Lợi ích lớn từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

10:30' - 02/09/2024
BNEWS Sau 12 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tình trạng phá rừng được hạn chế đáng kể và cuộc sống của người làm nghề rừng ở Yên Bái được cải thiện rõ rệt.
Sau 12 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhiều khu rừng trên địa bàn Yên Bái được tái sinh, tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng bị hạn chế đáng kể. Cuộc sống của người làm nghề rừng được cải thiện rõ rệt, góp phần xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cho những địa phương vùng cao còn nhiều khó khăn.

* Nâng cao chất lượng rừng

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, tỉnh có tổng diện tích tự nhiên trong lưu vực có cung ứng dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh là 433.902 ha; trong đó: diện tích rừng và đất lâm nghiệp đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng khoảng 215 ha, chia theo 4 lưu vực sông, suối chính trên địa bàn 8 huyện, thị trải rộng trên 104 xã, thị trấn trên toàn tỉnh.

Từ lợi thế lớn về diện tích đất rừng, nguồn thu từ các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng tăng đều qua các năm và vượt kế hoạch đề ra. Từ số thu ban đầu 20,1 tỷ đồng năm 2012 tăng lên hơn 122 tỷ đồng năm 2024 của hơn 90 cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Đối tượng được chi trả gồm 409 cộng đồng dân cư thôn, bản nhận khoán, với 15.234 hộ tham gia bảo vệ rừng và 14 chủ rừng là tổ chức.

 
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: Ngoài các nguồn thu nhập khác từ rừng, phí dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao thu nhập và ý thức người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép tại các khu vực rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng giảm mạnh, nhất là hiện tượng đốt nương làm rẫy gây cháy rừng không còn xảy ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Nhiều năm gần đây, tỉnh Yên Bái luôn duy trì độ che phủ rừng đạt trên 63%, môi trường rừng được cải thiện, đa dạng sinh học từng bước được phục hồi, tăng khả năng phòng hộ và duy trì nguồn nước quanh năm. Đây là kết quả thiết thực của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đóng của rừng và tăng cường khoán quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên cho cộng đồng thôn, bản.

Tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, nơi có nằm trong 4 lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng lớn nhất tỉnh Yên Bái. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải chi trả cho trên 5.400 hộ và gần 100 cộng đồng, nhóm hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng, với diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng là 54 nghìn ha rừng trên tổng số 82 nghìn ha toàn huyện.

Ông Giang A Trang, Chủ tịch UBND xã Bản Mù, huyện Mù Cang Chải bày tỏ, để đạt được tiêu chí, chất lượng và đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng, ngoài việc chấm dứt phá rừng, đốt rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép thì việc chăm sóc rừng hiện có và trồng mới, trồng bổ sung được các chủ hộ giao khoán thực hiện hằng năm. Mỗi khoảnh rừng, lô rừng giao khoán đều được kiểm tra, đánh giá kỹ về chất lượng, nhiều loại cây tiếp tục đưa vào bản đồ bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định, nếu chủ rừng vi phạm sẽ đưa ra khỏi diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Thực tế cho thấy, nhờ có chính chi trả dịch vụ môi trường rừng mà quản lý rừng từng bước đi vào nề nếp, các chủ rừng đều đã lập hồ sơ bảo vệ rừng, hỗ trợ hiệu quả việc nâng cao chất lượng rừng, nhiều khu rừng nghèo kiệt được phục hồi, nguồn sinh thủy dồi dào, đảm bảo hoàn thành mục tiêu Yên Bái có 350 nghìn ha rừng đầu nguồn và đất lâm nghiệp đạt tiêu chí cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

* Cải thiện sinh kế cho người dân

Với phương châm “người trồng rừng phải sống được từ rừng”, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Yên Bái đã mang lại đa lợi ích, số tiền dịch vụ môi trường rừng không chỉ giữ được rừng mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thiết thực xây dựng nông thôn mới. Nhiều thôn, bản đã có nhà văn hóa khang trang, có đường giao thông nông thôn cho bà con đi lại thuận lợi, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Theo ông Tô Xuân Quý, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái, nhận thấy lợi ích từ chính sách chi trả môi trường rừng, người dân vùng núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã thay đổi nhận thức, thấy rõ trách nhiệm đối với việc trồng, bảo vệ và phát triển rừng; hiểu rõ vai trò và ý nghĩa của môi trường rừng đến phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thông qua chính sách này, tạo mối liên kết, cộng đồng trách nhiệm của chủ rừng với đơn vị sử dụng môi trường rừng, huy động nguồn lực xã hội để giảm ngân sách Nhà nước cho phát triển rừng.

Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng ngày càng tác động mạnh mẽ tới đời sống của người dân vùng núi, bởi nguồn thu tiếp tục tăng khi diện tích đủ tiêu chuẩn cung ứng dịch môi trường rừng được mở rộng, cùng một số lĩnh vực kinh doanh khác sẽ sử dụng dịch vụ môi trường rừng, như du lịch sinh thái, chế biến gỗ rừng trồng, nông nghiệp sạch... thay vì chỉ tập trung vào 4 loại hình dịch vụ, đó là thủy điện, nước sạch, nước công nghiệp, nuôi trồng thủy sản như hiện nay.

Ông Lại Văn Quang, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu cho hay, việc giao khoán và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng thôn, bản được người dân đồng tình, ủng hộ, đã gắn quyền lợi, trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng tới mỗi hộ gia đình. Người dân tự kiểm soát lẫn nhau, không chặt phá rừng, tự giác tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng đúng địa chỉ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả các vụ xâm lấn đất rừng, nhiều gia đình đã sống được bằng nghề làm rừng.

Bên cạnh việc hưởng lợi trực tiếp từ tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân đã có ý thức giữ rừng cho phát triển du lịch; tạo nguồn sinh thủy ổn định để làm nông nghiệp và vận hàng các nhà máy thủy điện... Đặc biệt, nhờ có nguồn vốn này, nhiều thôn, bản xây dựng nhiều thiết chế nông thôn mới, như nhà văn hóa, đường bê tông, hội trường thôn bản, sân chơi thể thao… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân giữ rừng.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian tới, ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân, các cơ quan chức năng cần cụ thể hóa các tiêu chí về chất lượng rừng tái sinh, khắc phục tình trạng suy giảm chất lượng rừng; điều tiết mức chi trả giữa các địa phương, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng vùng khó khăn, tạo động lực và cải thiện sinh kế của người dân vùng cao để động viên nhân dân gắn bó với rừng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục