Loay hoay tìm đầu ra cho nông sản thế mạnh

13:25' - 26/10/2018
BNEWS Sau nhiều năm phát triển, đến nay, các sản phẩm nông sản thế mạnh của Hậu Giang vẫn loay hoay ở khâu tiêu thụ, địa phương vẫn tiếp tục nỗ lực đi tìm đầu ra.
Dứa là một trong những mặt hàng nông sản thế mạnh của Hậu Giang. Ảnh minh họa: Nam Thái - TTXVN

Tỉnh Hậu Giang xác định 10 sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh là lúa, mía, cam sành, bưởi, chanh không hạt, khóm (dứa), xoài cát, quít đường, cá thát lát và cá rô đồng. Sau nhiều năm phát triển, đến nay, các sản phẩm thế mạnh này vẫn loay hoay ở khâu tiêu thụ, địa phương vẫn tiếp tục nỗ lực đi tìm đầu ra.

* Tiêu thụ lẻ tẻ

Mấy ngày nay, bà Võ Thị Kim Nga, ở ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang phải tận dụng các mối quen biết để bán từng kg cam xoàn, cam sành đến kỳ thu hoạch. Từ người thân trong gia đình cho đến người quen, bà đều nhờ vả, mời gọi thu mua tiếp.

Bà Võ Thị Kim Nga cho biết, vườn cam xoàn, cam sành gần 0,5ha cho trái đã ngon ngọt nhưng không có một thương lái nào hỏi mua. Cho dù bà nhiều lần đi “kêu” những thương lái quen biết, thì đều được trả lời do cam “dội chợ” nhiều quá, bán không hết nên không thể thu mua.

Thế nên, dù chỉ bán được lần 5 -7 kg, tốn công thu hoạch cũng phải bán, chẳng lẽ để tám, chín tấn cam rụng đầy vườn. Do vậy, gia đình bà Nga cứ bán lẻ tẻ rồi cũng vơi được phần nào vườn cam.

Tình trạng cam rớt giá, dội chợ đang diễn ra khắp các địa phương trong tỉnh Hậu Giang. Theo ông Trần Hồng Đức, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, huyện có gần 3.000 ha cam sành, sản lượng khoảng 20.000 tấn, nhưng đang rất khó khăn trong tìm kiếm đầu ra, vì không có thương lái thu mua.

Còn tại thị xã Ngã Bảy, hiện địa phương này còn hơn 2.500 ha cam sành, sản lượng hơn 15.000 tấn cũng chưa có đầu ra. Mặc dù giá bán chỉ còn 3.500 đồng/kg đến 4.000 đồng/kg cam tại vườn nhưng cũng không có người tới thu mua.

Ngay từ đầu niên vụ mía 2018 – 2019, những người trồng mía tại Hậu Giang bắt đầu đứng ngồi không yên trước thông tin mía rớt giá, nguy cơ không có nhà máy thu mua. Họ đành chấp nhận, tìm cách bán “mía chục” – mía đếm 10 cây, bán cho các cơ sở làm nước mía.

"Có còn hơn không" là câu an ủi của nhiều người trồng mía ở Hậu Giang thời điểm này khi đáng lẽ họ bán được cho các nhà máy đường là hàng chục, hàng trăm tấn mía, chứ đâu phải đi đếm cây để bán lẻ như thế.

Ngay từ đầu niên vụ mía 2018 – 2019, những người trồng mía tại Hậu Giang bắt đầu đứng ngồi không yên trước thông tin mía rớt giá. Ảnh minh họa: Lê Huy Hải - TTXVN

Gia đình ông Lê Hoàng Mỹ ở phường 5, thành phố Vị Thanh có 0,7ha lúa. Vụ lúa Thu Đông này gia đình ông không sản xuất mà để cho nước lũ ngập tràn đồng ruộng. Ông Lê Hoàng Mỹ cho biết, để nước ngập vậy có thêm phù sa thì sản xuất lúa vụ sau tốt hơn.

Còn nếu sản xuất lúa sẽ rất tốn công bơm thoát nước, chi phí sản xuất tăng cao dẫn đến lỗ. Hơn nữa, việc sản xuất lúa trong tình hình thời tiết bất thường, phơi sấy không thuận lợi, không chủ động được nước trên ruộng đồng sẽ làm năng suất, chất lượng hạt lúa giảm sút, khi đó, bán lúa cho thương lái sẽ hết sức khó khăn.

* Tạo điều kiện xây dựng nhà máy chế biến

Trong 10 sản phẩm nông sản thế mạnh của Hậu Giang, hầu hết đang gặp yếu điểm nhất là không có doanh nghiệp lớn, không có nhà máy chế biến tầm cỡ, để nâng chất cho các sản phẩm nông sản. Các sản phẩm vẫn chủ yếu được tiêu thụ một cách chắp vá, nhỏ lẻ, xuất làm nguyên liệu chế biến là chính mà chưa tinh chế thành sản phẩm đến người tiêu dùng.

Là một trong 10 sản phẩm nông sản thế mạnh, đến nay, Hậu Giang có vùng khóm (dứa) khoảng 2.000 ha, tập trung chủ yếu tại thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Diện tích dứa được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới, do người dân phá bỏ cây mía vì thua lỗ như hiện nay.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh lại chưa có nhà máy chế biến quy mô gắn với vùng nguyên liệu này, mà chỉ mới có một số đơn vị chế biến nhỏ lẻ, nên việc tiêu thụ dứa gặp khó, người trồng chưa có thu nhập ổn định, bền vững.

Mới đây, trong buổi làm việc với Công ty cổ phần Chế biến xuất khẩu thực phẩm miền Tây (Westfood), ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh sẽ đồng hành hỗ trợ, tạo các điều kiện để Westfood phát triển vùng nguyên liệu dứa tại thành phố Vị Thanh.

Nhằm xây dựng vùng nguyên liệu quy mô từ 500 - 700 ha và trước mắt là khoảng 100 ha dứa nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.

Đối với cây lúa, địa phương đang khẩn trương tháo gỡ khó khăn dự án nhà máy xay xát và kho gạo xuất khẩu tại thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, góp phần nâng giá trị hạt lúa của tỉnh.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan nhanh chóng thực hiện dự án, đã được tỉnh Hậu Giang giao cho Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Gia Khiêm đầu tư từ năm 2012. Dự án có quy mô khoảng 130.000 m2, tổng diện tích đất thu hồi là hơn 120.000 m2; khi đi vào hoạt động sẽ góp phần tiêu thụ lúa gạo ổn định cho người trồng lúa trên địa bàn.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, trước tình hình nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh gặp khó khăn trong tiêu thụ, ngành thực hiện cấp bách.

Trước mắt là tổ chức xúc tiến thương mại một số mặt hàng, nhằm xuất đi một số thị trường có nhu cầu. Như ngành nông nghiệp phối hợp các ngành, địa phương liên quan trực tiếp đi xúc tiến, ký kết tiêu thụ cam sành cho người dân.

Còn đối với cây mía, ngành đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch vùng mía nguyên liệu trong thời gian tới sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 6.000ha trong tổng số hơn 10.000 ha như hiện nay.

Về lâu dài, theo ông Nguyễn Văn Đồng, tỉnh Hậu Giang thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển các ngành hàng chủ lực. Cùng đó, tập trung các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư cho 10 sản phẩm thế mạnh của tỉnh.

Từ đó, từng bước phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các chính sách hỗ trợ như vốn vay, giống, cơ giới hóa.

Tỉnh cũng sẽ không ngừng củng cố và sắp xếp lại hệ thống thu mua, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm và thủy sản; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào một phần hay toàn bộ các khâu tiêu thụ một sản phẩm. Đồng thời, nâng cấp các chợ, nơi buôn bán, tiêu thụ nông sản; xây dựng, hình thành các điểm thu gom đầu mối ở các vùng chuyên canh, tập trung.

Cùng với đó, khi đủ điều kiện sẽ mở thêm 3 điểm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm tại 3 chợ đầu mối lớn là chợ đầu mối tại Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội; cũng như chủ động tìm kiếm để phát triển thị trường mới, giảm thiểu những rủi ro khi thị trường truyền thống có biến động./.

Chống
Chống "được mùa, mất giá" đối với nông sản Lâm Đồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục