Lợi ích đan xen về năng lượng giữa Mỹ, châu Âu và Nga

05:30' - 21/07/2017
BNEWS Tạp chí "National Interest" mới đây đăng bài viết về quan hệ năng lượng Mỹ - châu Âu - Nga của Nikolay Pakhomov, Chủ tịch công ty tư vấn New York Consulting Bureau có trụ sở tại thành phố New York.
Lợi ích đan xen về năng lượng giữa Mỹ, châu Âu và Nga. Ảnh: Reuters

Chính sách năng lượng của Nga ở châu Âu gần đây trở thành một phần trong các cuộc tranh luận ở Washington trong thời điểm Mỹ đang cân nhắc về các biện pháp trừng phạt chống Moskva và không phải là tất cả mọi người ở châu Âu đều cho rằng hợp tác năng lượng với Nga là có hại hay nguy hiểm.

Mặt khác, cuộc tranh luận gợi nhớ về sự bành trướng của năng lượng Nga tại châu Âu dựa trên vấn đề kinh tế hơn là học thuyết chính trị.

Đường ống dẫn khí đốt đóng vai trò gắn kết Nga và các khách hàng tại châu Âu. Những người theo học thuyết "vũ khí năng lượng" vẫn bàn về sự gián đoạn trong nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga cho châu Âu do những tranh cãi giữa Moskva và Kiev.

Trên thực tế, sự gián đoạn này không chỉ khiến châu Âu thiếu năng lượng mà Nga cũng mất đi những lợi ích từ việc bán khí đốt. Bởi vậy, không ai cho rằng mục tiêu của Nga là sử dụng loại "vũ khí năng lượng" này bởi Moskva sẽ mất hàng tỷ ruble trong ngân sách quốc gia.

Mặc dù Nga đã giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí trong một thập kỷ qua, nhưng nước này vẫn không thể từ bỏ nó. Điều này giải thích vì sao lãnh đạo Nga, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin luôn rất chủ động trong bảo đảm sự phối hợp năng lượng giữa Nga và châu Âu trong tương lai.

Tất nhiên, có thể hiểu việc Mỹ phản đối đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (giữa Nga với Đức) cũng như bất cứ dự án nào đưa nguồn năng lượng của Nga tới châu Âu.

Ngoài vấn đề địa chính trị, Washington mong muốn đưa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ vào châu Âu. Tuy nhiên, cách tốt nhất là sử dụng luận điểm kinh tế thay vì các biện pháp gây áp lực.

Giải thích về nhu cầu khí đốt từ Nga của châu Âu đơn giản là bởi khu vực này thiếu lựa chọn. Châu Âu đã dành vài thập kỷ để tìm kiếm và phát triển những nguồn cung thay thế, nhưng nguồn năng lượng của Nga vẫn rất hấp dẫn.

Những sự lựa chọn khác đều không chắc chắn hoặc cần vốn đầu tư lớn khiến cho chi phí trở nên quá đắt đỏ so với nguồn cung của Nga.

Nếu Mỹ muốn thực sự giảm nhu cầu của châu Âu đối với năng lượng Nga thì cách tốt nhất là ủng hộ về kinh tế đối với sự đa dạng hóa hoặc đầu tư vào đó, mặc dù cách thứ hai rất tốn kém.

Bên cạnh các khoản đầu tư khổng lồ vào các cơ sở chứa khí đốt tự nhiên hóa lỏng và cơ sở hạ tầng tại châu Âu, các nhà hoạch định chính sách phải tìm cách đảm bảo việc phân phối khí đốt hóa lỏng từ Mỹ đến châu Âu. Mặt khác, khí đốt hóa lỏng cũng đắt hơn rất nhiều so với khí đốt của Nga. 

Washington mong muốn đưa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ vào châu Âu. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, châu Âu đang mua khí đốt hóa lỏng từ Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có một khoảng cách rất lớn giữa việc phân phối khí đốt hóa lỏng và việc tiêu thụ năng lượng của Nga.

Hơn nữa, khi coi sự đa dạng hóa như là yếu tố cốt lõi đối với an ninh năng lượng châu Âu, cần hiểu rằng khí đốt của Nga sẽ vẫn là một phần không thể thay thế trong sự đa dạng đó. Trong tương lai, những hợp đồng năng lượng với Nga sẽ đảm bảo nhu cầu năng lượng của châu Âu.

Tương tự, Nga cũng cần châu Âu duy trì nhu cầu khí đốt của Nga. Phương án chuyển hướng hoàn toàn sang thị trường châu Á được coi là hạn hẹp bởi điều đó sẽ dẫn tới sự phụ thuộc của Nga vào các khách hàng châu Á với giá cả độc đoán.

Cho dù bối cảnh địa chính trị thế nào thì châu Âu và Nga vẫn có xu hướng tìm các thỏa hiệp và giải pháp để tiếp tục sự phối hợp về năng lượng.

Tình hình năng lượng tại châu Âu sẽ bất ổn, nếu Mỹ tham gia vào cuộc đối thoại này với những biện pháp trừng phạt và cố gắng đạt được lợi ích cho các nhà xuất khẩu năng lượng hóa lỏng mà không có các chính sách kinh tế phối hợp.

Sự bất ổn này và những hậu quả đi kèm đối với nền kinh tế châu Âu sẽ chẳng hề đem lại lợi ích nào cho Mỹ. Đó là lý do tại sao Mỹ rất thận trọng khi đưa ra những biện pháp trừng phạt chống lại việc cung cấp khí đốt từ Nga vào châu Âu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục