Lối đi cho ngành công nghiệp bán dẫn lớn thứ sáu thế giới

05:30' - 30/12/2023
BNEWS Là nước xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ sáu trên thế giới, Malaysia hiện nắm giữ 7% thị phần toàn cầu và đóng góp tới 23% thương mại chất bán dẫn của Mỹ trong năm 2022.

 

Chất bán dẫn đang nhanh chóng trở thành một loại “dầu mỏ” mới. Sức hút từ mặt hàng này là một trong những nguyên nhân gây ra xung đột toàn cầu mới. Ngày nay, mọi thứ liên quan tới công nghệ, đặc biệt là các ứng dụng thuật toán thông minh của trí tuệ nhân tạo (AI), đều cần được trang bị chip, từ vũ khí đến những chiếc đồng hồ, các mặt hàng công nghệ, phần mềm máy tính và ô tô… Kỷ nguyên AI chỉ mới bắt đầu và điều này chắc chắn sẽ dẫn đến việc sử dụng chip ngày càng nhiều hơn nữa trên toàn cầu.

Malaysia đang đóng một vai trò khá quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất chip toàn cầu. Lĩnh vực điện và điện tử chiếm khoảng 7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia. Trong đó, riêng thiết bị bán dẫn và mạch tích hợp điện tử đã chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt giá trị xuất khẩu là 387 tỷ ringgit (RM), tương đương 83,13 tỷ USD) vào năm 2022.

Là nước xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ sáu trên thế giới, Malaysia nắm giữ 7% thị phần toàn cầu và đóng góp tới 23% thương mại chất bán dẫn của Mỹ trong năm 2022. Malaysia đang chào đón nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn. Quốc gia này có sự hiện diện lâu dài trong lĩnh vực lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip, cũng như các dịch vụ sản xuất thiết bị điện tử, sản xuất 13% sản lượng bán dẫn phụ trợ toàn cầu.

 
Trong Kế hoạch quy hoạch tổng thể công nghiệp mới (NIMP) 2030, Malaysia mong muốn có thêm nhiều hoạt động đầu - cuối như thiết kế mạch tích hợp, chế tạo, sản xuất máy móc và thiết bị bán dẫn ở Malaysia. Những thông báo đầu tư gần đây của tập đoàn Intel (7 tỷ USD), Infineon (5,5 tỷ USD) và Texas Instruments (3,1 tỷ USD) cho thấy quốc gia Đông Nam Á có vị thế tốt để mở rộng quy mô và tham gia vào các hoạt động phức tạp hơn.

Đáng tiếc là nhiều công ty Malaysia, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn phụ thuộc vào lao động phổ thông nước ngoài và không sẵn sàng cho quá trình tự động hóa. Nhiều người không tin rằng Malaysia có khả năng sản xuất máy móc tự động hoặc công cụ chính xác tương đương với trình độ của Đức hay Nhật Bản.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu tại Malaysia cũng đã tạo ra một số công ty địa phương thành công. Đó là các công ty chuyên về giải pháp tự động hóa, như Greatech, Pentamaster và Walta. Những công ty này nổi tiếng với việc xử lý các dụng cụ chính xác hoặc kỹ thuật chính xác. Cùng với ViTrox, công ty cung cấp hệ thống kiểm tra quang học tự động cho chất bán dẫn, tạo thành chuỗi cung ứng quan trọng và có khả năng phục hồi cao của Malaysia cho ngành bán dẫn.

Ngành công nghiệp bán dẫn thường phàn nàn rằng Malaysia không có đủ nhân tài. Nhưng sau tất cả, Malaysia đã gặp vấn đề về lương chứ không phải vấn đề tài năng. Nhiều công nhân lành nghề của Malaysia, chẳng hạn như kỹ sư và kỹ thuật viên đã hướng đến thị trường lao động ở Singapore, nơi có mức lương cao hơn. Lương thấp là một vấn đề mang tính hệ thống, tạo ra một vòng luẩn quẩn trong việc tạo ra số nhân công không đáp ứng yêu cầu về tay nghề. Malaysia là trường hợp hiếm hoi mà mức lương trung bình hàng tháng trong ngành sản xuất chỉ là 2.205 ringgit (RM) thấp hơn mức lương trung bình hàng tháng là 2.424 RM.

Các kỹ sư không tránh khỏi vấn đề này. Theo báo cáo năm 2022 của Hội đồng Kỹ sư Malaysia, hơn 30% sinh viên tốt nghiệp kỹ thuật có mức lương khởi điểm dưới 2.000 RM mỗi tháng, tính đến năm 2021, trong khi 90% sinh viên tốt nghiệp kỹ thuật kiếm được ít hơn 3.000 RM mỗi tháng. Đối với một hộ gia đình độc thân ở Kuala Lumpur, số tiền này hầu như không đủ để trang trải cuộc sống.

Một hậu quả không lường trước được của mức lương thấp trong lĩnh vực điện và điện tử là sinh viên không được khuyến khích theo đuổi chương trình giáo dục đại học toàn thời gian hoặc làm việc trong các lĩnh vực STEM (STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học)). Tỷ lệ kỹ sư tính trên dân số của Malaysia đứng ở mức 1:170 vào cuối năm 2022, thấp hơn mục tiêu mong muốn là 1:100. Những người quyết định theo đuổi sự nghiệp STEM thường lựa chọn các hình thức việc làm khác để bổ sung thu nhập, chẳng hạn như công việc tự do.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật của Malaysia cũng chọn làm việc tại Singapore, nơi họ có thể kiếm được khoảng 2800-3400 đô la Singapore (khoảng 9750–11.840 RM) mỗi tháng với tư cách là một kỹ sư mới vào nghề. Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Phải thừa nhận rằng đây là vấn đề “con gà và quả trứng”. Malaysia cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục STEM trong các trường phổ thông và đại học cũng như đào tạo kỹ thuật và dạy nghề để chuẩn bị nguồn nhân tài mạnh mẽ hơn. Nhưng quan trọng nhất, chính phủ nước này cần xem xét nâng lương tốt hơn cho những người lao động có tay nghề cao để giải quyết các vấn đề tồn tại lâu dài trong lĩnh vực này, bao gồm chảy máu chất xám và tình trạng thiếu việc làm.

NIMP 2030 đặt ra kế hoạch đạt được mức lương trung bình trong lĩnh vực sản xuất tăng gấp đôi từ 2.205 RM mỗi tháng vào năm 2022 lên 4.510 RM mỗi tháng vào năm 2030. Bên cạnh nỗ lực nâng cao chuỗi giá trị trong các hoạt động bán dẫn đầu - cuối, Malaysia có thể còn tiến xa hơn nữa, thậm chí đầy tham vọng và đặt mục tiêu mức lương kỹ sư trong lĩnh vực điện và điện tử sẽ tăng hơn nữa.

Cho đến vài năm trước, hầu hết chính phủ các nước trên thế giới đều coi ngành công nghiệp bán dẫn trước hết là một liên doanh tư nhân. Trong khi đó, Chính phủ Malaysia lại coi ngành này thuộc phạm vi quản lý của Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia, một cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm thúc đẩy đầu tư.

Kể từ năm 2021, nhiều chính phủ đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lực một cách muộn màng để điều phối chính sách và định hình kết quả. Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ, cùng với lệnh cấm xuất khẩu chip tiên tiến là những ví dụ điển hình nhất.

Năm 2022, Malaysia và Mỹ đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Bản ghi nhớ đưa ra các nguyên tắc hướng dẫn nhằm tăng cường hợp tác, minh bạch và tin cậy giữa chính phủ hai nước.

Ngoài việc coi ngành công nghiệp bán dẫn là một khoản đầu tư, Malaysia nên đầu tư xây dựng vai trò lãnh đạo chính sách mạnh mẽ hơn. Với sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các bên liên quan chính, bao gồm các bên tham gia, các nhà tư tưởng chính sách và chính phủ, Malaysia có thể bắt đầu suy nghĩ một cách chiến lược hơn về ngành công nghiệp quan trọng và thú vị nhất này của thời đại chúng ta.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục