lại không có bác sĩ khám, thậm chí chỉ có 1-2 bác sĩ người Trung Quốc; không có hồ sơ sổ sách...

Trong khi đó, quy định mức xử phạt vi phạm hành chính rất nhẹ. Trong năm 2018, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã đình chỉ 3 cơ sở phòng khám y tế có người Trung Quốc tham gia khám chữa bệnh, phạt 39 trường hợp với hơn 1 tỷ đồng. Đây là mức phạt cao nhất theo quy định.

Ngoài ra, các phòng khám Trung Quốc còn cố tình vi phạm như, chiếu hình giả cho bệnh nhân trong thao tác nội soi, đưa ra chỉ định và tính tiền.

Điều nguy hiểm là có những chỉ định điều trị không đúng, làm người dân vừa mất tiền vừa không trị hết bệnh, thậm chí nguy hiểm đến sức khoẻ. Để phát hiện hình thức vi phạm tinh vi này, Sở Y tế phải mời chuyên gia từ một số bệnh viện mới đủ sức kiểm tra, phát hiện.

Nếu lần thứ 2 bác sĩ Việt Nam đứng tên phòng khám Trung Quốc mà không hiện diện thì Sở Y tế thành phố sẽ rút giấy phép của bác sĩ, bởi lẽ việc "tiếp tay" của bác sĩ Việt Nam cho hành vi vi phạm của phòng khám có yếu tố nước ngoài là không thể chấp nhận được. Nơi nào sai phạm nhiều thì tập trung xử lý quyết liệt, không kỳ thị, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cam kết.

*Xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm

Đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, tháng 2/2018, Ban Quản lý được bàn giao đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn từ Sở Công Thương thành phố và đã đảm bảo tỷ lệ thịt heo vào các chợ đầu mối có truy xuất rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào truy xuất mà tự tin rằng sản phẩm an toàn là chưa ổn. Thời gian tới, Ban Quản lý sẽ thực hiện các giải pháp như hình thành chuỗi, liên kết vùng… đảm bảo thực phẩm rõ nguồn gốc và an toàn cũng như sẽ áp dụng truy xuất đối với những mặt hàng khác.

Về việc quản lý nguồn gốc thực phẩm tại 240 chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, dự kiến năm 2019, Ban Quản lý đưa vào hoạt động mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ người dân.

Bên cạnh chống thực phẩm bẩn, thành phố còn xây dựng chuỗi thực phẩm sạch với các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap…hoặc chuỗi thực phẩm an toàn thông qua liên kết với các tỉnh, thành lân cận.

Tại phiên chất vấn, nhiều ý kiến cử tri lo ngại về chất lượng thức ăn đường phố. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, thức ăn đường phố là đặc trưng văn hóa của thành phố nhưng không phải cứ thấy tiềm ẩn, nguy cơ rồi dẹp bỏ. Quan trọng là nâng cao ý thức người bán, từng bước giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Hiện nay nhiều quận đã xây dựng được các tuyến đường kiểu mẫu về thức ăn đường phố. Thành phố mong muốn người bán có ý thức cao, người mua cũng nên lựa chọn, thấy không hợp vệ sinh thì không mua.

Liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, trả lời chất vấn của đại biểu về thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện đã có 1 cơ sở xây dựng xong và đi vào hoạt động (ở huyện Hóc Môn), 2 cơ sở đang xây dựng, 2 cơ sở đang tiến hành các thủ tục để được cấp phép xây dựng.

Dự kiến đến tháng 6/2019, tất cả các cơ sở giết mổ lợn đi vào hoạt động, đồng thời ngưng hoạt động của cơ sở giết mổ thủ công. Tiếp đó, đến tháng 12/2019 cơ sở giết mổ gia cầm và giết mổ trâu bò cũng sẽ đi vào hoạt động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục