Logistics - mỏ vàng mới của SingPost

09:45' - 01/07/2023
BNEWS Giám đốc điều hành SingPost Vincent Phang nỗ lực tìm cách cải tổ SingPost thành một "doanh nghiệp logistics toàn cầu"

Singapore Post (SingPost) đang đặt cược tương lai của mình vào việc chuyển hướng sang lĩnh vực logistics trong bối cảnh nhu cầu chuyển phát thư giảm dần buộc công ty này phải hướng sang một lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt khác.

Hoạt động kinh doanh bưu chính và bưu kiện của SingPost đã ghi nhận khoản lỗ hoạt động 15,9 triệu SGD (11,8 triệu USD) cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023. Khoản lỗ đầu tiên của doanh nghiệp này được cho là do sự thay đổi thói quen của khách hàng sang kỹ thuật số trong thời kỳ đại dịch và chi phí nhân công và nhiên liệu tăng cao. Tổng lợi nhuận ròng của SingPost đã giảm 70% xuống còn 24,7 triệu SGD.

Trong một cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh, Giám đốc điều hành SingPost Vincent Phang cho biết SingPost đang xem xét tính bền vững thương mại của hoạt động kinh doanh bưu chính trong nước.

Lịch sử của SingPost bắt đầu từ khi doanh nghiệp này cung cấp dịch vụ bưu chính tại Singapore vào năm 1819. SingPost đã duy trì vị thế độc quyền về chuyển phát thư ngay cả sau khi lĩnh vực này được tư nhân hóa vào năm 1992, song tình trạng đó đã trở thành gánh nặng tài chính khiến hệ thống bưu điện này phải xem xét lại.

Ông Phang đã nỗ lực tìm cách cải tổ SingPost thành một "doanh nghiệp logistics toàn cầu" nhờ kinh nghiệm từng là Giám đốc điều hành của ST Logistics của Singapore trước khi gia nhập SingPost vào năm 2019.

Trọng tâm của cuộc cải tổ kinh doanh này là Freight Management Holdings (FMH) của Australia. Hồi tháng 1/2023, SingPost đã tăng tỷ lệ cổ phần sở hữu ở FMH từ 51% lên 88%, nâng tổng vốn đầu tư lên 270 triệu SGD. Thế mạnh của FMH nằm ở việc hoạch định các giải pháp logistics cho doanh nghiệp, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định lộ trình hiệu quả nhất về thời gian và giá cả. Công ty này có hợp đồng với các doanh nghiệp vận chuyển có đội bay, tàu và xe tải của riêng mình, cho phép FMH mở rộng hoạt động trong khi vẫn giữ mức đầu tư vào phương tiện vận chuyển và kho bãi ở ngưỡng tối thiểu. FMH hiện có khoảng 500 khách hàng ở Australia.

 

Nhờ vào việc mua lại FMH, lợi nhuận hoạt động logistics của SingPost đã tăng gần gấp hai lần trong năm tài chính vừa qua lên 84,7 triệu SGD. Phân khúc này chiếm 70% tổng doanh thu của SingPost, một sự khác biệt rõ rệt so với năm tài chính 2018, thời điểm logistics chỉ tạo ra khoảng 30% doanh thu, trong khi phân khúc bưu chính và bưu kiện đóng góp khoảng 50% doanh thu. 

Nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó có cả các chuyến hàng từ Trung Quốc đến Đông Nam Á, ông Phang mong muốn tận dụng vị trí của Singapore như một trung tâm vận chuyển nối Trung Quốc với các thị trường như Đông Nam Á, Australia và châu Âu. SingPost có kế hoạch mở rộng dịch vụ với một trung tâm logistics thứ hai ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc).

Tại thị trường trong nước, SingPost đang hợp tác với Lazada, một công ty con về thương mại điện tử thuộc Tập đoàn Alibaba Group Holding, để thúc đẩy hoạt động kinh doanh logistics. Alibaba là cổ đông lớn thứ hai của SingPost.

Năm 2022, SingPost và Lazada đã bắt đầu triển khai các hộp gửi gói hàng tự phục vụ cho các nhà bán lẻ trực tuyến tại các bưu điện, và sẽ lắp đặt nhiều hộp gửi gói hàng hơn tại các nhà ga và trung tâm thương mại. Điều này giúp bổ sung cho mạng lưới hơn 100 địa điểm gửi bưu kiện của SingPost trên khắp Singapore, giúp việc phân phối, vận chuyển gói hàng hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, SingPost cũng gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường giao hàng thương mại điện tử ở Singapore khi công ty khởi nghiệp đồng hương Ninja Van và J&T Express của Indonesia đang nhanh chóng giành được chỗ đứng tại đây. Một nguồn tin trong ngành cho biết hai công ty trên và SingPost đang tạo nên thế "kiềng ba chân" ở thị trường giao hàng thương mại điện tử của Singapore. 

Do sự hạn chế về quy mô thị trường tại Singapore, việc kinh doanh quốc tế được xem là chìa khóa để tăng trưởng. Thị trường nước ngoài chiếm tới 86% doanh thu của SingPost trong năm 2022, tính cả doanh thu từ FMH.

Tuy nhiên, thị trường dịch vụ logistics quốc tế cũng có sự cạnh tranh gay gắt. Nippon Express Holdings ngày 12/5 đã công bố mua lại Cargo-Partner có trụ sở tại Áo nhằm tăng cường khả năng vận chuyển giữa châu Á và châu Âu.

Đây không phải là bước đột phá đầu tiên của SingPost vào lĩnh vực logistics ở nước ngoài. Năm 2015, SingPost đã mua lại hai công ty thương mại điện tử của Mỹ, nhưng cả hai doanh nghiệp này đều thất bại, buộc SingPost phải ghi giảm toàn bộ giá trị khoản đầu tư vào năm 2019. Nhiều thành viên của ban quản lý SingPost tại thời điểm mua lại đột ngột từ chức, khiến lòng tin của các nhà đầu tư sụt giảm nghiêm trọng.

Việc xoay trục sang logistics cũng là một thách thức đối với các công ty bưu chính ở các nước khác. Năm 2015, Japan Post Holdings đã đầu tư khoảng 620 tỷ yen (4,52 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) để mua lại công ty logistics Toll Holdings của Australia và sau đó, công ty này đã phải bán một phần cổ phần sau khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Australia Post cũng đang cân nhắc cắt giảm dịch vụ thư tín trong khi tăng hoạt động chuyển phát bưu kiện.

Các nhà đầu tư vẫn tỏ ra băn khoăn liệu kế hoạch chuyển hướng của ông Phang có thể thành công hay không. Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn không ít khó khăn hiện nay, bước đi táo bạo này cũng được giới phân tích kỳ vọng sẽ mang lại "trái ngọt" cho SingPost./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục