Lợi ích từ phát triển du lịch nông nghiệp

12:06' - 04/02/2022
BNEWS Cùng với sản xuất sản phẩm nông nghiệp, kinh doanh quá trình hình thành sản phẩm thông qua gắn kết du lịch sẽ giúp người sản xuất tăng thêm giá trị vườn nhà.

Phát triển nông nghiệp bền vững và khai thác hết giá trị sản phẩm nông nghiệp đang là hướng đi do Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn đề ra hiện nay.

Theo xu thế phát triển, tận dụng và khai thác hết giá trị của một sản phẩm nông nghiệp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chỉ khai thác một khía cạnh kinh tế của sản phẩm.

Do đó, song song với kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, kinh doanh quá trình hình thành sản phẩm thông qua gắn kết du lịch sẽ giúp người sản xuất tăng thêm giá trị vườn nhà.

*Khai thác quá trình hình thành sản phẩm

Với các tiêu chí tiêu dùng hiện nay, người tiêu dùng luôn có nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua các thông tin trên bao bì sản phẩm, các chỉ tiêu chất lượng đã được đăng kí của đơn vị sản xuất. Tuy nhiên, những thông tin này vẫn chưa đủ để thể hiện hết một quy trình sản xuất. Nhiều người tiêu dùng vẫn muốn “mắt thấy, tai nghe” những quy trình tạo ra sản phẩm chất lượng. Chính vì vậy, việc tạo điều kiện cho người tiêu dùng hiểu rõ hơn quá trình sản xuất, lại là một yếu tố giúp người sản xuất kiếm thêm thu nhập.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, ngành nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa khai thác hết giá trị kinh tế của một sản phẩm nông nghiệp. Ví dụ như đối với hạt cà phê, nông dân và doanh nghiệp chỉ mới đưa vào chế biến để tạo ra sản phẩm cà phê chế biến, còn phụ phẩm như bã cà phê, vỏ cà phê hiện vẫn chưa được khai thác triệt để. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác trên thế giới đã đi trước, khai thác toàn bộ sản phẩm chính và phụ của hạt cà phê.

Bên cạnh đó, nông dân Việt Nam hiện có rất nhiều mô hình diện tích lớn, sản xuất lớn, đa dạng sản phẩm. Nếu như khai thác được quá trình hình thành sản phẩm, thông qua kết nối du lịch cộng đồng, khai thác hết toàn bộ giá trị của quá trình sản xuất, thì mới giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển đa dạng, đa năng.

Trong thời gian hơn 5 năm qua, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cũng đã nắm bắt được xu thế của thời đại, vừa sản xuất, vừa gắn kết người tiêu dùng, đưa người tiêu dùng đến tận vườn cây tìm hiểu quá trình sản xuất. Theo ông Lâm Thế Cương, chủ vườn ca cao 1,2 ha tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Thành phố Cần Thơ, sản xuất hơn 2.000 gốc ca cao, với 15 giống cao cao các loại.

Ban đầu, ông Cương chỉ khai thác sản phẩm cao cao để cung ứng cho các nhà chế biến, và ông cũng đầu tư trang thiết bị chế biến ra sản phẩm ca cao của gia đình.

Tuy nhiên, sau những tìm hiểu cách sản xuất và phát triển kinh tế từ chính vườn ca cao, ông Cương đã thiết kế, xây dựng vườn ca cao 1,2 ha thành một khu vườn vừa sản xuất, gắn kết với du lịch cộng đồng để khai thác hết giá trị của cây cao cao. Thông qua việc kết nối với các công ty du lịch tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Cương kết nối được nhiều khách du lịch muốn đến tham quan vườn cây, tìm hiều quy trình sản xuất cao cao.

Thông qua các dịch vụ lữ hành, người tiêu dùng trong vai trò khách du lịch sẽ được cùng gia đình ông Cương tham gia các khâu thu hoạch, chế biến trái ca cao, đồng thời thưởng thức các sản phẩm do chính mình làm ra. Kể từ khi hình thành, vườn ca cao ông Cương đã thu hút vái trăm lượt khách ghé qua mỗi năm. Nhờ đó, lợi nhuận từ vườn ca cao tăng lên 50% so với chưa kết hợp du lịch cộng đồng.

*Nơi học tập kĩ năng thực tế

Các vườn cây, vườn rau, những trang trại chăn nuôi là nơi diễn ra nhiều hoạt động sản xuất hằng ngày. Đây cũng là nơi trải nghiệm thực tế thú vị nhất, có thể giúp cho những bài học trên sách vở trở thành hiện thực. Với tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa như hiện nay, thế hệ trẻ vẫn chưa thể hình dung được hết những sản phẩm mình được sử dụng mỗi ngày như rau, thịt, cá,…

Nói đến phát triển nông nghiệp, vừa là nơi để thế hệ trẻ được trải nghiệm thực tế và học tập, biến bài học thành hiện thực, phải kể đến nông trại Tam Nông tại Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Văn Bắc, chủ nông trại Tam Nông chia sẻ, với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành khuyến nông, ông phát hiện nông nghiệp rất gần gũi với đời sống con người, nhưng lại trở nên xa lạ với những người trẻ tại các thành phố lớn.

Chính vì vậy, ông Bắc xây dựng nông trại Tam Nông, với mục đích vừa có thể sản xuất, cũng vừa là nơi dạy cho các bạn trẻ những kĩ năng thực tế về quá trình sản xuất nông nghiệp.

Đến với nông trại Tam Nông, du khách có thể trở về với thiên nhiên, trải nghiệm được nhiều nghề nông chỉ có trong truyện cổ tích như bắt ốc, mò cua, be bờ, bắt cá, trồng rau, nuôi gà, thực hành các môn học như sinh học, nông nghiệp, kĩ thuật công nghệ,… Thậm chí, thông qua trang trại, du khách trẻ có thể phân biệt được các quá trình chăm sóc rau, cây, con một cách cụ thể nhất.

Anh Nguyễn Văn Hải, ngụ tại thành phố Thủ Đức chia sẻ, gia đình anh có 2 con nhỏ, nhưng vì sống tại Thành phố Hồ Chí Minh nên các con anh chỉ nhìn nhận các con vật, cây cỏ qua hình ảnh hoặc truyền hình.

Chính vì vậy, việc đưa con đến những nơi sinh thái, thực tế như nông trại Tam Nông là điều rất cần thiết, để các con anh có thể nhìn thấy những con vật ngoài thực tế, phân biệt được tình chất của từng loài, học tập những kĩ năng về hái rau, nhặt rau, bắt gà, bắt cá, áp dụng được bài học trong sách vở.

Theo GS. TS Hoàng Văn Đính, đại diện Hiệp hội du lịch Việt Nam, du lịch cộng đồng gắn kết với phát triển nông nghiệp là một phương án giúp người dân tự khai thác được năng lực của chính mình, đặc biệt là năng lực sản xuất và tiếp thị.

Thông qua các đoàn khách, sản phẩm của người sản xuất được đánh giá chân thực nhất. Từ đó, chính người sản xuất sẽ tiếp thu và cải thiện, phát triển để sản phẩm của vườn nhà đạt chất lượng hơn, đáp ứng được yêu cầu của du khách nói riêng, người tiêu dùng nói chung. Đây là một bước đi tắt trong việc nâng cao ý thức sản xuất theo tiêu chí của người tiêu dùng hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục